Lào Cai chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số

Tháng 9-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ ở vùng đất miền núi, biên giới, nhiều dân tộc thiểu số ở Lào Cai và căn dặn: “Ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ địa phương, cán bộ dân tộc”. Ghi nhớ lời dạy của Bác, hơn 60 năm qua, Lào Cai luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng vững mạnh, coi đó là nhân tố tích cực trong đại đoàn kết, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Cán bộ UBND xã Lũng Sui (Si Ma Cai, Lào Cai) hướng dẫn người dân trồng cây ăn quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Cán bộ UBND xã Lũng Sui (Si Ma Cai, Lào Cai) hướng dẫn người dân trồng cây ăn quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Cán bộ DTTS là “cái gốc” của công việc

Chúng tôi đến xã Mường Vi, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Giáy và Dao, thuộc huyện biên giới Bát Xát (Lào Cai), nơi đây là “thủ phủ” sản xuất gạo đặc sản Séng Cù nổi tiếng. Bí thư Đảng ủy xã Làng Văn Hản, 44 tuổi, người dân tộc Giáy, cho biết: Mường Vi là xã vùng cao, có ưu thế về ruộng nước và khí hậu, thổ nhưỡng. Xã tập trung “đột phá” mạnh vào sản xuất lúa đặc sản Séng Cù theo hướng hàng hóa, với sản lượng lớn, chất lượng cao, cung ứng ra thị trường, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho hơn 500 hộ, với gần 4.000 nhân khẩu. Đồng chí Hản tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý nhà nước (Trường đại học Nội vụ), với kiến thức chuyên môn, đồng chí cùng với tập thể Đảng ủy ra nghị quyết về phát triển kinh tế hàng hóa, tự bản thân tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lúa đặc sản Séng Cù. Từ năm 2016, HTX Tiên Phong đã liên kết với bà con dân tộc Giáy, Dao cung ứng giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo giá thị trường. Thông qua mô hình liên kết “bốn nhà”, với 145 ha lúa, hằng năm Mường Vi sản xuất và cung ứng cho thị trường khoảng 1.300 tấn gạo đặc sản Séng Cù chất lượng cao, với giá hơn 30 nghìn đồng/kg, thu về hơn 25 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình giàu lên nhờ trồng lúa đặc sản, như gia đình ông Hoàng Văn Kiên, thôn Ná Ản; ông Hoàng Văn Sàng, thôn Ná Rin, với thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm. Mường Vi đã được công nhận xã nông thôn mới của huyện Bát Xát.

Bát Xát là huyện biên giới, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Nhờ chú trọng công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu các xã là người DTTS, am hiểu và gắn bó với địa bàn cho nên đã tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng chí Trần Văn Tuấn, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Bát Xát thường xuyên quan tâm tạo nguồn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS, hướng mạnh về cấp xã, vì đó là nơi cán bộ thạo việc, tâm huyết thì sẽ tạo nên phong trào mạnh, hiệu quả, đẩy nhanh xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Bát Xát có 266 cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS, chiếm 60,5%, trong đó có 195 đồng chí có trình độ đại học, chiếm 73%.

Ở Phòng Kinh tế hạ tầng, huyện vùng cao Bắc Hà, chúng tôi gặp kỹ sư Tráng Seo Pao, dân tộc H’Mông, mới chuyển công tác từ xã Lùng Cải về đây. Năm 2012, đồng chí Pao tốt nghiệp chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội), nộp đơn về địa phương làm Phó Chủ tịch UBND xã theo đề án 600 (đưa trí thức trẻ về xã) của Nhà nước. Được tiếp nhận và cử về làm Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố, đồng chí Pao đã phát huy kiến thức chuyên môn, vận động người dân làm được 13,5 km đường liên gia ngõ xóm của chín trong số 12 thôn, 5 km đường liên thôn, đổ bê-tông 200 nền nhà, hoàn thành 400 nhà vệ sinh tự hoại và 220 chuồng nuôi gia súc cho dân bản. Nhờ vậy, đã xóa được “ốc đảo” cách biệt về giao thông, mở đường cho nhân dân xã Hoàng Thu Phố phát triển kinh tế, xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Từ kết quả đó, đồng chí Pao được luân chuyển về xã vùng cao Lùng Cải. Sau thời gian công tác tốt, tháng 4-2020, đồng chí được điều động đảm nhận công tác tại Phòng Kinh tế hạ tầng của huyện. Phó trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bắc Hà Hoàng Trọng Viết cho biết, cách tạo nguồn cán bộ người DTTS ở địa phương là tập trung vào hệ thống trường dân tộc nội trú, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và những trí thức trẻ đến Bắc Hà công tác. Riêng với đề án 600, đưa trí thức trẻ về vùng cao của Nhà nước, trong khi nhiều nơi khác khó khăn trong tiếp nhận thì Bắc Hà đã tuyển chọn, tiếp nhận 18 cán bộ trẻ, có trình độ đại học chính quy, trong đó có 12 đồng chí là người DTTS như H’Mông, Dao, Tày, Thái… tăng cường cho các phòng, ban chuyên môn của huyện và công chức ở các xã, tạo nên “sức bật” mới ở địa phương.

Cơ cấu phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ

Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, có 25 dân tộc chung sống, chiếm 66% số dân toàn tỉnh; trong đó, dân tộc H’Mông chiếm 25%, dân tộc Tày chiếm 15%, dân tộc Dao chiếm 14%. Xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS có ý nghĩa quan trọng. Để thực hiện được mục tiêu này, Tỉnh ủy Lào Cai đã xây dựng đề án quy hoạch và đào tạo cán bộ DTTS, HĐND tỉnh có nghị quyết chuyên đề, UBND tỉnh có quy định ưu tiên tuyển dụng người DTTS vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và đoàn thể. Cấp ủy và chính quyền các cấp bám sát các văn bản này để tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS. Theo đồng chí Đặng Phi Vân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ người DTTS ngay từ các Trường PTDT nội trú.

Hằng năm, UBND tỉnh giao chỉ tiêu bồi dưỡng cán bộ DTTS cho các đơn vị theo ngạch; theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; theo kiến thức, kỹ năng chuyên ngành. Trong 5 năm qua, đã bồi dưỡng được hơn 8.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và huyện là người DTTS. Tỉnh đã lựa chọn và cử 85 sinh viên đến các trường đại học: Y - Dược Thái Nguyên, Thủy lợi, Giao thông vận tải, Mỏ - Địa chất, Luật Hà Nội để đào tạo chuyên ngành chuyên môn. Tỉnh ưu tiên tuyển dụng cán bộ, công chức là người DTTS, hướng mạnh về cấp xã. Từ năm 2015 đến nay, Lào Cai đã tuyển dụng 1.881 công chức, viên chức là người DTTS, chiếm 54,4% số công chức, viên chức được tuyển dụng.

Đánh giá về đội ngũ cán bộ là người DTTS ở Lào Cai, đồng chí Đặng Phi Vân khẳng định, đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về cơ cấu và năng lực công tác. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh đã tăng lên. Đội ngũ này hiện có 9.789 người, trong đó có hai tiến sĩ, 155 thạc sĩ, 3.770 người có trình độ đại học, 2.125 người có trình độ cao đẳng. Về cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, giám đốc và phó giám đốc sở, ngành có 17 người (chiếm 17%); lãnh đạo huyện, thị xã, thành phố có sáu người (chiếm 21%); trưởng và phó trưởng phòng cấp tỉnh và cấp huyện là 830 người. Đội ngũ cán bộ DTTS đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và củng cố an ninh - quốc phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị ở địa phương.

Nói về kinh nghiệm, bài học rút ra trong xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS, để vừa bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ phù hợp, gắn với nâng cao năng lực công tác của từng cán bộ, công chức, viên chức, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh cho rằng, cần quán triệt tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về cán bộ DTTS, người địa phương là “cái gốc” của công việc. Từ đó, chủ động tạo nguồn ngay tại địa phương; đào tạo phải gắn với tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ theo công việc và vị trí quy hoạch; có chế độ, chính sách ưu đãi để thu hút cán bộ người DTTS giỏi phục vụ cho cơ sở.