Nhân rộng các mô hình giám sát hiệu quả

Thời gian qua, công tác giám sát đã được MTTQ các cấp triển khai rộng khắp trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Những mô hình giám sát hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều, qua đó, nâng cao vị thế, vai trò của MTTQ trong cuộc sống của người dân.

Theo thông tin từ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, những năm qua, nhất là trong năm 2019, đã và đang xuất hiện nhiều cách làm, mô hình hay trong công tác giám sát của MTTQ các cấp. Tại Thủ đô Hà Nội, ngay từ năm 2014, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã ban hành Hướng dẫn (tạm thời) số 31 về việc giám sát và nhận xét của ban công tác mặt trận (CTMT) đối với đảng viên đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ở nơi cư trú. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cho thấy, việc đánh giá nhận xét theo tiêu chí trong Hướng dẫn không phù hợp thực tiễn ở từng địa phương. Vì vậy, đến năm 2017, MTTQ thành phố Hà Nội đã có hội nghị sơ kết đánh giá kết quả ba năm việc thực hiện Hướng dẫn này để rút kinh nghiệm; sau đó, phối hợp Ban Dân vận Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức nhiều hội nghị, thu thập ý kiến các cơ sở để thống nhất phương pháp đánh giá phù hợp cấp ủy cơ sở với đảng viên sinh hoạt hai chiều. Trên cơ sở đó, tháng 4-2018, Ủy ban MTTQ thành phố đã ban hành Hướng dẫn chính thức số 60 thay thế cho Hướng dẫn (tạm thời) số 31 với nội dung đánh giá được sửa đổi, bổ sung theo hướng ngắn gọn, bám sát cuộc sống hơn; phù hợp các quận, huyện vùng ven, các quận có hàng nghìn đảng viên sinh hoạt hai chiều. Từ đây, ban CTMT họp, thống nhất cho ý kiến góp ý đảng viên, sau đó chuyển sang cấp ủy xem xét, xếp loại. Việc này được tiến hành bài bản, bảo đảm khách quan, khắc phục được tình trạng nể nang, dễ dãi. Cũng nhờ các biện pháp cụ thể, đến nay, hầu hết đảng viên sinh hoạt hai chiều ở nơi cư trú đã thay đổi nhận thức, giúp cho việc giám sát, nhận xét của ban CTMT ở khu dân cư trở nên thuận lợi hơn. Trước đây, việc nhận xét đảng viên do chi ủy thực hiện, nhưng nay có thêm ý kiến của trưởng ban CTMT đã làm tăng tính khách quan, hạn chế việc nể nang qua quýt, giúp cho việc giám sát của Mặt trận thuận lợi hơn. Đây chính là sự kết nối gắn bó đảng viên với các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động tại địa bàn dân cư.

Cùng triển khai nhiệm vụ giám sát, nhưng tỉnh Tuyên Quang chủ trương: Để bảo đảm tiến độ, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND, MTTQ, các ban và đại biểu HĐND tỉnh chú trọng giám sát tiến độ giải quyết kiến nghị của cử tri. Từ đó, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp cũng như tình trạng cử tri kiến nghị nhiều lần. Cụ thể, nhiều ý kiến của cử tri phản ánh và đề nghị xử lý, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, như: Khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, làm hỏng các tuyến đường giao thông, làm sạt lở, vùi lấp đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tình hình an ninh trật tự địa bàn. Thường trực HĐND tỉnh đã giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát cho thấy, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đã kịp thời tiếp thu chỉ đạo giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và đơn thư của công dân. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã được tăng cường, sâu sát, hiệu quả hơn. Nhiều ý kiến, kiến nghị về các vụ việc cụ thể đã được các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp tích cực giải quyết, được nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy một số ý kiến, kiến nghị đã được xem xét giải quyết tiếp tục phát sinh những vướng mắc nhưng chưa được các cơ quan chuyên môn và các doanh nghiệp quan tâm phối hợp giải quyết. Một số hạn chế trong công tác quản lý nhà nước mà cử tri đã kiến nghị, phản ánh chưa được khắc phục triệt để. Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ ra những nguyên nhân và đề nghị UBND tỉnh có các giải pháp khắc phục.

Trong năm 2019, hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên tại tỉnh Yên Bái đã đi vào nền nếp. Các nội dung giám sát của Mặt trận đã trúng những vấn đề mà người dân đang quan tâm. Đáng chú ý, mới đây Đoàn giám sát của MTTQ tỉnh đã giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải; xã Tú Lệ, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn. Từ hoạt động giám sát cho thấy, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Có đã tích cực chỉ đạo, triển khai công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xã kiện toàn Tổ tiếp công dân, các tổ chức hòa giải, bố trí phòng tiếp công dân, niêm yết nội quy, quy chế tiếp công dân. Tổ chức 82 buổi tiếp công dân, tiếp nhận 48 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh. Các đơn đã được giải quyết và hòa giải thành, đúng quy định. Tại xã Tú Lệ, từ năm 2018 đến nay, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã chủ động nắm bắt tình hình, chỉ đạo, điều hành giải quyết những khó khăn, vướng mắc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm so với những năm trước. Tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm so với những năm trước. Xã đã kịp thời triển khai, tổ chức tuyên truyền các văn bản của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; ban hành các văn bản thực hiện. Đoàn giám sát chỉ ra những bất cập, hạn chế, như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu chưa quan tâm triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; chưa phát huy tốt quyền làm chủ của người dân. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở một số địa phương chưa thường xuyên, còn hình thức. Công tác tuyên truyền, vận động người dân còn hạn chế dẫn đến một số hộ dân còn thắc mắc, chưa nắm được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng.