Nêu gương từ những việc đời thường

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “...một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, Quảng Bình đẩy mạnh việc nêu gương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó tạo ra sự lan tỏa, góp sức chung tay xây dựng nông thôn.

Tuyến đường liên thôn, liên xã ở xã nông thôn mới Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) được rải bê-tông sạch đẹp.
Tuyến đường liên thôn, liên xã ở xã nông thôn mới Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) được rải bê-tông sạch đẹp.

Với những cách làm thiết thực, nhất là phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên từ những việc đời thường đến các phong trào, cuộc vận động lớn, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nói chung, lĩnh vực xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Bạch Ðàn là bản nằm giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ thuộc xã biên giới Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy. Nơi đây được bao phủ bốn phía là núi rừng. Trong hành trình 40 năm lập bản đến bây giờ, người dân bản Bạch Ðàn đã có bước tiến dài trên con đường đi lên no ấm. Thành tích ấy, ngoài ý chí, nghị lực của người dân còn có sự đóng góp không nhỏ của già làng, đảng viên lão thành Hồ Thanh Tình.

Trên ngôi nhà sàn khang trang, già làng Tình chia sẻ: Những năm 80 của thế kỷ trước, vì thiếu đất sản xuất, già làng đưa gia đình cùng 11 hộ đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở vùng trung tâm xã đến vùng đất mới sát biên giới Việt Nam - Lào định cư và lập nên bản Bạch Ðàn ngày nay. Vốn là người lính nên dù nhiều khó khăn, thiếu thốn trong ngày đầu lập bản nhưng già Tình không chùn bước mà là chỗ dựa cho người dân.

Bây giờ bản Bạch Ðàn có 56 hộ với 220 nhân khẩu. Từ chỗ chỉ biết làm rẫy, đến nay nhờ già Hồ Thanh Tình và bộ đội biên phòng, người dân đã có ruộng lúa nước hơn 3 ha, vùng trồng sắn nguyên liệu 15 ha, nuôi gần 100 con trâu, bò và hàng trăm gia cầm. Nguồn thu từ sản xuất giúp người dân ổn định cuộc sống. Nhiều hộ biết đầu tư cho sản xuất nên có thu nhập cao hơn.

Nay con đường độc đạo từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dẫn vào bản được rải bê-tông, nhiều đường nội bản cũng được cứng hóa, điện sáng trong từng nhà, nhà văn hóa, điểm trường tiểu học, mầm non được xây dựng khang trang. Ðiều đáng mừng là tất cả con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường.

Cũng như già làng Hồ Thanh Tình, đồng chí Trần Văn Hận, Bí thư Chi bộ Thuận Tiến, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa, năng nổ trong công việc, gần gũi, trách nhiệm với cộng đồng. Với gần 60% đồng bào theo đạo công giáo, trước đây, Thuận Tiến là thôn đặc biệt khó khăn của xã Thuận Hóa do đất sản xuất ít, người dân chủ yếu làm nghề chài lưới trên sông. Trăn trở với khó khăn đó của người dân, đồng chí Trần Văn Hận dành nhiều thời gian đến các địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng để học hỏi cách làm ăn.

Từ sự gợi ý, hướng dẫn của bí thư chi bộ, người dân thành lập các tổ hợp tác nuôi bò lai sind, nuôi cá lồng… để hỗ trợ nhau về con giống, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm. Ba năm gần đây, ở Thuận Tiến đã xuất hiện nhiều tổ hợp tác và 50 mô hình kinh tế hoạt động hiệu quả. Ðời sống có sự chuyển biến rõ nét, người dân lương - giáo đoàn kết, Thuận Tiến trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Thuận Hóa.

Với người đảng viên mẫn cán Trần Văn Hận, đồng chí luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu với tâm niệm “còn có sức, tôi còn giúp đỡ người dân những việc làm cụ thể, thiết thực nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Bí thư Ðảng ủy xã Thuận Hóa Nguyễn Tiến Biên nhận xét: “Bí thư Chi bộ Thuận Tiến Trần Văn Hận là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân. Trong những năm qua, đồng chí luôn nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu để cùng với cán bộ, đảng viên và người dân trong thôn nỗ lực xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao. Hiện nay, đồng chí bí thư chi bộ đang cùng chi ủy và ban cán sự thôn chỉ đạo, hỗ trợ các gia đình bị sạt lở làm nhà ở khu tái định cư mới”.

Xuân Thủy là xã vùng giữa của huyện Lệ Thủy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 nhưng lãnh đạo xã vẫn trăn trở bởi một số tiêu chí đã đạt song chưa vượt chuẩn, do vậy chưa giúp cho đời sống người dân tốt hơn.

Lãnh đạo xã Xuân Thủy xác định lấy tiêu chí giao thông làm khâu đột phá. Giai đoạn đầu, nhân dân toàn xã đã hiến 2.355 m2 đất, 198 trụ cổng và hơn 2.500 m hàng rào để làm đường, cho nên bây giờ khó vận động người dân tiếp tục hiến đất mở đường lần nữa. Vả lại, đường làng, ngõ xóm còn hẹp nhưng rãnh thoát nước hai bên lại chiếm diện tích lớn, không có nắp đậy gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Vậy là xã tổ chức họp dân bàn bạc, vận động đóng góp kinh phí để mở rộng mặt đường bằng cách đúc các tấm bê-tông trải trên rãnh thoát nước.

Ðảng viên Lê Văn Du ở xóm 8, thôn Hoàng Giang, xã Xuân Thủy đi đầu vận động gia đình bỏ kinh phí mở rộng mặt đường và trồng hoa hai bên đường đoạn trước nhà. Ðồng chí vừa làm vừa vận động, thuyết phục người dân. Các đảng viên và người dân trong xóm thấy cách này hay, động viên nhau làm. Chỉ ba tháng sau, toàn bộ đường xóm ở Xuân Thủy được mở rộng 4 m trở lên, 100% tuyến đường được cứng hóa. Hai bên đường, người dân trồng hoa, cây cảnh.

Bí thư Ðảng ủy xã Xuân Thủy Nguyễn Văn Ðề chia sẻ, muốn chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, trước hết phải nói cho dân hiểu để có sự đồng thuận, làm dân tin để có sự hiến kế, đóng góp ngày công, kinh phí thực hiện. Muốn như vậy, cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công việc, gương mẫu trong mọi hoạt động thì người dân mới nghe, mới làm theo. Thực tế có thể khẳng định, thành công trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Xuân Thủy là nhờ sự tận tụy, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự chung tay, góp sức của nhân dân.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình Cao Văn Ðịnh trao đổi, trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh nội dung: Xây dựng các điển hình tập thể, cá nhân gương mẫu đi đầu trong học tập và làm theo Bác. Từ đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và dần đi vào chiều sâu trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Từ thực tế cho thấy, nơi nào có các cán bộ, đảng viên gương mẫu, gắn bó và có trách nhiệm với công việc, nơi đó có phong trào mạnh hoặc kết quả cao. Ngược lại, cán bộ chưa gương mẫu, tận tụy thì hiệu quả công tác, kết quả phong trào trầm lắng. Thời gian qua, cấp ủy các cấp ở Quảng Bình đã thể hiện sự năng động, sáng tạo và quyết tâm thực hiện Chỉ thị số 05 bằng những cách làm mới, trong đó chú trọng gắn việc thực hiện trách nhiệm nêu gương theo Quy định số 01-QÐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Sự nỗ lực, đồng hành của cả hệ thống chính trị trong thực hiện lời Bác Hồ dạy về trách nhiệm nêu gương đã và đang góp phần quan trọng đưa kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình ngày càng phát triển, giữ vững quốc phòng - an ninh, giữ trọn niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng, chính quyền các cấp.