Hiệu quả đưa công an chính quy về xã ở Yên Bái

Thực hiện chủ trương của cấp trên, đến hết tháng 3- 2020, tỉnh Yên Bái đã điều động 342 cán bộ, chiến sĩ công an chính quy về công tác tại 160/160 xã, thị trấn (năm 2019 đã điều động 141 cán bộ, chiến sĩ công an về công tác tại các xã trọng điểm). Cán bộ, chiến sĩ  công an chính quy về các xã, thị trấn công tác đều xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, trực tiếp tham gia giải quyết các vụ việc phát sinh ở cơ sở kịp thời.

Công an xã Yên Thái, huyện Văn Yên trao đổi thông tin với đối tượng vừa ra tù trở về địa phương.
Công an xã Yên Thái, huyện Văn Yên trao đổi thông tin với đối tượng vừa ra tù trở về địa phương.

Đến công tác tại xã Yên Thái, huyện Văn Yên để tìm hiểu phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), tôi phải chờ gần một giờ đồng hồ mới gặp được Thượng úy Lương Hữu Cúc, Trưởng Công an xã. Bởi, Thượng úy Cúc phải xuống thôn ngoài bãi sông Hồng để nắm số lượng các hộ bị ảnh hưởng dông lốc; hộ có người lạ đến thăm thân; nắm tình hình vụ việc có hộ trong thôn phơi vỏ quế bị mất cắp; đồng thời tranh thủ xác minh thêm các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn. Từ đầu năm nay, do sáp nhập xã Yên Hưng vào xã Yên Thái, việc phải làm ngay đó là, chứng thực lại hộ khẩu cho hơn 700 hộ ở xã cũ chuyển về. Do vậy, ba cán bộ, chiến sĩ công an chính quy của xã (một trưởng, một phó và một công an viên) phải chia nhau đến từng nhà nhận sổ hộ khẩu, rồi chuyển về công an huyện xác nhận lại nơi đăng ký hộ khẩu ở xã mới, sau đó chuyển lại đến từng nhà. Xã Yên Thái có diện tích hơn 45 km2, có hai nhà thờ và một giáo điểm, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống… Song, thời gian qua, cán bộ công an chính quy biết dựa vào các công an viên ở tám thôn, gắn bó với đồng bào để nắm tình hình, kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề nảy sinh từ cơ sở, nhờ đó tình hình an ninh trật tự (ANTT) địa bàn có tiến triển tốt. Tuy nhiên, do cán bộ công an chính quy về địa phương tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm về nghiệp vụ và xử lý tình huống ở cơ sở còn hạn chế, do vậy đội ngũ trưởng công an các xã, thị trấn như Thượng úy Cúc rất cần được đơn vị tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; bồi dưỡng học tiếng dân tộc, nâng cao hiểu biết về phong tục, tập quán người dân tộc Dao, Tày…, để phục vụ công tác lâu dài.

Thượng tá Phạm Duy Thịnh, Trưởng Công an huyện Văn Yên cho biết: Ngay sau khi bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn ở 25 cơ sở, đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nghị quyết, kế hoạch công tác bảo đảm ANTT, kiện toàn đội ngũ công an viên ở các thôn, bản; tăng cường phối hợp lực lượng quân sự, duy trì nghiêm việc trực, tuần tra, nắm tình hình và vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm. Ðến nay, cả 25 xã, thị trấn thành lập xong 25 chi bộ công an, qua bầu cử đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 100% số trưởng công an các xã, thị trấn tham gia ban chấp hành đảng bộ xã, thị trấn, trong đó 12 đồng chí trưởng công an xã tham gia ban thường vụ đảng ủy xã. Tại địa bàn vùng cao, dân tộc nào thì bố trí công an chính quy người dân tộc đó, như: xã Nà Hẩu, có 100% đồng bào là người H’Mông, cả đơn vị chỉ có hai đồng chí dân tộc H’Mông, vẫn bố trí Trung úy Trang A Phang về giữ chức Phó trưởng Công an xã Nà Hẩu. Nhờ đó, công an nhanh chóng nắm chắc tình hình địa bàn, hiểu phong tục tập quán, biết tiếng địa phương, làm chuyển biến căn bản về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ðến huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Mù Cang Chải, địa hình hiểm trở, gần 90% dân số là người H’Mông, cho nên công an chính quy về xã gặp không ít khó khăn. Huyện chủ trương chọn cán bộ “cứng” kèm cán bộ trẻ, ưu tiên đưa cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm thực tiễn về xã để bám địa bàn, luôn thực hiện nghiêm điều lệnh, tư thế tác phong của người công an, đã dần xóa bỏ cách giải quyết công việc theo kiểu lệ làng “Lý ông Mèo”. Tại địa bàn còn nhiều phức tạp về ANTT, Trung tá Lò Văn Diện, Trưởng Công an xã Nậm Có thông thạo cả hai thứ tiếng H’Mông và Thái. Với kinh nghiệm nhiều năm trong giải quyết vấn đề dân tộc, Trung tá Diện thông qua các buổi tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 ở các bản, đã lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống buôn bán phụ nữ, khắc phục tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; không tham gia tà đạo, không trồng cây thuốc phiện và khai thác lâm sản trái phép… Do vậy, từ khi có công an chính quy tăng cường về xã, đã góp phần bảo đảm ANTT. Ðáng chú ý, nhờ bám nắm địa bàn, trong quý I năm 2020, Công an xã Mù Cang Chải đã phát hiện, lập bảy chuyên án, bắt bảy đối tượng, thu giữ 900 gam hê-rô-in, 2.500 viên ma túy tổng hợp, chặn đứng các đường dây buôn, bán ma túy.

Ðề cập vấn đề nêu trên, lãnh đạo Công an tỉnh Yên Bái cho biết: Qua đánh giá bước đầu, cán bộ, chiến sĩ công an chính quy điều động đảm nhận công việc mới ở 160 xã, thị trấn đều hoàn thành nhiệm vụ; nhất là việc tham mưu bảo đảm tuyệt đối an toàn đại hội đảng bộ cấp xã; việc quản lý hộ khẩu, người cư trú tốt hơn. Nắm chắc việc di, dịch cư, các hoạt động trái pháp luật để có kế hoạch đấu tranh, phòng ngừa. Ðặc biệt, trong đợt cao điểm chống dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ công an chính quy ở các xã, thị trấn đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, phối hợp tốt với các lực lượng khác chốt chặn, kiểm soát người ra, vào địa bàn. Một vấn đề có tính nguyên tắc là: Do không phải là người địa phương, cho nên công an xã khi giải quyết các vấn đề pháp luật không bị lệ thuộc vào dòng họ, thân tộc, do vậy tính minh bạch và tính răn đe cao hơn trước đây. Ðối với các vụ tranh chấp nguồn nước, nương rẫy, đất đai, nhờ làm tốt công tác hòa giải đã chủ động giải quyết sớm ngay từ cơ sở, không còn kéo dài hoặc phức tạp như trước. Việc quản lý các đối tượng ra tù, đối tượng nghiện ma túy, có tiền án, tiền sự ở địa phương bảo đảm chặt chẽ; công tác quản lý và bảo đảm ANTT địa bàn bài bản hơn.

Tuy nhiên, do rút ngắn thời gian đưa công an chính quy về cơ sở sớm hơn hai năm so với Ðề án được HÐND tỉnh Yên Bái phê duyệt, cho nên trụ sở làm việc, nơi sinh hoạt của công an xã, thị trấn còn thiếu thốn, hiện phần lớn phải nhờ các phòng làm việc của trụ sở UBND xã; trong đó nhiều cán bộ phải thuê nơi ở trong thời gian công tác tại xã. Việc lựa chọn cán bộ về xã còn khó khăn, nhất là theo quy định trưởng công an xã phải có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, nhằm đủ tiêu chuẩn tham gia ban chấp hành đảng bộ xã. Mặt khác, việc giải quyết chế độ cho lực lượng bán chuyên trách (trưởng, phó công an xã) có thời gian công tác từ 15 năm trở lên do dôi dư, hiện còn bất cập, chưa tương xứng với cống hiến. Bởi, Nghị định 73/NÐ-CP ngày 7-9-2009 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Công an xã, đối với cán bộ có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên, nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu, thì được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương và phụ cấp đóng bảo hiểm hiện hưởng. Ðể số công an xã bán chuyên trách đỡ thiệt thòi, bớt tâm tư, tới đây Công an tỉnh Yên Bái tham mưu với UBND tỉnh tổ chức gặp mặt hơn 320 đồng chí công an xã bán chuyên trách, nay chuyển công tác, nghỉ chế độ, nhằm tri ân, động viên; đồng thời kỳ vọng với kinh nghiệm thực tế, am hiểu tường tận địa bàn, sẽ tiếp tục giúp lực lượng công an chính quy về các xã, thị trấn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.