Người cán bộ Mặt trận tâm huyết với đồng bào dân tộc thiểu số

Với vai trò là chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chi Lăng (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), trong những năm qua, chị Trần Thị Thanh Tuyền (sinh năm 1982) không quản ngại khó khăn, tận tâm, nhiệt tình với công việc; luôn lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn. Vừa qua, chị vinh dự được nhận Bằng khen của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.

Chị Thanh Tuyền trao bò tặng hộ nghèo ở phường Chi Lăng, TP Pleiku (Gia Lai).
Chị Thanh Tuyền trao bò tặng hộ nghèo ở phường Chi Lăng, TP Pleiku (Gia Lai).

Gắn bó với công tác Mặt trận đã được gần 10 năm, để làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, chị Thanh Tuyền luôn gương mẫu trong các hoạt động của cơ quan, đoàn thể, nói đi đôi với làm, lấy kết quả của công việc để thuyết phục người dân làm theo. Chị luôn nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và nhất là xây dựng tốt khối đại đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân. Ðối với chị Tuyền, để được nhân dân tin yêu và ủng hộ, người cán bộ Mặt trận phải tiên phong, đi đầu trong mọi hoạt động, thường xuyên dành thời gian xuống địa bàn, đến từng hộ gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, biết nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin. Từ đó mới tập hợp được quần chúng, xây dựng sự đoàn kết vững chắc từ mỗi khu dân cư, ngõ xóm. Ðồng thời kiến nghị, đề xuất cấp ủy, chính quyền để có các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân, nhất là đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Vì vậy, trong triển khai vận động các phong trào chung của thành phố, của phường đến nhân dân, chị Thanh Tuyền đều nhận được sự hưởng ứng, đoàn kết, thống nhất cao từ mọi người.

Với tinh thần nhiệt huyết, hết mình với công việc, chị Tuyền luôn cố gắng thực hiện tốt công tác tuyên truyền một cách linh hoạt ở địa bàn khu dân cư cũng như vận động gia đình và nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ phát động và những nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Nhờ đó, hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chi Lăng trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, thiết thực, đi vào chiều sâu. Phương thức hoạt động ngày càng phong phú, thu hút đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, đóng góp ý kiến vào những vấn đề kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, đến nay toàn phường chỉ còn 23 hộ nghèo (chiếm 0,81%), 36 hộ cận nghèo (chiếm 1,27%). Hằng năm có hơn 87% số khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa và hơn 96% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Chị Tuyền cho biết, từ năm 2014 đến nay, Mặt trận phường huy động quỹ Vì người nghèo được hơn 480 triệu đồng để kịp thời hỗ trợ 23 hộ nghèo về nhà ở, vốn sản xuất, buôn bán nhỏ; kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp hơn 200 triệu đồng để xây dựng các công trình phúc lợi cho đồng bào DTTS, như: xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại nhà rông; vận động nhân dân hiến hơn 500 m2 đất, hàng nghìn ngày công để làm mới và sửa chữa đường giao thông... Từ đó, diện mạo tại các làng đồng bào DTTS được đổi thay, đời sống người dân dần được ổn định.

Trước đây, trong ba làng của phường Chi Lăng còn rất nhiều hộ nghèo, trong đó có những phong tục, tập quán lâu đời, lạc hậu đã ăn sâu vào tư tưởng, nếp nghĩ của người dân. Hiểu rõ điều này, chị Tuyền cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phường, Ban công tác Mặt trận các làng tổ chức các buổi tuyên truyền tới người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững". Chị Tuyền cho biết: "Chúng tôi chọn một số hộ dân có vườn tạp, vận động nhân dân bỏ những cây không có giá trị kinh tế cao ở trong các vườn, san bằng và đào hố trồng cây cà-phê giống mới, trồng hồ tiêu, các loại cây ăn quả, như sầu riêng, bơ cao sản, xen canh các loại cây ngắn ngày như khoai lang, bắp, mì. Ðối với đất ruộng, chúng tôi vận động nhân dân trồng các loại lúa giống cao sản, giống ngắn ngày có năng suất cao. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân chăn nuôi lợn tập trung trong chuồng trại, không thả rông làm mất vệ sinh môi trường, nuôi bò lai và các loại gia súc, gia cầm khác để tăng thêm thu nhập cho gia đình".

Ðến nay, phần lớn các gia đình trong làng đồng bào DTTS tại địa phương đã có thu nhập bình quân từ 40 đến 50 triệu đồng/năm. Bà H’Yai ở làng Ia Lang, phường Chi Lăng cho biết: "Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Năm 2017, gia đình được Ủy ban MTTQ phường Chi Lăng tặng một cặp bò sinh sản trị giá 20 triệu đồng để chăn nuôi. Năm 2018 được Ủy ban MTTQ phường xây tặng một ngôi nhà đại đoàn kết trị giá 50 triệu đồng. Ðến nay, gia đình tôi đã có nhà ở ổn định, có bò sinh sản phát triển tốt nên kinh tế gia đình ổn định hơn. Tôi rất biết ơn Ủy ban MTTQ phường Chi Lăng cũng như đồng chí Thanh Tuyền đã lắng nghe những nguyện vọng, tâm tư của chúng tôi, động viên, trợ giúp gia đình vượt qua khó khăn".

Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND phường Chi Lăng Ðoàn Thị Bích Ngọc cho biết: "Ðồng chí Thanh Tuyền là nữ cán bộ Mặt trận cần mẫn và gần gũi với nhân dân, có tinh thần, trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc; luôn có nhiều sáng kiến trong công tác chăm lo cho người nghèo của phường nói chung và ba làng đồng bào DTTS nói riêng, bằng nhiều hình thức vận động, giúp đỡ đúng theo nhu cầu nguyện vọng chính đáng của người dân. Các hộ nghèo đã tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ ỷ lại và không có hộ tái nghèo. Qua đó, thắt chặt tình đoàn kết trong cán bộ và nhân dân trên địa bàn phường".

Bài và ảnh: Minh Châu