Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Khi cấp ủy “vào cuộc” giải quyết khiếu nại, tố cáo

Không “khoán trắng” cho chính quyền, các cấp ủy thuộc Đảng bộ TP Hà Nội đã chủ động vào cuộc giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn. Giải pháp này đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, không chỉ nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, mà còn giúp ổn định tình hình từ cơ sở.

Hiệu quả từ thực tiễn

Hơn 144 nghìn m2 đất phải thực hiện giải phóng mặt bằng, liên quan 692 tổ chức và gia đình, đó là nhiệm vụ quận Bắc Từ Liêm phải thực hiện để phục vụ dự án mở rộng đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long). Khối lượng công việc lớn như vậy, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò chỉ đạo của cấp ủy từ quận đến cơ sở, cho nên sau hơn hai năm triển khai, đến hết tháng 6-2019, toàn bộ mặt bằng dự án đã được bàn giao cho đơn vị thi công. Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Nắng Mai cho biết, xác định tầm quan trọng của dự án, cùng với việc giao nhiệm vụ cụ thể với từng đơn vị chức năng, hằng tuần, thường trực Quận ủy đều trực tiếp nghe báo cáo và có chỉ đạo tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo quận cũng chú trọng giải quyết kịp thời, thỏa đáng đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân bị ảnh hưởng, bên cạnh việc trả lời cụ thể bằng văn bản còn tổ chức gặp gỡ, đối thoại thường xuyên. Nhờ đó, dù dự án lớn, nhưng không có tình trạng đơn thư phức tạp, rất ít hộ dân phải cưỡng chế.

Tại quận Long Biên, giải quyết khiếu nại, tố cáo được coi là nhiệm vụ ưu tiên để ổn định tình hình từ cơ sở, trong đó thể hiện rõ vai trò chỉ đạo của cấp ủy. Theo Bí thư Quận ủy Đỗ Mạnh Hải, Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo xây dựng quy trình xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân gắn với ứng dụng phần mềm quản lý việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thông tin phản ánh, kiến nghị được thu thập từ các kênh như bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố và các cộng tác viên dư luận xã hội. Ban Tuyên giáo Quận ủy làm đầu mối tổng hợp, phân loại, tham mưu đề xuất với thường trực Quận ủy phân công xử lý theo thẩm quyền. Trên cơ sở đó, các Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy phụ trách địa bàn chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát hoặc đứng ra chủ trì chỉ đạo phối hợp giữa phường với các cơ quan của quận để xử lý phản ánh, kiến nghị của nhân dân.

Những cách làm cụ thể như vậy cũng được các Quận ủy: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Bắc Từ Liêm; các Huyện ủy: Quốc Oai, Gia Lâm, Phú Xuyên, Chương Mỹ thực hiện hiệu quả, xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị và đơn thư của công dân. Nhiều vụ việc, sau khi có đơn thư khiếu nại, Thường trực và Ban Thường vụ Quận ủy, Huyện ủy đều nghe, cho ý kiến cụ thể, trong thẩm quyền phải giải quyết, trả lời cụ thể ngay cho người dân.

Ở cấp thành phố, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đặc biệt chú trọng. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết, ngày 16-12-2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội”. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, Thành ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách; phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân. Chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục trong giải quyết khiếu kiện, bức xúc của nhân dân.

Không chỉ đội ngũ làm công tác tiếp dân, thanh tra thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ, Thành ủy Hà Nội còn tổ chức tập huấn công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo cho bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Tại đây, các học viên được bồi dưỡng thêm kỹ năng tiếp công dân, xử lý đơn thư, kỹ năng vận động, thuyết phục người dân, xử lý tình huống đối với các vụ việc phức tạp, tập trung đông người.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy như vậy, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua tại Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2018, TP Hà Nội đã tiếp 65.931 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo. Thủ trưởng các đơn vị thuộc thành phố đã tiếp 23.190 lượt công dân. Chủ tịch và các phó chủ tịch UBND thành phố đã nhiều lần tiếp, đối thoại với công dân, nghe các đơn vị báo cáo để kịp thời chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo. UBND thành phố đã thành lập tổ công tác do một phó chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng để đôn đốc và giúp các đơn vị, địa phương khắc phục những hạn chế, khó khăn trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng; thực hiện các kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực.

Năm 2018, toàn thành phố đã thụ lý 4.899 vụ khiếu nại, tố cáo (3.242 vụ khiếu nại, 1.657 vụ tố cáo); đã giải quyết 4.168 vụ (2.727 khiếu nại, 1.440 tố cáo), đạt tỷ lệ 85,7%. Qua giải quyết, đã kiến nghị thu hồi 2,766 tỷ đồng và 3.617 m2 đất; trả cho công dân 3,217 tỷ đồng, 2.440 m2 đất; chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm 51 tập thể, 55 cá nhân để xảy ra sai phạm và chuyển cơ quan điều tra bốn vụ. Sáu tháng đầu năm 2019, thành phố đã tiếp nhận, thụ lý theo thẩm quyền 2.046 vụ khiếu nại, tố cáo (gồm 1.648 vụ khiếu nại, 398 vụ tố cáo); đã giải quyết 1.525 vụ, đạt tỷ lệ 74,5%. Qua đó, đã kiểm điểm trách nhiệm 22 tập thể, 13 cá nhân để xảy ra sai phạm, chuyển cơ quan điều tra một vụ việc.

Tuy nhiên, số vụ khiếu nại, tố cáo tại Hà Nội vẫn chưa có chiều hướng giảm. Một số vụ việc còn chậm được giải quyết, chưa dứt điểm, sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền thiếu chặt chẽ… dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực, các kết luận, quyết định xử lý về tố cáo ở một số nơi cũng chậm, khiến người dân bức xúc, tiếp tục gửi đơn.

Để khắc phục tình trạng này, Hà Nội xác định trong thời gian tới tiếp tục tăng cường tuyên truyền chính sách liên quan các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo giúp người dân hiểu và đồng thuận; nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phấn đấu đạt tỷ lệ giải quyết hơn 85% số vụ việc trong năm 2019. Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 138-KH/TU thực hiện Quy định 11-QĐi/TW, ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm công tác tiếp dân, giải quyết phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố phải coi đây là công việc thường xuyên, quan trọng, là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nhấn mạnh về nhiệm vụ quan trọng này, theo đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành phố đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tiếp công dân... Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ thành phố xuống các quận, huyện. Đó là cơ sở hữu ích để tăng chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhưng để hiệu quả hơn nữa, đồng chí Hoàng Trung Hải chỉ rõ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định rõ thẩm quyền, chủ động đối thoại, nắm tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh, nhất là với các vấn đề nóng. Chỉ có sự lắng nghe, đi đến cùng vụ việc, mới tạo được sự đồng thuận, tránh được tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo chạy lòng vòng, vượt cấp; mới tránh được tình trạng khiếu kiện kéo dài nhiều năm không dứt và tạo sự ổn định từ cơ sở.