Một số vấn đề đặt ra trong đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên

Đã từ khá lâu, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên mang nặng bệnh thành tích. Thực tiễn hằng năm, qua các cuộc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại của các cấp ủy đảng, hầu hết cán bộ, đảng viên đều được đánh giá và xếp loại ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (HTXS) và hoàn thành tốt nhiệm vụ (HTT), chỉ một số rất ít ở mức hoàn thành nhiệm vụ. Mức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ dành cho những cán bộ, đảng viên có sai phạm, vi phạm kỷ luật.

Chỉ từ năm 2018, khi Bộ Chính trị có chỉ đạo tỷ lệ tối đa 20% số cán bộ, đảng viên trong các tổ chức đảng tại các cơ quan, đơn vị và cấp ủy địa phương các cấp đạt mức HTXS, ban thường vụ các cấp ủy mới thực hiện. Từ đó đến nay, ngoài 20% số cán bộ, đảng viên đạt mức HTXS (hầu như bao giờ cũng đạt mức tối đa tỷ lệ cho phép) còn lại là đều ở mức HTT. Số lượng cán bộ xếp loại hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ hầu như không đáng kể. Ở một số địa phương, tỷ lệ này nếu có, là những đồng chí đứng đầu, bị chi phối bởi quy định trách nhiệm của người đứng đầu (cũng là bước tiến quan trọng), hoặc những đồng chí có khuyết điểm, sai phạm rõ ràng, sẽ hoặc đã bị kiểm điểm, kỷ luật...

Năm 2016, chỉ tính sáu trong số 22 ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía nam có 92 đồng chí ủy viên ban thường vụ thì 44 đồng chí được xếp loại HTXS, chiếm hơn 71%. Năm 2017, có 126 trong số 210 đồng chí của 17 trong số 22 ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía nam HTXS (chiếm 60%) và 84 đồng chí HTT (chiếm 40%). Năm 2018, trong số 277 đồng chí ủy viên Ban Thường vụ của 21 trong số 22 ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía nam, có 59 đồng chí đạt mức HTXS, bằng 21,29%; 217 đồng chí HTT, bằng 78,33%; một đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 0,36%. Năm 2019, trong 846 đồng chí ủy viên Ban Thường vụ của 62 trong số 63 ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy cả nước có 173 đồng chí HTXS, chiếm 20,4%; 666 đồng chí HTT, chiếm 78,7%; hai đồng chí hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 0,24% và năm đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 0,6%. Mặt khác, tỷ lệ cán bộ, đảng viên được xếp loại HTXS hầu hết rơi vào các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, trong khi tiêu chuẩn, yêu cầu về mức độ HTXS, HTT hay hoàn thành nhiệm vụ của các đảng viên ở mỗi chức vụ, cương vị công tác là khác nhau. HTXS, HTT hay hoàn thành nhiệm vụ của người lãnh đạo bao giờ cũng phải khác, phải cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ tương tự của những cán bộ, đảng viên không giữ chức vụ. Đảng viên giữ vị trí lãnh đạo được đánh giá cao hơn về năng lực, có trách nhiệm lớn hơn, có quyền lực nhiều hơn, được hưởng các chế độ đãi ngộ cao hơn cho nên yêu cầu, đòi hỏi về mức độ đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên phải tương ứng với trách nhiệm, vị trí và quyền hạn được giao. Ở cấp cơ sở, tình hình cũng không khác, thí dụ tại Đảng bộ phường 3, thành phố Hậu Giang (tỉnh Hậu Giang) có 12 chi bộ với 399 đảng viên, trong suốt nhiệm kỳ 2015-2020, hơn 85% số đảng viên và 90% số chi bộ được đánh giá, xếp loại HTT trở lên. Ở tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp, tỷ lệ đảng viên HTXS và HTT cũng khá cao.

Nhìn vào tỷ lệ đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm cho thấy, nếu tỷ lệ này phản ánh đúng thực chất, Đảng ta sẽ vững mạnh toàn diện. Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn lại thì trong nhiều năm qua, đã có bao nhiêu vụ việc sai phạm, vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo được phát hiện từ tổ chức đảng cơ sở? Qua đó cho thấy tính tiên phong gương mẫu, tinh thần tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng và đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi nếu nhìn nhận khoa học, khách quan, soi rọi lại nhiệm vụ của người đảng viên, theo đúng tiêu chuẩn, theo đúng lời thề của người đảng viên khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng thì chỉ cần mỗi đảng viên hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ (về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, về tính tiên phong, gương mẫu, về tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình…) thì Đảng ta sẽ vững mạnh toàn diện. Việc xếp loại, đánh giá đảng viên cũng như công tác đánh giá cán bộ dựa trên kết quả đánh giá xếp loại hằng năm theo tỷ lệ như hiện nay đã khiến cho nhận thức việc cán bộ, đảng viên HTXS, HTT là bình thường, còn hoàn thành nhiệm vụ chỉ là trung bình, có phần yếu kém. Cách nhìn nhận nêu trên đã trở thành phổ biến, qua đó kéo lùi và lệch lạc quan niệm, nhận thức về đánh giá, xếp loại đảng viên, ảnh hưởng không nhỏ tới việc đánh giá cán bộ và bố trí đề bạt, đồng thời làm sai lệch nhận thức về đánh giá chất lượng công tác của cán bộ, đảng viên.

Theo Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2-1-2020 của Ban Chấp hành T.Ư, trong khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, nêu yêu cầu cán bộ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, thay vì yêu cầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như trong Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4-8-2017 của Ban Chấp hành T.Ư. Quy định này được cán bộ, đảng viên đánh giá là bước tiến quan trọng thể hiện sự thay đổi về nhận thức đối với công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên. Từ đây, các cấp ủy đảng cần hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại đảng viên hằng năm, trong đó việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên phải trở thành nhận thức và yêu cầu quan trọng và thường xuyên. Những đảng viên đạt mức độ HTT, nhất là HTXS phải thật sự tiêu biểu, được tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên thừa nhận và tự giác noi theo.