Người đảng viên ở vùng nông thôn mới

Ðược kết nạp Ðảng trong quân ngũ, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đồng chí Ðinh Văn Thuận (sinh năm 1985) trở về, tiếp tục học tập, thi đỗ vào khoa Ðiện tử viễn thông, Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học và làm ở một vài nơi, anh quyết định về quê ở xóm Nam Châu, xã Hải Ðông, huyện Hải Hậu (Nam Ðịnh) để thực hiện quyết tâm "làm giàu trên đất quê hương".

Anh Ðinh Văn Thuận (áo kẻ) trên cánh đồng cây đinh lăng của gia đình.
Anh Ðinh Văn Thuận (áo kẻ) trên cánh đồng cây đinh lăng của gia đình.

Cũng như dịp gặp anh Ðinh Văn Thuận khi cùng các đảng viên của Chi bộ xóm Nam Châu bàn về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại trên cánh đồng làng hồi năm ngoái, tác phong nhanh nhẹn, giọng nói ấm áp, nhiệt huyết của anh khiến chúng tôi gần nhau hơn trong cuộc trò chuyện. "Làm nông nghiệp vốn là nghề gắn bó với người dân quê tôi. Ðây cũng là lĩnh vực giàu tiềm năng để tôi thực hiện được ước mơ của mình" - anh Thuận nói.

Dẫn khách đi tham quan cánh đồng trồng đinh lăng xanh mướt sắp cho thu hoạch và mô hình nuôi trạch sụn Thái-lan, tôm thẻ chân trắng của gia đình, anh Ðinh Văn Thuận cho biết, chẳng riêng nơi đây mà phần lớn diện tích đất canh tác của xã Hải Ðông trước kia vốn là vùng đất chua mặn, chân đất cao, nguồn nước khó dẫn, cho nên năng suất và hiệu quả kinh tế từ việc trồng lúa không được bao nhiêu. Từ khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng tập trung, chuyên canh, chuyển đổi những diện tích trồng lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây dược liệu, được sự trợ giúp của gia đình và bạn bè, anh Thuận mạnh dạn xin đấu thầu để trồng cây đinh lăng và dần mở rộng diện tích lên hơn ba héc-ta, xen trong đó là đào ao, nuôi tôm thẻ chân trắng và nuôi trạch sụn Thái-lan. Cây đinh lăng của anh Thuận được người mua tìm đến tận nơi để gom hàng xuất bán cho công ty dược phẩm trong nước và sang nước bạn làm dược liệu. Cánh đồng đinh lăng của anh Thuận mỗi năm cho thu hoạch hơn một tấn củ và thân cây trên một sào. Với giá hơn 20 nghìn đồng/kg, vừa thu vừa trồng gối vụ, mỗi năm anh Thuận thu lãi vài trăm triệu đồng. Cùng với đó là tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động trẻ của địa phương, với mức tiền công gần năm triệu đồng/người/tháng.

Theo đồng chí Vũ Tiến Duẩn, Bí thư Chi bộ xóm Nam Châu, làm kinh tế nông nghiệp tuy bận rộn, nhưng anh Ðinh Văn Thuận vẫn dành thời gian liên hệ với nhiều công ty cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu để phối hợp tư vấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi, trồng tới các đảng viên và hộ dân trên địa bàn. Mô hình trồng đinh lăng, nuôi trạch sụn Thái-lan và tôm thẻ chân trắng của gia đình đồng chí Thuận đã được Chi bộ nghiên cứu, xây dựng thành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo cùng người dân thực hiện đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao, góp phần đưa Hải Ðông trở thành xã nông thôn mới sớm hơn mục tiêu Nghị quyết Ðảng bộ xã đề ra.

Chính những lần gặp gỡ người dân trong xóm, ngoài làng, anh Ðinh Văn Thuận nhận thấy có nhiều bạn trẻ, đoàn viên, thanh niên, người thì thiếu vốn, người thiếu kiến thức, chưa có nghề nghiệp căn bản, người phải ra phố thị làm thuê. Vì thế, anh Thuận mạnh dạn kết bạn, kết nối họ cùng tham gia với Chi đoàn của xã Hải Ðông, vận động mọi người lập thành từng nhóm để cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn, giúp nhau lập thân, lập nghiệp. Nhiều bạn trẻ nỗ lực phấn đấu vươn lên, được cấp ủy, chính quyền địa phương biểu dương, ủng hộ. Bí thư Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Hải Ðông Nguyễn Văn Duy cho biết, anh Ðinh Văn Thuận thường xuyên trao đổi, động viên, hỗ trợ cùng Chi đoàn tổ chức nhiều hoạt động chung cho thanh thiếu niên, nhi đồng, trong đó lồng ghép nội dung tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về Năm điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng... Nhờ đó, nhiều năm nay Ðoàn Thanh niên xã Hải Ðông đã tập hợp được nhiều thanh niên tham gia hoạt động, là đơn vị mạnh trong các phong trào thanh thiếu niên của huyện Hải Hậu, nhất là trong phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi; giữ gìn vệ sinh môi trường; trồng rừng phi lao chắn sóng...

Tâm sự với chúng tôi, đồng chí Ðinh Văn Thuận cho rằng, nơi nào cũng có khó khăn và thuận lợi, nhất là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Song, nếu thật sự đam mê, kiên trì và quyết tâm, thì nhất định đất không phụ công người.