Ngát hương sen Đồng Tháp

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Câu thơ ấy đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người dân Việt Nam. Ý thơ giản dị mà sâu sắc, hàm chứa tình cảm thiết tha của người dân miền nam hướng về Bác kính yêu. Với Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp, âm hưởng của câu thơ đã trở thành động lực tinh thần song hành qua bao chặng đường lịch sử. Hướng tới mục tiêu mới với quyết tâm xây dựng cấp ủy gương mẫu, chính quyền năng động, phục vụ nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vùng đất kiên trung lại tỏa sáng những tấm gương như những đóa sen Đồng Tháp.

Mùa sen nở đã trở thành thương hiệu du lịch của Đồng Tháp.
Mùa sen nở đã trở thành thương hiệu du lịch của Đồng Tháp.

Lấy dân làm gốc

Bài học quý “Lấy dân làm gốc” được đúc kết trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo, làm nên những kỳ tích trong thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh. Kế thừa và phát huy giá trị to lớn đó, các cấp ủy Đồng Tháp đã triển khai nhiều chương trình hành động hiệu quả trên nền tảng “dân là gốc”. Mỗi địa phương, đơn vị một cách làm, nhưng tất cả đều chung mục đích vì dân phục vụ.

Đến nay, tất cả 12 xã của huyện Tháp Mười đều đã đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn lộ trình đề ra. Thực tế đó ghi nhận nỗ lực của các cấp ủy ở Tháp Mười trong vận dụng bài học dân vận. Ở đó, mỗi người trong hệ thống chính trị đều là một tuyên truyền viên, gương mẫu đi đầu. Quá trình triển khai, nhiều mô hình hay đã khích lệ nhân dân phát huy ý thức “tự lực - hợp tác - chăm chỉ” như khởi nghiệp, sổ tay hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, tổ nhân dân tự quản, hội quán… Các mô hình đều cho kết quả nhìn thấy được. Nhiều địa bàn không còn đường đất lầy lội mùa mưa, bụi mờ mùa nắng, thay vào đó, đường đã được trải nhựa, rực rỡ sắc hoa. Người dân hiểu được quyền lợi và trách nhiệm, tự nguyện đóng góp, hiến đất làm đường như ông Phan Thanh Hồng ở ấp 1, xã Thạnh Lợi đã hiến 1 ha. Hay cựu chiến binh Lê Văn Hồng ở ấp 5, xã Mỹ Hòa hiến hơn 300 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa. Và còn rất nhiều tấm gương cùng góp công, góp của để bắc cầu, xóa nhà tạm cho hộ nghèo... Các tổ chức chính trị - xã hội ở đây đã trở thành “bà đỡ” cho mô hình liên kết sản xuất, “năm không, ba sạch”, “ba hộ khá giúp đỡ một hộ nghèo”... góp phần cải thiện đáng kể đời sống nhân dân, tăng thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2019 đạt hơn 47 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,45%. Mới đây, theo kết quả điều tra xã hội về phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Tháp Mười, hơn 98% số hộ được lấy ý kiến bày tỏ hài lòng.

Tại TP Sa Đéc, một số công trình đường tuyến dân cư trên đường Trần Thị Nhượng; đường Hùng Vương nối dài, công trình Trung tâm thương mại thành phố; đường Nguyễn Sinh Sắc mở rộng... từng là những vụ việc phức tạp, khiếu kiện kéo dài. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, trên tinh thần “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”, UBND thành phố và đứng đầu là đồng chí Chủ tịch đã họp bàn, lắng nghe, xem xét từng vướng mắc, đề xuất UBND tỉnh giải pháp hợp lý, hợp tình cho từng vụ việc. Từ đó, những khúc mắc dần được tháo gỡ.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc Võ Thanh Tùng, trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nhiều công trình quy hoạch, thu hồi đất ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện sống của một bộ phận nhân dân. UBND thành phố đã chỉ đạo Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành phố bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Hằng tháng, Chủ tịch UBND thành phố duy trì thường xuyên hai lần tiếp công dân; tăng cường tổ chức đối thoại. Hằng tuần dành thời gian giải quyết khiếu nại và tranh chấp đất đai, trả lời công dân theo quy định.

Lắng nghe để phục vụ

Ðông Ðịnh là một trong bốn ấp của xã Tân Thuận Ðông. Người dân xứ cù lao Ðông Ðịnh muốn đến được UBND xã Tân Thuận Ðông phải qua đò. Sau khi triển khai mô hình “xuống phố, về làng”, để việc đi lại của người dân bớt vất vả, Ðảng ủy, UBND xã thống nhất thành lập “Tổ hỗ trợ giúp dân về thủ tục hành chính ấp Ðông Ðịnh”, thực hiện tại nhà văn hóa ấp. Định kỳ hằng tuần, tổ công tác và đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã sắp xếp xuống ấp tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Thành ủy đề ra phương châm hành động “Đảng trong lòng dân; chính quyền kiến tạo; cán bộ tận tâm; người dân đồng thuận; doanh nghiệp đồng hành”. Bí thư Thành ủy Cao Lãnh Phan Văn Thương cho rằng, hơn một năm thực hiện chủ trương cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cán bộ đảng viên, công chức tăng thời gian tiếp cận địa bàn dân cư, để “nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin” qua mô hình “Xuống phố, về làng”, không chỉ người dân được hưởng lợi mà cán bộ, công chức, viên chức thêm cơ hội rèn luyện để trưởng thành. Qua mô hình này, thành phố lập nhiều nhóm công tác, mỗi tháng đi cơ sở từ hai đến bốn lần, vào các chiều thứ sáu, xoay vòng xuống 15 xã, phường và 69 khóm, ấp. Trong năm 2019, các cơ quan, đơn vị thành phố đã sắp xếp, phân công 579 lượt cán bộ, công chức đi cơ sở, với gần 2.000 lượt.

Cách làm này đã mang lại sự gắn kết Đảng với dân. Cán bộ đến và đồng hành cùng dân, sẽ được lắng nghe nhiều hơn. Bí thư Thành ủy Cao Lãnh Phan Văn Thương là người rất chăm đi cơ sở. Trong đợt dịch Covid-19, đã hơn 40 lần đồng chí xuống phố, về làng. Nhiều phát sinh được chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Anh Lê Phước Tánh, ngụ xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh chia sẻ, qua những lần sinh hoạt Hội quán Thuận Tân, tổ công tác đến dự, lắng nghe, trò chuyện thân tình; giải đáp cụ thể vướng mắc của bà con, chia sẻ khó khăn khi giá nông sản xuống thấp vì dịch bệnh; hỗ trợ hộ nghèo...

Ở huyện Hồng Ngự, người dân đón nhận Ngày thứ bảy vì nhân dân như một món quà về sự tận tâm. Đó là mô hình giải quyết thủ tục hành chính lưu động. Thứ bảy hằng tuần, công chức chuyên môn các lĩnh vực trực tiếp xuống địa bàn các khóm, ấp tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính và trả kết quả trong ngày. Đối với các hồ sơ nhiều nội dung, liên quan nhiều ngành, UBND cấp xã cử công chức trực tiếp đến nhà dân trả kết quả hoặc hẹn ngày nhận tại bộ phận một cửa của UBND cấp xã. Tổ giúp việc làm việc trên tinh thần tự nguyện, không hưởng thù lao. Mọi thông tin được công khai trên Trạm truyền thanh xã để người dân biết và cùng thực hiện.

Sen hồng tỏa sắc

Mùa này, những cánh đồng quê ở Đồng Tháp như ươm trong hương sắc sen hồng. Những đầm sen mát xanh làm dịu cái nắng gay gắt của miền Tây Nam Bộ. Địa danh Đồng Tháp như mặc định gắn với loài hoa giản dị mà thanh tao, khiêm nhường mà tỏa sáng. Tỉnh đã chọn hoa sen làm hình ảnh nhận diện thương hiệu, vừa có ý nghĩa văn hóa, vừa hàm ý về sự nỗ lực, vượt qua khó khăn để tỏa sắc hương.

Điểm nổi bật trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Đồng Tháp, là cấp ủy lựa chọn phương châm hành động gắn với nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung giải quyết. Nếu như năm 2018, Đồng Tháp thành công với “Mở lòng kết nối xây nguồn lực - khơi nguồn khởi nghiệp dựng tương lai” và xây dựng Đảng “Kỷ cương và trách nhiệm”; năm 2019 với “Vững nội lực, sen hồng tỏa sắc - đón vận hội, Đồng Tháp vươn xa”, thì năm 2020, Tỉnh ủy nêu quyết tâm “Chung sức đắp nền xây khát vọng; đồng lòng kiến tạo, vững tương lai”. Qua các chủ đề năm, Tỉnh ủy xác định, muốn phát triển bền vững không chỉ trông chờ động lực bên ngoài mà cần khơi nguồn nội lực hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã xác định kết nối các nguồn lực là vấn đề quan trọng, muốn thành công thì cần có sự “chung sức - đồng lòng”. Khát vọng càng cao thì nền móng càng phải vững. Cấp ủy, chính quyền lấy sự thành công của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả điều hành. Chủ trương phải xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của người dân, vì nhân dân phục vụ…

Thực tế, Đồng Tháp được biết đến là địa phương thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả cải cách hành chính, hướng tới hoàn thiện mô hình chính quyền thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó, khuôn viên “cà-phê doanh nhân - doanh nghiệp”, nơi lãnh đạo tỉnh lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp là ý tưởng táo bạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương đã trở thành mô hình được nhiều tỉnh, thành phố học tập. Hay quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính theo mô hình “bốn tại chỗ trong một ngày làm việc”; tận dụng lợi thế công nghệ tạo lập nhiều kênh giao tiếp với cộng đồng doanh nghiệp. Các mô hình như tiếp nhận thủ tục hành chính tại chỗ, trả kết quả tại nhà hoặc qua bưu điện; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa… được người dân đánh giá cao. Thời gian xử lý trung bình đối với hồ sơ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp còn 1,22 ngày, 100% hồ sơ đều giải quyết đúng hạn…

Nói là làm, từ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh lan tỏa đến bộ máy công quyền, kiên trì thay đổi từ nhận thức đến hành động. Tư duy làm việc chuyển mạnh từ ứng xử theo cơ chế xin - cho sang đồng hành; từ quản lý, điều hành doanh nghiệp trở thành kiến tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động… Từng cán bộ, công chức, viên chức luôn đặt mình vào vị trí của người dân, doanh nghiệp trong thực thi công vụ, xem việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế của tỉnh. Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, tại Đồng Tháp, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách... được tạo nên bởi yếu tố có ý nghĩa nền tảng, đó là sự đồng lòng của người dân cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện các quyết sách lớn. Nông dân Đồng Tháp đã chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Người dân gắn kết, giúp nhau cùng phát triển. Đồng Tháp hiện có hơn 90 hội quán nông dân, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp sạch, liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các điểm du lịch nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chọn hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tạo sự gắn kết và phát triển rộng khắp. Đáng chú ý là xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ với tinh thần “người đi trước rước người đi sau”, tư vấn, cho vay vốn ưu đãi đối với các dự án khởi nghiệp khả thi.

Sự nỗ lực được ghi nhận khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Đồng Tháp tiếp tục nằm trong tốp năm tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành rất tốt của cả nước; là tỉnh duy nhất 12 năm liền nằm trong tốp năm tỉnh, thành phố dẫn đầu; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 của tỉnh xếp thứ hai cả nước. Thành quả đó tạo động lực để cấp ủy, chính quyền tỉnh Đồng Tháp tập trung chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp song song với phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, mặc dù ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19 và tình hình hạn hán, nhưng với tinh thần đồng sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp và chính quyền, Đồng Tháp tin tưởng “Sen hồng luôn tỏa sắc” để lại vượt khó đi lên, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Ngát hương sen Đồng Tháp ảnh 1

Những con đường nông thôn mới rực rỡ sắc hoa làm đẹp thêm các vùng quê ở huyện Tháp Mười.