Tiếng nói từ cơ sở

Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà trường và học sinh vùng khó khăn

Thời gian qua, sự nghiệp giáo dục tại các vùng khó khăn ở nước ta luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và ngày càng toàn diện của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Do đó, giáo dục khu vực này có những tiến bộ rõ rệt, tỷ lệ học sinh đến trường, hoàn thành và tốt nghiệp các cấp học ngày càng tăng; học sinh lưu ban, bỏ học giảm. 

Tuy nhiên theo thống kê gần đây, tình trạng bỏ học của học sinh sống tại các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vẫn đáng lo ngại, nhất là ở một số tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Thí dụ năm học 2019-2020, hai huyện miền núi Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương có nhiều học sinh bỏ học. Tại Trường THCS Châu Cam (xã Châu Khê, huyện Con Cuông), có thời điểm có tới 40 học sinh bỏ học… Trong khi đó ở tỉnh Yên Bái, cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành chính sách bảo đảm tổng nguồn vốn đầu tư cho giáo dục - đào tạo giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn đạt hơn 3.100 tỷ đồng. Nhưng đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 250 phòng học tạm (chiếm 3,9%), 278 điểm trường lẻ và thiếu khoảng 600 phòng ở cho học sinh bán trú.

Thực tế là phần lớn gia đình học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là địa bàn đặc biệt khó khăn, là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Do đó, nhiều em có nguy cơ phải nghỉ học khi gia đình gặp khó khăn đột xuất. Đây là đối tượng cần được xã hội quan tâm đặc biệt. 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, trước hết nhằm bảo đảm nhu cầu nhân lực của địa phương, sự công bằng giữa các vùng miền trong tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, để trẻ em khu vực nêu trên có cơ hội học tập và phát triển tốt hơn, ngành giáo dục cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; coi trọng hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh đến trường và tham gia học tập bảo đảm chất lượng. Đồng thời, học sinh khu vực này cần sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ cộng đồng xã hội. Các cấp, ngành và từng địa phương coi trọng vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em, học sinh khu vực khó khăn, khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hỗ trợ... Có như vậy, mới bảo đảm việc trẻ em, học sinh vùng khó khăn đi học thường xuyên, tích cực.