Lan tỏa tinh thần “đảng viên đi trước”

Đợt mưa lũ lịch sử trong tháng 10-2020 đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh miền trung nói chung, Quảng Bình nói riêng. Mưa lũ đi qua, cấp ủy, chính quyền ở Quảng Bình cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng đã giúp người dân nỗ lực khắc phục hậu quả, để cuộc sống sớm trở lại bình thường. Trong hoạn nạn càng sáng lên tinh thần vượt khó của cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng lũ.

Rau lên xanh trên vùng lũ Lệ Thủy (Quảng Bình).
Rau lên xanh trên vùng lũ Lệ Thủy (Quảng Bình).

Sau hơn ba tháng bão, lũ đi qua là chừng ấy thời gian nhiều cán bộ cấp ủy, lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở ở tỉnh Quảng Bình lăn lộn, chung lưng đấu cật với người dân để khắc phục hậu quả, vừa tổ chức lại sản xuất, vừa giúp đỡ làm lại nhà cửa để bà con có nơi an cư trong mùa đông giá rét. Nhiều cán bộ, đảng viên phải gác lại việc riêng gia đình, dành phần lớn thời gian để lo cho người dân. Cùng đồng chí Chủ tịch UBND xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) Nguyễn Văn Nhì đến thăm nơi đang triển khai thi công khu tái định cư cho đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Sắt, chúng tôi mới thấy được sự nỗ lực của các cán bộ nơi đây để sớm có chỗ ở ổn định cho người dân. Chỉ riêng việc di chuyển từ trung tâm xã vào bản Sắt thôi cũng phải mất nhiều công sức và thời gian. Cả tháng nay ở Trường Sơn có mưa phùn, tuyến đường đất khoảng 8 km từ nhánh tây đường Hồ Chí Minh vào bản Sắt trơn như đổ mỡ, chỉ có phương tiện duy nhất là xe máy của đồng bào dùng lốp bố mới di chuyển được. Cán bộ xã Trường Sơn vào bản Sắt hoặc là mang dép rọ đi bộ hai giờ đồng hồ hoặc thuê thanh niên bản Sắt dùng xe “chiến mã” của chính họ chở tới. Bình quân hai ngày, các cán bộ xã Trường Sơn lại phải thuê một chuyến xe thồ như vậy vào bản kiểm tra tiến độ công trình. Đồng chí Nguyễn Văn Nhì chỉ đạo, tranh thủ thời tiết tạnh mưa là thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án, quyết tâm sớm giao đất cho người dân. “Ngay khi giao đất, cùng với số tiền hỗ trợ làm nhà cho người dân là 40 triệu đồng/hộ theo quy định, xã sẽ trao thêm 40 triệu đồng của một nhà hảo tâm ủng hộ để bà con đủ làm ngôi nhà sàn khang trang. Mẫu nhà sàn dựng trên khung bê-tông và thép, mái lợp tôn xốp chống nóng cũng đã được bà con đồng ý khi lấy ý kiến. Chúng tôi vận động bà con chuyển ngôi nhà gỗ cũ về làm nhà bếp bên cạnh, làm thêm sân xi-măng phía trước để thuận lợi cho sinh hoạt. Bản Sắt mới sẽ là bản văn hóa của xã biên giới Trường Sơn”, đồng chí Nhì chia sẻ. 

Cũng như bản Sắt, nhiều tháng nay, hàng chục gia đình ở thôn 1 và 2 Đạm Thủy, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa  phải sống trong những ngôi nhà tạm được dựng lên trên phần đất vườn của một người dân trong làng. Bởi mưa lũ vừa qua đã làm cho dãy núi phía sau lở xuống làm hư hỏng nhiều ngôi nhà tường xây, mái đổ bằng. Các hộ dân buộc phải di dời đến nơi ở tạm nên việc sớm có đất cho họ tái định cư đang là vấn đề ưu tiên nhất lúc này của cấp ủy, chính quyền xã Thạch Hóa. Chủ tịch UBND xã Cao Xuân Bình tâm sự: “Từ sau lũ lụt đến nay, công việc của chúng tôi luôn quần quật, từ phân bổ hàng hóa cứu trợ, đến chỉ đạo hướng dẫn khắc phục hậu quả, tính toán giống cây trồng để tổ chức sản xuất cho người dân. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phải nhanh chóng có đất ở cho người dân vùng bị nhà sập làm lại nhà. Cũng may, do công trình thiên tai cấp bách nên được các ngành ưu tiên, quan tâm chỉ đạo, đơn vị thi công cũng nhiệt tình, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công khu tái định cư cho các hộ dân sớm ổn định cuộc sống”. 

Trái với cảnh xác xơ, tiêu điều sau lũ, những ngày đầu năm 2021, chúng tôi trở lại vùng trồng rau huyện vùng lũ Lệ Thủy, được chứng kiến mầu xanh của các loại rau phủ khắp đồng đất. Niềm vui cũng hiện lên khuôn mặt người nông dân nơi đây. Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Phạm Minh Huấn cho biết, trong đợt lũ lụt lịch sử, toàn xã có 1.800 hộ bị ngập sâu, tổng thiệt hại do lũ hơn 32 tỷ đồng. Thiệt hại lớn nên khi nước lũ rút đi, nông dân đã dọn dẹp vườn tược, bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất, đến nay, bà con đã trồng và có thu hoạch được sản phẩm rau sạch các loại với diện tích gần 200 ha. 

Ông Nguyễn Văn Lung, thôn Mốc Thượng 2 cho biết: “Tôi từng trải qua không biết bao nhiêu trận lũ lụt, nhưng chưa có trận nào mà ngập sâu như vậy. Cả nhà tôi phải chạy lên động cát cao phía sau để tránh lũ nên các loại vật dụng và vật nuôi hầu như bị lũ cuốn. Nhờ sự giúp đỡ của người dân trong cả nước, bà con có cái ăn, rồi được hỗ trợ giống cây trồng nên chủ động sản xuất sớm để có nguồn thu trước mắt. Mấy hôm nay, nhà tôi thu hoạch được mầm cải, mầm ngò, xà lách, cải cúc, thương lái đến mua tại ruộng nên giá rau ổn định hơn”. 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đánh giá, trong và sau mưa lũ, vai trò lãnh đạo, tổ chức của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các địa phương được thể hiện rất rõ. Trong lũ xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ thôn, xã dũng cảm để cứu hộ dân, rồi họ minh bạch, rạch ròi trong việc phân bổ hàng hóa được cứu trợ. Sau lũ, chính họ là những người hướng dẫn, hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất để ổn định cuộc sống. Vừa qua, một số địa phương trong tỉnh đã tổ chức gặp mặt, tặng quà, khen thưởng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở qua đợt mưa lũ. Đó là sự tri ân với những đóng góp có trách nhiệm, nhân văn và nghĩa tình ấy.