Nhân lên những cách làm hay trong đoàn kết, hỗ trợ nhân dân

Những năm qua, MTTQ thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động nhân dân thông qua các phong trào thi đua yêu nước cụ thể. Các cuộc vận động đã phát huy mọi nguồn lực, sức sáng tạo, tinh thần tự quản, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong các tầng lớp nhân dân, từ đó góp phần mang lại kết quả thiết thực trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.

Ðại diện Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh trao phương tiện sinh kế cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
Ðại diện Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh trao phương tiện sinh kế cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Những sáng kiến vì dân

Một trong những dấu ấn đậm nét trong các hoạt động phong trào, cuộc vận động năm 2019 của MTTQ thành phố Hồ Chí Minh là cùng các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU ngày 19-10-2018 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Hành vi xả rác bừa bãi ra đường và kênh rạch là một trong những nguyên nhân gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, làm tắc hệ thống thoát nước và kênh rạch, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân và hình ảnh của thành phố. Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết: Qua quá trình triển khai cho thấy, môi trường là vấn đề rất được người dân quan tâm cho nên sau khi phát động, nhiều mô hình hay về bảo vệ môi trường đã xuất hiện trong các khu vực dân cư, công viên. Ý thức của người dân về bảo vệ môi trường sống chung quanh cũng được nâng lên rõ rệt. Qua gần một năm triển khai, hệ thống MTTQ các quận, huyện, chính quyền đã nhận được hàng nghìn thông tin, phản ánh của người dân về vệ sinh môi trường; tại các điểm “đen” về rác thải, ao tù nước đọng gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân đã được các địa phương tập trung xử lý dứt điểm (277/369 điểm “đen” về rác thải); lắp đặt mới khoảng 11 nghìn thùng rác công cộng tại các tuyến đường, tuyến hẻm, kênh rạch... Cuộc vận động nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, HÐND, UBND,... đã tạo được sự lan tỏa, đồng thuận rất lớn từ phía người dân.

Thiết thực hưởng ứng cuộc vận động này, Ủy ban MTTQ phường 26, quận Bình Thạnh và chùa Hòa Hưng đã phối hợp ra mắt mô hình “Cộng đồng tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu” tại chùa Hòa Hưng. Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 26 Phan Bá Cường cho biết: Qua thời gian triển khai mô hình, các đơn vị đã góp phần tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, sự ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu đến cuộc sống của con người, nhất là trong các cơ sở tôn giáo để làm nền tảng cho công tác tuyên truyền, vận động các chức sắc, chức việc, phật tử chung tay bảo vệ môi trường, duy trì không gian xanh, sạch, đẹp cho các thế hệ mai sau. Bên cạnh các hoạt động như tổng vệ sinh các tuyến hẻm, thu gom rác, phát túi giấy, tuyên truyền bảo vệ môi trường theo lịch định kỳ, Ủy ban MTTQ phường còn hỗ trợ một phần tiền phí rác cho 20 hộ nghèo, hộ khó khăn sống ven và trên kênh rạch; ký cam kết về việc không xả rác ra kênh rạch và đường phố... Các hoạt động này đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực của người dân.

Năm 2019 là năm thứ bảy liên tiếp Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Hướng về biên giới, biển đảo của Tổ quốc”. Ðây là hoạt động văn hóa - nghệ thuật mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện tinh thần cả thành phố hướng về biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Và thông qua các hoạt động giao lưu nghệ thuật, cầu truyền hình trực tiếp, nhắn tin tới tổng đài Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”, nhiệm kỳ qua Ủy ban MTTQ thành phố đã vận động được hơn 200 tỷ đồng để thực hiện công tác thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1; trao tặng các công trình văn hóa, bể chứa nước sinh hoạt, vườn rau... cho các đảo; tặng công trình “Nước ngọt vùng biên”, “Mái ấm cho chiến sĩ, người nghèo nơi biên giới”... ở các tỉnh biên giới, cùng nhiều hoạt động an sinh xã hội khác. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh Triệu Lệ Khánh cho biết: Các hoạt động này đã tiếp tục khơi dậy lòng tự hào và tinh thần trách nhiệm của người dân thành phố “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, khẳng định tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thiết thực chăm lo các gia đình chính sách, có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Ban vận động, quản lý và sử dụng Quỹ Vì người nghèo thành phố. Từ đầu năm đến nay, Quỹ đã dành hơn 96 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động chăm lo cho gia đình chính sách, có công với cách mạng, người nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn,... Theo đó, MTTQ thành phố, các tổ chức thành viên đã tổ chức các hoạt động như: tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, xây dựng 129 căn nhà tình thương, tặng học bổng, tặng thẻ bảo hiểm y tế, chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, phương tiện sinh kế. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại các quận, huyện cũng có những mô hình, cách làm hay để giúp người dân thoát nghèo và đoàn kết nâng cao đời sống trong khu vực dân cư, có sức lan tỏa. Ðiển hình như, tại quận 2 có mô hình “Tổ đan len”, “Trồng rau sạch”,... tạo thu nhập cho lao động tại chỗ; quận 6 có mô hình “Mạnh thường quân bảo trợ”, “Vươn lên từ nghị lực”, “Kết nối doanh nghiệp đào tạo việc làm”,...

Chú trọng nhân rộng những điển hình

Có thể khẳng định, bằng sự nỗ lực, đoàn kết, những năm qua, các phong trào, cuộc vận động do MTTQ thành phố Hồ Chí Minh triển khai đã nhận được sự đồng lòng, hưởng ứng rất lớn từ phía người dân. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn nhiều vấn đề, hạn chế cần khắc phục, sửa đổi. Ðơn cử như trong cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng: Cần huy động người dân tham gia tích cực hơn nữa việc ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường; việc tổ chức đối thoại với nhân dân về vệ sinh môi trường chưa được quan tâm (mới có 62 phường trong số 322 phường, xã, thị trấn tổ chức); nhiều địa phương chưa thành lập tổ, đội xung kích để giải quyết nhanh tình trạng rác thải trên địa bàn;…

Chỉ đạo các giải pháp thực hiện cuộc vận động, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thời gian tới, các cấp, các ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết những vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, thực hiện tốt việc chuyển hóa địa bàn ô nhiễm về rác thải. Ðến tháng 9-2019, các đơn vị phải xử lý dứt điểm 92 điểm “đen” về ô nhiễm; đồng thời xây dựng 369 điểm sinh hoạt cộng đồng xanh, sạch phục vụ nhu cầu của người dân tại các điểm “đen” ô nhiễm đã được xử lý. Các địa phương cần chú trọng xây dựng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Cuộc vận động không xả rác ra đường và kênh rạch. Thành phố lập Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch để xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả theo từng giai đoạn cụ thể.

Trong nhiệm kỳ mới (2019-2024), một trong những chương trình hành động sẽ được MTTQ thành phố nỗ lực tập trung thực hiện là: Vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của thành phố và đất nước. MTTQ đề ra nhiệm vụ sẽ cụ thể hóa nội dung của các cuộc vận động, các phong trào thi đua sát với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, phù hợp đặc điểm của từng đối tượng, khu vực. MTTQ chú trọng nhân rộng những mô hình, điển hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị,… Theo MTTQ thành phố, để thực hiện nhiệm vụ này, cần đổi mới nội dung, phương thức cuộc vận động, phong trào đang triển khai trên địa bàn thành phố như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Quỹ “Vì người nghèo”, “Hướng về biên giới, biển đảo Tổ quốc”,… Qua thực tiễn triển khai, MTTQ cũng rút ra những bài học, kinh nghiệm quý như: Luôn cố gắng đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân; đưa nội dung các cuộc vận động, phong trào lớn đến từng khu dân cư, từng gia đình để phát huy tính sáng tạo, đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân.