Những tượng đài trong lòng dân tộc

Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, những người Mẹ Việt Nam Anh hùng nhân hậu, tần tảo, thầm lặng với nỗi đau mất chồng, mất con nơi chiến trường để dệt nên những trang sử hào hùng, chói lọi của mảnh đất hình chữ S.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Chi, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) giao lưu tại Chương trình Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020. Ảnh: Nguyễn Đăng
Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Chi, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) giao lưu tại Chương trình Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020. Ảnh: Nguyễn Đăng

Những người mẹ chấp nhận chia ly, tiễn chồng, con lên đường để rồi ngày đêm lặng lẽ chăm sóc gia đình, làm kinh tế; làm hậu phương cho tuyến đầu. Những người mẹ không ngại hiểm nguy, âm thầm nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, tiếp lương, tải đạn; những người mẹ trực tiếp đối mặt với quân thù, đánh giặc, bị giặc bắt, tra tấn, tù đày và trở thành thương binh... Những người mẹ âm thầm nuốt nước mắt vào trong, cạn khô dòng lệ khi “bao lần tiễn con đi, bao lần khóc thầm lặng lẽ”. 

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, theo tiếng gọi của Ðảng, với tinh thần không có gì quý hơn độc lập tự do, "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", lớp lớp người con của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể của mình trên chiến trường. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, ngoan cường mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Song hậu quả của các cuộc chiến tranh để lại rất nặng nề. Cả nước hiện có hơn 9,2 triệu người có công; gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, gần 300 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương binh, bệnh binh mang trên mình thương tích, bệnh tật.

Nhưng sự hy sinh mất mát lớn lao hơn cả, đó là sự hy sinh thầm lặng của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã hiến dâng máu, nước mắt và cả chồng, con, cháu - những người thân yêu nhất của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sự hy sinh của các mẹ một lần nữa khẳng định tinh thần, khí phách Bà Trưng, Bà Triệu trong thời đại Hồ Chí Minh - "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" và sẽ mãi mãi lưu danh cùng sử sách, được lớp lớp thế hệ người Việt Nam trân trọng, ghi nhớ, biết ơn...

Với lòng biết ơn, đạo lý uống nước nhớ nguồn, Ðảng và Nhà nước ta đã sớm có chủ trương phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng từ năm 1994, với sự ra đời của Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng". Từ đó đến nay, có gần 140 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước, nhân dân phong tặng, truy tặng, chăm sóc và phụng dưỡng. Trong đó tỉnh Quảng Nam có số lượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng, truy tặng là 15.261 mẹ, Bến Tre 6.905 mẹ, Quảng Ngãi 6.802 mẹ, Hà Nội 6.723 mẹ.

Báo cáo công tác chăm sóc người có công và phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng do Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung trình bày tại buổi gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020 đã nêu rõ: "Những năm qua, bên cạnh các chính sách ưu đãi của Ðảng, Nhà nước, toàn xã hội cũng luôn thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực, từ những phong trào "Áo lụa tặng bà" của các cháu thiếu nhi cả nước, phong trào "Tấm chăn tặng mẹ" của các tổ chức, đoàn thể xã hội đến việc xây dựng Quỹ Ðền ơn đáp nghĩa, xây dựng Nhà tình nghĩa, Sổ tiết kiệm tình nghĩa, đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Trong phong trào đó xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn tấm gương sáng. Như, họa sĩ Ðặng Thị Ái Việt đã đi xe máy khắp cả nước vẽ tranh các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; nhà báo, Ðại tá Trần Hồng đã chụp hàng nghìn bức ảnh các mẹ. Ðến nay, 4.962 mẹ đang sống đều được các tổ chức, doanh nghiệp và gia đình chăm sóc, phụng dưỡng".

Ðồng chí Ðào Ngọc Dung nhấn mạnh, buổi gặp mặt là dịp để nhắc nhở thế hệ sau công tác chăm sóc người có công với cách mạng tiếp tục là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài; là tình cảm, lương tâm và trách nhiệm của mỗi tổ chức, mỗi người dân đất Việt nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội trong phong trào đền ơn đáp nghĩa; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống cách mạng, sự đóng góp hy sinh của những người và gia đình người có công. Ðẩy mạnh đền ơn đáp nghĩa để thật sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh thiếu niên,… qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ.

Danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là sự tôn quý, ghi nhận của Tổ quốc với công lao to lớn và sự hy sinh vô bờ bến của các mẹ. Các mẹ hiện diện tại cuộc gặp mặt ngày 25-7 là hiện thân của một dân tộc anh hùng. Ðó là mẹ Lê Thị Hự ở Ninh Thuận có chồng và ba con là liệt sĩ. Bản thân mẹ mang trên mình vết thương chiến tranh để lại. Mẹ Nguyễn Thị Ðỗ ở TP Ðà Nẵng (104 tuổi), mẹ Nguyễn Thị Hữu ở Tiền Giang vừa là những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, vừa là thương binh. Các mẹ tham gia cách mạng từ rất sớm, nhiều lần bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Mẹ Nguyễn Thị Sự (102 tuổi), dân tộc Mường, lần lượt nuốt nước mắt tiễn các con ra đi và mãi mãi không trở về. Giờ đây, ở tuổi bách niên giai lão, mẹ vẫn lặng lẽ đóng góp tích cực cho cộng đồng. Mẹ Võ Thị Tặng ở Quảng Nam đã mất đi người chồng và hai người con, mẹ chồng của mẹ cũng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Bản thân mẹ nhiều lần bị địch bắt giam cầm, tra tấn, hiện còn mang trên mình nhiều vết thương, di chứng nặng nề của chiến tranh để lại. Mẹ Tạ Thị Kiều ở Bắc Giang là tấm gương lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi giai đoạn 2012 - 2017. Trong những ngày cả nước gồng mình chống đại dịch Covid-19, mẹ Ngô Thị Quýt (95 tuổi) cần mẫn may hàng trăm chiếc khẩu trang để tặng người nghèo, lan tỏa tình yêu thương, ấm áp tình người trong gian khó.

Với 300 Mẹ Việt Nam Anh hùng quy tụ trong cuộc gặp mặt ấm áp này, mỗi mẹ có một câu chuyện cuộc đời riêng nhưng tựu trung lại đó chính là câu chuyện của hàng triệu gia đình Việt Nam. Cả hội trường lặng người đi xúc động trước câu chuyện của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bê, 83 tuổi, ở xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Mẹ đẻ và mẹ chồng của mẹ Bê cũng là những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong suốt những năm chống Mỹ, cứu nước, mẹ vừa nuôi con vừa nuôi giấu cán bộ, từng bị địch bắt tra tấn dã man, bị đày ra Côn Ðảo năm 1974. Cả chồng, rồi con trai mẹ đều hy sinh trong cuộc chiến. Trong chiến tranh, mẹ một mình tảo tần nuôi ba người con và cha mẹ chồng. Một tay chăm lo đồng ruộng để lấy gạo nuôi bộ đội trong những căn hầm bí mật. Khi giặc phát hiện, nhiều lần lùng sục nhưng mẹ vẫn kiên tâm che chở cho chiến sĩ cách mạng. Khi bị địch bắt, nhốt qua bao nhà tù với bao cực hình tra tấn dã man nhưng đều không khai thác được gì từ mẹ, ngoài cái lắc đầu và câu trả lời "không biết". Dù đã ở tuổi 83, nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn khi nhớ về những ngày tháng bị giặc đày ra Côn Ðảo. Mẹ kể: "Tại đây, bị tra tấn vô cùng dã man, mẹ tuyệt thực và chống đối lại tất cả những đòn tâm lý chiến của giặc. Mẹ còn động viên bạn tù nữ vượt qua nỗi đau thể xác, vực dậy tinh thần đấu tranh đến cùng của bạn tù". Gần ngày 30-4-1975, tàu đưa mẹ từ nhà tù Côn Ðảo trở về đất liền. Khi đặt chân về mảnh đất Long An cũng chính là khi mẹ nghe tin con trai Võ Văn Y hy sinh. Hiện, mẹ đang được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phụng dưỡng.

Còn câu chuyện của mẹ Lê Thị Chi (91 tuổi), ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Ðà Nẵng luôn bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay không dứt từ khán giả. Mẹ Chi có chồng và con trai đầu hy sinh trong chiến tranh. Mẹ cũng là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng, nhiều lần bị kẻ thù chích điện, đánh đập, tra tấn nhưng mẹ nhất quyết không hé răng dù chỉ nửa lời. Suốt những năm tháng ấy, mẹ một mình tần tảo sớm hôm nuôi bốn người con đến ngày trưởng thành. Hơn 30 năm nay, mẹ chuyển ra Ðà Nẵng ở với con gái út. Tuy cuộc sống không khá giả gì, nhưng trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, mẹ đã đem toàn bộ số tiền dành dụm được ủng hộ phòng, chống dịch. Mẹ cười móm mém: "Mẹ dành dụm từ tiền mừng tuổi của các con cháu, các tổ chức đến thăm hỏi trong hai cái Tết gần đây, được năm triệu đồng mang ủng hộ hết cho thành phố". Mẹ bảo, bản thân mẹ đã có Nhà nước nuôi, khi Nhà nước khó khăn, mẹ muốn chung tay góp sức cùng Nhà nước chống dịch. Ðại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Ðà Nẵng cho biết, mẹ là cá nhân ủng hộ số tiền cao nhất của phường Thanh Bình trong đại dịch vừa qua.

Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân làm hết sức mình, dành sự quan tâm lớn nhất cả về vật chất, tình cảm nhằm chăm lo phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, phần nào bù đắp hy sinh của các mẹ cho quê hương, đất nước. Hiệu quả trong công tác chăm lo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng trong những năm qua có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, luôn coi đây là chính sách lớn, để từ đó hoạt động phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng không chỉ là nghĩa cử, mà đã trở thành truyền thống, thành đạo lý trong đời sống nhân dân cả nước.