Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng "Búa liềm vàng"

Hành trình những kỷ vật vô giá của Bác Hồ (Kỳ 1)

Con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua, mãi mãi là những bài học vô giá cho nhân loại và nhân dân Việt Nam. Hình ảnh thân thương của Người vẫn đọng mãi trong tâm thức của mỗi người con đất Việt và những người bạn yêu kính Bác ở khắp nơi trên thế giới. Ðể bạn đọc có thêm thông tin, qua đó góp phần hiểu hơn về hành trình Bác đã đi, đã đến và chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả, chúng tôi thực hiện loạt bài viết chia sẻ những công việc thầm lặng trong quá trình sưu tầm, gìn giữ kỷ vật - tư liệu về Bác của các cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh.

TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (ngoài cùng bên phải) tiếp nhận hai hiện vật quý (thanh gươm và chiếc áo trấn thủ) từ gia đình ông Vương Quỳnh Xuân, cháu nội ông Vương Chí Sình, tháng 8-2
TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (ngoài cùng bên phải) tiếp nhận hai hiện vật quý (thanh gươm và chiếc áo trấn thủ) từ gia đình ông Vương Quỳnh Xuân, cháu nội ông Vương Chí Sình, tháng 8-2

Bài 1: Tìm kiếm và gìn giữ

Trong mỗi bảo tàng, công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật luôn là một trong những hoạt động khoa học giữ vai trò quan trọng. Gắn với thực tế hình thành và phát triển của Bảo tàng Hồ Chí Minh, công tác sưu tầm được tiến hành sớm ngay từ những ngày đầu sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Công việc bắt đầu từ sắp xếp, chọn lựa, thống kê theo nguyên tắc để bảo quản lâu dài những kỷ vật, tài liệu của Bác Hồ do Văn phòng Chủ tịch nước lưu giữ và giao lại nhằm giúp nhân dân ta cũng như bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và vĩ đại của Người.

Những bước đi đầu tiên

Nhiều năm trước, chúng tôi tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh tại phòng đọc của Báo Nhân Dân khi chị đến tìm đọc những bài viết của Bác Hồ đăng trên báo Ðảng. Qua thời gian làm việc những năm sau này, chúng tôi bị cuốn theo sự nhiệt tình, đam mê của chị mỗi khi nhắc đến công tác sưu tầm các tư liệu, hiện vật gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau mỗi chuyến công tác nước ngoài để sưu tầm các tư liệu, hiện vật, chị Hà lại hào hứng kể cho chúng tôi nghe quá trình làm việc của mình. Ánh mắt rạng rỡ, nụ cười luôn thường trực trên môi mỗi khi chị Hà nhắc đến những bạn bè quốc tế và bà con Việt kiều đã nhiệt tình cung cấp thông tin, hiến tặng tài liệu, hiện vật càng khiến chúng tôi hiểu thêm và trân trọng sự đam mê, tâm huyết của các cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh trong nỗ lực sưu tầm các kỷ vật về Bác.

Ðúng dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi biết chúng tôi muốn tham quan Khu di tích Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh, dù đã về hưu nhưng chị Hà vẫn muốn trực tiếp hướng dẫn, đưa chúng tôi đi thăm từng di tích, giới thiệu tỉ mỉ nguồn gốc, xuất xứ từng hiện vật. Qua buổi giới thiệu ấy, chúng tôi cảm nhận rõ hơn công việc, mong muốn của các thế hệ cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đã không quản ngại gian khó, vất vả để có những tư liệu, hiện vật quý giá giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vĩ nhân của dân tộc Việt Nam và thế giới.

Mỗi cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn nhớ như in từng cột mốc quan trọng trong quá trình hình thành và xây dựng để Bảo tàng có được cơ ngơi khang trang với khối tài liệu, hiện vật phong phú như ngày nay. Khi Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh được thành lập, khối tài liệu, hiện vật đặc biệt quý hiếm từ Văn phòng Chủ tịch nước lưu giữ và giao lại là một trong những cơ sở, tiền đề quan trọng để Ban phụ trách xây dựng kế hoạch toàn diện, trong đó có việc bảo quản tốt khu lưu niệm, các di tích và hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 12-9-1977 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về việc thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh). Trong 20 năm đầu chuẩn bị hình thành và phát triển (từ tháng 11-1970 đến tháng 5-1990), cán bộ Bảo tàng tập trung nghiên cứu, thu thập các tài liệu, hiện vật, hình ảnh tĩnh và động, bổ sung kho cơ sở và đáp ứng các yêu cầu phục vụ nội dung trưng bày. Tất cả cán bộ, lãnh đạo đều nỗ lực hết mình để Bảo tàng được khánh thành đúng ngày 19-5-1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.

20 năm chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn thận từng chi tiết nhỏ để mở cửa Bảo tàng là hành trình không dễ dàng, đòi hỏi sự chính xác với tinh thần khoa học cao nhất cùng tác phong khẩn trương của mỗi nhân viên, cán bộ và lãnh đạo Bảo tàng. Làm việc bằng niềm kính yêu vô hạn với Lãnh tụ Hồ Chí Minh, rất nhiều kế hoạch hoạt động, cách thức để thực hiện cho hoạt động sưu tầm đã được triển khai ở giai đoạn đầu như: Tổ chức đoàn đến các địa phương, tăng cường và đẩy mạnh việc hợp tác nghiên cứu, thống kê, sưu tầm, sao chụp tài liệu hiện vật từ các cơ quan, tổ chức, các trung tâm lưu trữ, các bảo tàng; tiếp nhận tài liệu, hiện vật từ các tổ chức và cá nhân gửi tặng; mở rộng hợp tác với Bảo tàng Trung ương Lê-nin trong việc sưu tầm các tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ tại Liên Xô (trước đây) và Liên bang Nga ngày nay.

Theo số liệu từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, tính đến ngày 19-5-1990, Bảo tàng đã sưu tầm và tiếp nhận hơn 6.000 tài liệu, hiện vật mới, trong đó hơn 1.000 tài liệu đã được đưa vào nội dung trưng bày. Cùng với hàng nghìn tài liệu, hiện vật, phim ảnh về Bác được tiếp nhận từ Văn phòng Phủ Chủ tịch, Văn phòng Phủ Thủ tướng, Văn phòng Trung ương Ðảng, các cơ quan khác của Trung ương và các địa phương, công tác sưu tầm của Bảo tàng đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặt nền móng vững chắc cho hoạt động sưu tầm phát triển lâu dài, đáp ứng nhiệm vụ bổ sung tài liệu, hiện vật, góp phần kiện toàn kho cơ sở, công tác nghiên cứu khoa học, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới các tầng lớp nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.

Lan tỏa niềm tự hào

Năm 1997, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức gặp mặt các nhân chứng đã từng có dịp được gặp, làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tìm hiểu và sưu tầm thêm tài liệu, hiện vật về hoạt động của Bác trong thời kỳ từ năm 1938 đến 1940 và quãng thời gian Người bị giam trong nhà lao của Tưởng Giới Thạch, góp phần bổ sung những tư liệu, hình ảnh cho giai đoạn hoạt động cách mạng của Bác từ năm 1938 đến 1945. Các đợt sưu tầm tại Nga, Hồng Công (Trung Quốc), Pháp… từ năm 2001 đến 2008 đã bổ sung cho kho cơ sở nhiều tài liệu gốc quý như khối tài liệu, hiện vật liên quan đến Tống Văn Sơ (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong vụ án Hương Cảng năm 1931 đến 1933 và cả những đoạn trường đầy khó khăn thử thách đối với Người sau khi ra tù và trở lại hoạt động tại Quốc tế Cộng sản những năm 1934 đến 1938.

Những năm gần đây, Bảo tàng tích cực sưu tầm thêm các tài liệu, hiện vật của những cá nhân, tập thể đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng, các tác phẩm nghệ thuật sáng tác về Người. Dù lực lượng cán bộ làm công tác sưu tầm chưa nhiều, song với kinh nghiệm được tích lũy, các cán bộ Phòng Sưu tầm của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các đợt sưu tầm với mục tiêu cụ thể: Tập trung sưu tầm các tài liệu, hiện vật gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh; về công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo Di chúc của Người; gắn việc sưu tầm, tiếp nhận với công tác hoàn thiện hồ sơ khoa học; tổ chức ghi hình nhân chứng khi ghi hồi ký; sưu tầm các công trình nghiên cứu, các tác phẩm văn học nghệ thuật, âm nhạc, những hiện vật, tài liệu thể hiện tình cảm của người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế dành cho Bác Hồ.

Nhắc đến tên TS Chu Ðức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng trong nước và quốc tế đều dành cho ông sự tôn trọng và ngưỡng mộ bởi ông được đánh giá là một trong những chuyên gia am hiểu lịch sử các tư liệu, hiện vật ở Bảo tàng. Gặp TS Tính tại Bảo tàng Hồ Chí Minh trong một ngày Hà Nội nhiều nắng, chúng tôi khá bất ngờ về vẻ giản dị và nhanh nhẹn của người đàn ông đã qua tuổi 65. Ba-lô đựng tài liệu, đôi dép nhựa nâu bộ đội, phong thái tự tin, minh mẫn, TS Tính say sưa kể cho chúng tôi nghe về ông Ngô Vinh Bao - một hình ảnh đẹp đẽ của người Việt yêu nước khi thực hiện hành trình "đi tìm Bác Hồ ở Thái-lan".

Hơn 1.000 ngày công tác tại Lãnh sự quán Việt Nam tại Thái-lan (từ năm 1999 đến 2002), ngoài thời gian làm việc, ông Bao lần theo những cuốn hồi ký của các cán bộ từng hoạt động với Bác Hồ tại Thái-lan để "theo dấu chân Bác" và tái hiện lộ trình của Bác ở xứ sở chùa Vàng (từ tháng 6-1928 đến tháng 11-1929) bằng 20 tấm bản đồ và sơ đồ dựa trên 400 tấm bản đồ Thái-lan cùng hàng chục quyển hồi ký, thu thập được 25 hiện vật về thời gian Bác Hồ ở Thái-lan và những đồng chí cùng hoạt động với Bác thời kỳ này. Ông Bao còn làm những công việc như một cán bộ bảo tàng thực thụ: Ðánh số, ghi chép để thổi hồn cho các hiện vật, tư liệu mang về. "Mất nhiều công sức như vậy nhưng khi Bảo tàng muốn tặng lại ông Bao một chút kinh phí bù đắp thì ông kiên quyết không nhận. Ông Bao nói rằng, đây là tấm lòng của gia đình ông cũng như kiều bào Thái-lan với Cụ Hồ, được Bảo tàng tiếp nhận đã là niềm vinh hạnh. Nhiều người khác cũng đã hành động như ông Bao trong việc ứng xử với các kỷ vật, tư liệu về Bác khi tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng đó cũng là sự giáo dục ngược lại cho các cán bộ bảo tàng", TS Chu Ðức Tính chia sẻ.

Nếu như nhiều bảo tàng khác phải có kinh phí mua hiện vật, thì Bảo tàng Hồ Chí Minh hầu như không phải chi kinh phí cho công tác này. Phần lớn các kỷ vật của Bác đều được những cá nhân, gia đình đã lưu giữ hiến tặng. Mỗi cá nhân có kỷ vật đều hiểu vinh dự, trách nhiệm khi tặng bởi nếu giữ ở gia đình thì chỉ là kỷ vật và niềm tự hào của gia đình, nhưng khi trở thành hiện vật quốc gia trong Bảo tàng Hồ Chí Minh thì niềm tự hào ấy sẽ lan tỏa tới người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Niềm tin ấy khiến cho những người lưu giữ kỷ vật sẵn sàng tặng lại Bảo tàng và những cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng có thêm động lực để hăng say nghiên cứu, sưu tầm và gìn giữ kỷ vật, tư liệu về Bác.

Như hồi tháng 8 vừa qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận hai hiện vật quý là thanh gươm và chiếc áo trấn thủ từ gia đình ông Vương Quỳnh Xuân, cháu nội của cụ Vương Chí Sình (tức Vương Chí Thành), nguyên đại biểu Quốc hội khóa I, II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ðây là kỷ vật quý mà Bác Hồ tặng cho ông Vương Chí Sình để ghi nhận công lao của ông và đồng bào Mông với cách mạng, sự nghiệp bảo vệ đất nước. Ðây chính là những kỷ vật có giá trị, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cụ Vương Chí Sình, một thủ lĩnh của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang đã giác ngộ và đi theo phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ðó cũng là những bảo vật của gia đình, được các thế hệ con cháu cụ Vương Chí Sình nâng niu, gìn giữ trong nhiều năm qua và hiến tặng cho Bảo tàng.

Tính đến năm 2019, hơn 7.000 đơn vị tài liệu, hình ảnh, tư liệu và các tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều thể loại khác nhau cùng hàng trăm băng ghi hình nội dung hồi ký của các nhân chứng về Bác đã được thu thập về Bảo tàng. Gần 50 năm đã trôi qua, gắn kết trong sự phát triển chung của cơ quan, những cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn luôn say mê nghiên cứu, sưu tầm và bảo quản tốt những kỷ vật, tư liệu về Bác.

(Còn nữa)

* Hành trình những kỷ vật vô giá của Bác Hồ (Bài 2)