Nhân rộng mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân

Thời gian qua, việc thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp ở nhiều địa phương mang lại những kết quả rõ rệt, nhất là sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới.

Ðảng ủy, UBND thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan (Ninh Bình) họp bàn kế hoạch đột phá về phát triển kinh tế - xã hội.
Ðảng ủy, UBND thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan (Ninh Bình) họp bàn kế hoạch đột phá về phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy tính chủ động, linh hoạt

Từ khi được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên (An Giang) tặng nhà đại đoàn kết (tháng 5-2020), gia đình bác Lương Khương Hy ở 18/2 đường Lê Triệu Kiết, khóm Bình Long 1 phấn chấn, nỗ lực hơn trong cuộc sống. Nhà mới của bác Hy rộng rãi, nền lát gạch men, cột bê-tông, tường xây, mái tôn, có các công trình phụ và nhiều đồ dùng thiết yếu. Tổng giá trị ngôi nhà hơn 80 triệu đồng, trong đó gia đình bác chỉ có 10 triệu đồng, số còn lại do Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu An Giang và chùa Bình An tài trợ. Bác Hy chia sẻ: Gia đình tôi là hộ cận nghèo, không thuộc diện được hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết. Nếu địa phương không "linh hoạt" thì chúng tôi không có nhà như hôm nay.

Ðồng chí Phan Hoàng Phát Ðạt, Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Mỹ Bình cho biết, bắt đầu giữa nhiệm kỳ 2015 - 2020 đồng chí Võ Thị Xuân Kiều, là cán bộ của thành phố được luân chuyển về làm Bí thư Ðảng ủy, rồi thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND phường Mỹ Bình. Lúc ấy, phường còn 19 hộ nghèo đều khó khăn về nhà ở, phần lớn không có đất ở. Nắm rõ tình hình địa phương và chủ trương của thành phố về việc bố trí một số khu đất công để làm nhà đại đoàn kết, đồng chí Xuân Kiều chủ động cùng Ðảng ủy bàn nhanh, thống nhất giải pháp vận động kinh phí giúp các hộ nghèo, trước hết bằng việc nêu gương ủng hộ ngày lương của từng đồng chí cấp ủy, tạo sự lan tỏa trong Ðảng bộ và cộng đồng dân cư. Nhờ đó, đến cuối năm 2017, các hộ nói trên đều có nhà đại đoàn kết; phường không còn hộ nghèo. Trọng tâm công tác bảo đảm an sinh xã hội được Ðảng ủy chuyển hướng giúp hộ cận nghèo về nhà ở.

Một chủ trương linh hoạt khác của phường Mỹ Bình là trong công tác khuyến học, khuyến tài. Phường không vận động ủng hộ theo cách hằng năm "đến hẹn lại lên", mà chỉ triển khai vận động một lần. Nguồn quỹ được gửi ngân hàng để lấy lãi suất định kỳ hỗ trợ, động viên giáo viên, học sinh, sinh viên có thành tích, sáng kiến trong học tập, giảng dạy. Cách làm này nhanh chóng thu hút được sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Chỉ vài tháng sau khi phát động, quỹ đã có 700 triệu đồng. Với những nỗ lực của toàn Ðảng bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trên các mặt công tác, hai năm liền (2018 - 2019) Ðảng bộ phường Mỹ Bình được công nhận đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành Ðảng bộ xã Vang Quới Tây, huyện Bình Ðại (Bến Tre) lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Trần Thanh Hùng được tín nhiệm, tái cử làm Bí thư BCH Ðảng bộ. Năm 2015, khi đang là Bí thư Ðảng ủy xã Phú Thuận, đồng chí được luân chuyển làm Bí thư Ðảng ủy xã Vang Quới Tây. Tháng 5-2019, đồng chí làm Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã. Nhiều cán bộ và nhân dân ở đây cho biết, thời gian đảm nhiệm "hai vai" chưa nhiều nhưng đồng chí Hùng đã chứng tỏ vừa có năng lực quản lý nhà nước, vừa phát huy tốt năng lực công tác Ðảng, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, giúp cấp ủy trực tiếp nhận thông tin chính xác, kịp thời về việc điều hành của UBND; khắc phục hiện tượng đùn đẩy giữa cán bộ khối UBND với cán bộ khối đảng, đoàn thể; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác, nhất là những việc liên quan trực tiếp người dân.

Nâng cao chất lượng cán bộ

Ngay sau khi tái đắc cử Bí thư Ðảng ủy thị trấn nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Trần Thị Nga, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan (Ninh Bình) khẩn trương cùng tập thể Ðảng ủy thị trấn tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác. Ðồng chí cho biết, hơn một năm qua, so với khi làm Chủ tịch UBND thị trấn, việc đảm nhận "hai vai" tạo cho đồng chí nhiều thuận lợi hơn. Thí dụ trước kia, tại nhiều buổi làm việc với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, cụm dân cư, khi có vụ việc mới phát sinh đòi hỏi giải đáp hoặc cần có kết luận cụ thể ngay, thì đồng chí bí thư đảng ủy hoặc chủ tịch UBND chủ trì chưa thể giải quyết tại chỗ. Nhưng với vai trò "hai trong một", đồng chí đã chủ động giải đáp, thậm chí giải quyết ngay đối với nhiều trường hợp mà không phải chờ xin ý kiến, thống nhất hai bên, giảm phiền hà cho người dân.

Từng có nhiều năm làm Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn (An Giang), đồng chí Cao Quang Liêm chia sẻ: Thực hiện nhất thể hóa giúp vai trò lãnh đạo của Ðảng được bảo đảm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với hệ thống chính trị được kịp thời, sát thực tế, hiệu quả hơn. Ngay như cuộc họp đầu tuần giữa Thường trực Huyện ủy, HÐND và UBND, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Văn phòng HÐND - UBND huyện được tổ chức chung một buổi thay vì hai buổi như khi chưa thực hiện nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, song vẫn bảo đảm để từng đồng chí trong thường trực, thường vụ huyện ủy nắm nhanh thông tin về công tác điều hành trong tuần. Cũng tại đây, các vấn đề cần báo cáo, thông tin, đề nghị, xin ý kiến,… đều được công khai, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện.

Thực tế ở nhiều nơi cho thấy, đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND đều là cán bộ có uy tín, có năng lực và kinh nghiệm toàn diện, từng giữ chức vụ bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh Bến Tre có hai trong số 9 huyện và 10 trong số 157 xã, phường; tỉnh Ninh Bình có bốn xã thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp. Lý giải nguyên nhân số đơn vị nhất thể hóa chức danh còn ít, đại diện lãnh đạo các địa phương cho rằng, chủ yếu do một số cấp ủy chưa thật sự chủ động, chưa quyết tâm; có nơi khi thay đổi cán bộ thì không tiếp tục thực hiện mô hình.

Sau hai năm triển khai mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND các cấp, theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII, đến nay tỉnh An Giang có bốn trong số 11 huyện, thị xã, thành phố và 145 trong số 156 xã, phường, thị trấn thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp. Ðể có nguồn cán bộ đáp ứng lâu dài thực hiện nhất thể hóa chức danh lãnh đạo; phát huy tốt nhất vai trò, trách nhiệm của đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND trong công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua các cấp ủy của tỉnh An Giang có nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực. Trong đó, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu của người đứng đầu trong việc tự học tập, rèn luyện không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị. Mới đây, từ kết quả khảo sát, nghiên cứu thực tiễn, tỉnh chỉ đạo Trường Chính trị Tôn Ðức Thắng (An Giang) xây dựng, triển khai chương trình bồi dưỡng cho các đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã, cho cán bộ được quy hoạch đảm nhiệm nhất thể hóa hai chức danh này. Theo đồng chí Hồ Ngọc Trường, Bí thư Ðảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Ðức Thắng tỉnh An Giang, chương trình có tám chuyên đề và báo cáo của đại diện lãnh đạo tỉnh hoặc lãnh đạo sở, ban, ngành. Trong đó chú trọng tập huấn về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phong cách của đồng chí bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã; kỹ năng công tác, kỹ năng tiếp công dân, kỹ năng quản lý nhà nước về kinh tế, ngân sách; kiểm soát quá trình thực hiện quyền lực của bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã.

Việc nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND thực tế đã góp phần giảm các vị trí, chức danh lãnh đạo, giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, phù hợp với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng và chủ trương cải cách hành chính hiện nay. Tuy nhiên, nếu không có quy chế, quy định cụ thể, rõ ràng, dễ dẫn đến hiện tượng độc đoán, chuyên quyền, lạm quyền, ảnh hưởng việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Do đó, các cấp ủy cần tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, trong đó tập trung vào các nội dung: việc triển khai xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc; việc cụ thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình; vai trò giám sát, phản biện của HÐND, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Qua đó định hướng kịp thời để cấp ủy, người đứng đầu thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.