Những đảng viên đi trước nơi “đất thép”

NDO -

NDĐT - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, là người cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong mọi việc để thúc đẩy phong trào, lôi cuốn mọi người làm theo. Xuân này, tôi lên Mường Khương, đến với những con người bình dị mà kiên trung nơi “đất thép” bốn mùa ngút ngàn sương gió. Họ là những đảng viên như “cánh chim đầu đàn” nơi thượng nguồn sông Chảy hùng vĩ mà gian khó.

Đảng viên Hồ Xí Vín, dân tộc Thu Lao là “cánh chim đầu đàn” ở vùng núi cao biên giới xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Đảng viên Hồ Xí Vín, dân tộc Thu Lao là “cánh chim đầu đàn” ở vùng núi cao biên giới xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Dọc Quốc lộ 4D mới sửa sang láng mịn, như dải lụa đen ánh, vắt qua “rừng cao núi nhọn” xứ Mường để lên “Trường Sa cạn” Tả Gia Khâu, hoa dã quỳ vàng rực bung nở, hoa đào núi cánh dày khoe sắc đỏ lẫn trong vườn nhà, bờ rào đá của bản, báo hiệu một mùa xuân mới đang về nơi thượng nguồn sông Chảy hùng vĩ.

Gọi là “Trường Sa cạn”, bởi Tả Gia Khâu như một “ốc đảo”, vây quanh dải đất hình cái “yên ngựa lớn” là sông Trắng, sông Xanh ngày đêm ào ào nước siết, đổ về xuôi, làm nên sông Chảy thơ mộng, ăm ắp nước xanh trong, để quay tua-bin Thủy điện Thác Bà, thắp sáng cho quê hương. Thế mà, ở đây quanh năm khô khát, nhất là mùa khô từ tháng mười đến tháng tư năm sau, nước thật quý như vàng. Mùa đông ở Tả Gia Khâu rét cắt da, cắt thịt, chỉ có sương mù đặc quánh, che hết tầm mắt, khô khốc những cây trẩu khẳng khiu trụi lá, ẩn hiện trong sương mờ trên những triền núi đá vôi biên giới.

Khô khát và rét buốt, nhưng có lẽ, cái khắc nghiệt đó đã không cản được sức sống của đất và người nơi đây, mà còn tôi luyện, hun đúc thêm quyết tâm vượt khó, thắt chặt hơn tình nghĩa làng bản của đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Dao, Phù Lá, Thu Lao. Quyết tâm ấy thấy rõ hơn ở những cán bộ, đảng viên nơi phên dậu của đất thép Mường Khương anh hùng. Tôi gặp chị Hồ Xí Vín, người dân tộc Thu Lao, “cánh chim đầu đàn”, là nữ đảng viên đầu tiên của dân tộc thiểu số rất ít người này ở thượng nguồn sông Chảy hùng vĩ trong căn nhà hai tầng mới xây còn chưa kịp quét sơn. “Mình vừa đi bản về, kiểm tra xem bà con chống rét cho gia súc được chưa. Có mấy nhà thả trâu, bò sớm quá, mình bảo họ phải giữ ở trong chuồng, cho ăn rơm khô, đến trưa ấm mới thả ra rừng”.

Từ một người nông dân, chị Vín nỗ lực vươn lên, trở thành người phụ nữ Thu Lao đầu tiên ở vùng đất gian khó này đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng chị vẫn xốc vác công việc chung, không nề hà gian khó, chỉ mong sao cho bà con trong thôn Thải Giàng Sán có cuộc sống tốt hơn. Chị Hồ Xí Vín vừa làm, vừa học tập để gánh vác công việc nặng nề hơn, với trách nhiệm và sự tận tâm của người đảng viên. Chị Vín đã được giao nhiều công việc, như Hội Phụ nữ, công tác Hội đồng nhân, tư pháp, Bí thư Chi bộ thôn, song nhiệm vụ nào cũng hoàn thành tốt.

“Dấu ấn khó quên được là mình đã làm trước, rồi vận động bà con trong thôn làm theo, từng người, từng nhà một. Đến bây giờ đã giữ được những khu rừng cấm của bản và đồng bào Phù Lá, Thu Lao ăn ở hợp vệ sinh, hạn chế bệnh tật, chăm sóc sức khỏe tốt hơn”, chị Hồ Xí Vín chia sẻ. Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, chị cũng luôn tham gia góp ý, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới. Với chị, niềm vui lớn là cuộc sống của đồng bào Phù Lá, Thu Lao ở thượng nguồn sông Chảy ngày càng khá lên, bình yên và hạnh phúc.

Ngược lên phía cửa khẩu Sín Tẻn, đá nhiều hơn đất, sát Tết quýt sen chín vàng xuộm những vạt đồi. Năm nay, quýt được mùa, được giá nên bà con ở các thôn Sả Hồ, Sa Pả 10, Chúng Chải B… của thị trấn Mường Khương vui hơn. Tay bắt mặt mừng, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn, Phạm Quang Thảo, người trực tiếp phụ trách Tổ tuyên vận của thị trấn kể về câu chuyện giúp đồng bào thu hoạch và kết nối các đầu mối tiêu thụ quýt qua mạng intenet.

Những đảng viên đi trước nơi “đất thép” ảnh 1

Phó Bí thư Đảng ủy xã mang quân hàm xanh Phạm Quang Thảo thường xuyên “ bốn cùng” với đồng bào các dân tộc thiểu số, giúp họ xóa nghèo, vươn lên làm giàu.

Anh Phạm Quang Thảo là sĩ quan biên phòng được tăng cường về thị trấn Mường Khương, làm Phó Bí thư Đảng ủy. Bằng kỹ năng tin học và quan hệ xã hội, anh Thảo lập tài khoản Facebook cá nhân, để quảng bá và tiếp thị giúp tiêu thụ các loại cây trái như quýt ngọt, hồng giòn, ổi lê… cho bà con địa phương.

Từ đầu vụ đến nay, anh Thảo đã bán giúp hơn chục tấn quýt bột và quýt sen qua mạng cho người dân địa phương. Ngoài công việc chung, hằng ngày anh dành thời gian xuống dân, đến từng nhà nắm bắt tình hình sản xuất và đời sống, lên lịch thu hoạch quýt và bố trí phương tiện để “síp” hàng cho khách đặt mua ở thành phố Lào Cai và nhiều nơi khác. “Tôi tâm niệm là cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ bằng những việc làm cụ thể, không kể to hay bé, miễn là có lợi cho người dân”, anh Thảo nói.

Nhiều gia đình neo người, thiếu lao động hoặc có hoàn cảnh khó khăn, anh Thảo cùng các thành viên trong Tổ tuyên vận vận động bà con trong thôn góp sức, hỗ trợ sản xuất, làm nhà, chăm sóc, thu hoạch và bán quýt cho kịp thời vụ. Nhờ vậy, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên cuộc sống khá hơn. Tính từ năm 2017 đến nay, Phó Bí thư “mang quân hàm xanh” ở vùng đất thép xứ Mường đã giúp tiêu thụ cho người dân quê mình 20 tấn quýt, 80 tấn ổi lê, tám tấn hồng giòn, trị giá hơn 400 triệu đồng. Những con số đã nói lên sự tận tụy, gắn bó của người cán bộ với dân; nêu tấm gương trách nhiệm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Những đảng viên đi trước nơi “đất thép” ảnh 2

Nữ đảng viên cao tuổi Lục Thị Kim Hồng, dân tộc Tày, ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai) nhiệt tình, tận tâm với công việc chung ở địa phương, là tấm gương sáng Người cao tuổi ở xã Bản Lầu.

Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng bà Lục Kim Hồng ở thôn Na Nhung, xã Bản Lầu vẫn nhớ như in giây phút xúc động khi bất ngờ được Bác Hồ gửi tặng Huy hiệu và thư khen của Người. Bà Hồng bồi hồi kể lại: Khi ấy, bà đang là cô mẫu giáo trẻ tuổi cắm bản, chỉ vì muốn chia sẻ nỗi vất vả của những đang “vắt sức” trên đồng ruộng, nương đồi nên bà đã tình nguyện dành thời gian, chăm sóc, dạy dỗ các cháu để cha mẹ chúng được yên tâm sản xuất. Việc làm mà bà coi là bình thường đó lại khiến Bác Hồ xúc động. Dù bận trăm công nghìn việc, từ tận Thủ đô Hà Nội xa xôi, Bác Hồ đã gửi thư khen và Huy hiệu của Người cho cô giáo Lục Kim Hồng, khi ấy mới ngoài 20 tuổi.

Năm nay đã 72 tuổi, nhưng nữ đảng viên Lục Kim Hồng vẫn chưa nghỉ ngơi. Bà đảm trách vai trò Chi hội trưởng Hội người cao tuổi của thôn Na Nhung, với hơn 50 hội viên, nhiều dân tộc, đủ các nấc tuổi, cao nhất là gần trăm tuổi. “Mình được bà con tin tưởng, yêu quý nên còn sức khỏe thì cố gắng với công việc chung để mong quê hương phát triển, đời sống mọi người ngày càng tốt hơn, thế là mình vui và hạnh phúc”, bà Hồng chia sẻ.

Ngoài việc quan tâm thăm hỏi, tổ chức các hoạt động bổ ích như văn hóa văn nghệ, thể dục sức khỏe cho các cụ ở thôn Na Nhung, “lão tướng” Lục Kim Hồng cùng các bậc cao niên trong thôn Na Nhung còn tham gia dạy dỗ, giáo dục con cháu trong các dòng họ về nết ăn ở, đạo làm người, chăm chỉ học tập, siêng năng lao động và chấp hành pháp luật, tạo môi trường nông thôn mới lành mạnh, bình yên.

Ở “đất thép” Mường Khương, còn rất nhiều đảng viên “miệng nói tay làm”, gắn bó với dân, đi đầu trong công việc, nêu gương bằng những việc làm thiết thực, cụ thế, lối sống giản dị. Sau ba năm qua, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Quy định 28 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Chí Sử cho biết, nét nổi bật dễ nhận thấy là cấp ủy các cấp ở Mường Khương, đã xác định khâu đột phá, gắn với giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Khối các cơ quan chuyên môn ở huyện và xã đã đổi mới lề lối, phong cách làm việc, thái độ phục vụ nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa công sở theo phương châm “đi báo việc, về báo công”, “làm hết việc chứ không hết giờ”. Nhờ vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào thực chất, hiệu quả. Một mùa Xuân mới đang về trên xứ Mường gian khó mà kiên trung, càng nhớ lời Bác Hồ dạy “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.