Hà Tĩnh khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống

Sau thành công của đại hội đảng bộ các cấp, cấp ủy, chính quyền ở Hà Tĩnh đã khẩn trương cụ thể hóa, triển khai nghị quyết vào thực tiễn đời sống, sản xuất. Nhờ bám sát những nhiệm vụ và giải pháp được đề ra, các địa phương trong tỉnh từng bước khắc phục khó khăn, tập trung lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 

Hà Tĩnh khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống

Chăm lo đời sống nhân dân 

Những ngày giáp Tết Tân Sửu, không khí đón Xuân ở thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh (huyện Đức Thọ) dường như náo nhiệt hơn. Niềm vui của Xuân mới được nhân đôi với gần 100 hộ dân nơi đây bởi tại vùng đất này, một nhà văn hóa cộng đồng kết hợp nhà tránh lũ khang trang, hiện đại đã được khởi công xây dựng, giải tỏa nỗi bất an mỗi khi lũ về. Theo ông Nguyễn Văn Khương ở thôn Tiền Phong, do nằm ở vùng ngoài đê La Giang, nơi hợp lưu của các dòng nước lũ đổ về từ sông Cả (Nghệ An), hai sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) cho nên hầu như năm nào người dân cũng gánh chịu vài trận lũ lớn, đời sống gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh, Nguyễn Quang Việt cho biết: Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp nhà tránh lũ vừa được xây dựng có tổng mức đầu tư hơn hai tỷ đồng, từ nguồn huy động xã hội hóa. Căn nhà có quy mô hai tầng, diện tích sàn 400 m2, với tầng 1 để trống phục vụ nhu cầu vui chơi sinh hoạt cộng đồng thường xuyên; tầng 2 gồm phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng tránh trú bão lũ, sân khấu, bếp, kho và khu vệ sinh chung. Được biết, nhà văn hóa cộng đồng kết hợp nhà tránh lũ ở thôn Tiền Phong là một trong 152 nhà dạng này sẽ được tỉnh Hà Tĩnh xây dựng cùng với 1.500 ngôi nhà tránh lũ cho người dân trong quý I-2021.

Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã rất quan tâm, chăm lo đến đời sống người dân, tuy nhiên, tác động của thời tiết cực đoan vẫn gây ảnh hưởng nặng nề. Trong tháng 10-2020, tỉnh Hà Tĩnh liên tục gánh chịu những tổn thất lớn do đợt lũ kép gây ra. Mưa lớn dài ngày gây ngập lụt 42.456 hộ thuộc 118 trong số 216 xã, phường, thị trấn. Mưa lũ đã làm sáu người chết; hơn 6.980 ha lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, rau màu bị hư hại, mất trắng; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; tổng thiệt hại hơn 5.300 tỷ đồng. Từ thực tế đó, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cho rằng, những tổn thất do thiên tai gây ra ảnh hưởng nặng nề, lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của nhân dân, đòi hỏi phải có sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nghị quyết số 01 được ban hành đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân và giải quyết được những vấn đề do thực tiễn đời sống đặt ra. Nhờ đó chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực tại chỗ, khắc phục kịp thời, hiệu quả những thiệt hại do thiên tai gây ra. Bám sát các giải pháp được đưa ra trong nghị quyết, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã huy động, phân bổ hàng trăm tỷ đồng bảo đảm an sinh xã hội sau lũ; hỗ trợ người dân hoàn thành gieo trỉa hơn 95% diện tích vụ đông, bước đầu xây dựng hàng trăm nhà ở bị hư hại do mưa lũ; tiến hành khôi phục, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Theo Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Phạm Đăng Nhật, công tác khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Nghị quyết số 01 vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành đã định hướng rõ ràng các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài, đồng thời huy động được toàn hệ thống chính trị, nhân dân vào cuộc, thực hiện nhiệm vụ một cách trình tự và có sự phân vai thực hiện, giám sát cụ thể. Từ đó đặt ra được lộ trình, mốc thời gian thực hiện để các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, cũng như đánh giá chính xác kết quả thực hiện cho từng giai đoạn. 

Bám sát hơi thở cuộc sống  

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hà Văn Hùng cho biết, thực tiễn triển khai các nhiệm vụ phát triển thời gian qua cho thấy, bất cứ mục tiêu, kế hoạch nào khi đã được bàn bạc, thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng thì hiệu quả thực hiện sẽ cao hơn. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thể hiện rõ điều đó. Bên cạnh thuận lợi cơ bản như kế thừa định hướng, mục tiêu của các nhiệm kỳ trước, quá trình xây dựng nghị quyết được thực hiện đồng thời với thời gian lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy đã tích hợp được những định hướng, quan điểm phù hợp sự phát triển của địa phương. Ngoài ra, quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị trình đại hội được thực hiện một cách công phu, kỹ lưỡng, được các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành góp ý, hiệu chỉnh nhiều lần. Đặc biệt, dự thảo Báo cáo chính trị đã được gửi xin ý kiến định hướng của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành Trung ương cũng như công bố và lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong toàn thể nhân dân nhằm phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, góp phần nâng cao chất lượng, tính khả thi của văn kiện đại hội. Từ đó, đại hội đã quyết nghị những vấn đề thiết thực liên quan đường hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới. “Với quan điểm, định hướng rõ ràng cùng với những cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để tỉnh Hà Tĩnh thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025. Đây chính là động lực quan trọng để địa phương hiện thực hóa mục tiêu tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã đề ra”, đồng chí Hà Văn Hùng cho biết.  

Tinh thần quyết liệt, nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống cũng được huyện Can Lộc triển khai một cách bài bản. Ngay sau khi Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành nghị quyết chuyên đề đầu tiên - Nghị quyết số 01 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2020 - 2025; UBND huyện Can Lộc đã xây dựng đề án thực hiện nghị quyết gắn với khung kế hoạch chi tiết. Sau hơn 5 tháng triển khai, huyện Can Lộc đã hoàn thành việc phá bỏ bờ vùng, bờ thửa trên diện tích hơn 605 ha để hình thành nên những cánh đồng sản xuất lớn, thực hiện đồng nhất về giống, quy trình sản xuất nhằm nâng cao giá trị cây trồng. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Như Dũng cho biết, hiện nay, Nhà nước chưa ban hành quy định về  chuyển đổi, tập trung ruộng đất, vì vậy công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện chủ trương được đặt lên hàng đầu. Cùng với việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, đề án một cách rộng rãi, địa phương đã xây dựng các phương án chuyển đổi phù hợp để người dân lựa chọn. Đồng thời xây dựng mô hình làm điểm, từng bước nhân rộng trong toàn huyện. Trong quá trình chuyển đổi ruộng đất, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các địa phương đã phát huy tốt vai trò của mình bằng cách đi đầu và lựa chọn những vùng đất cao cưỡng, ít màu mỡ để tập trung cải tạo hình thành nên các cánh đồng sản xuất trù phú. Với cách làm đó, xã Thuần Thiện là địa phương đầu tiên ở Can Lộc hoàn thành chuyển đổi 100% diện tích đất trồng lúa theo hình thức ruộng đất của mỗi hộ quy về một cánh đồng sản xuất nhất định. Ông Phạm Bá Hồng, ở thôn Thuần Chân (xã Thuần Thiện) cho biết, trước đây gia đình ông có chín thửa ruộng tại chín vùng sản xuất khác nhau, mỗi mùa sản xuất gia đình tốn rất nhiều công sức để gieo trỉa, chăm sóc…, thế nhưng sau khi thực hiện chuyển đổi, tất cả 6.000 m2 đất trồng lúa của gia đình được tập trung về một vùng. Đến mùa thu hoạch, thay vì phải mất cả chục ngày để gặt lúa, nay chỉ cần thuê máy gặt, chưa đầy hai giờ sau, toàn bộ lúa đã được gặt, đóng bao tập kết ở chân ruộng chờ thương lái đến mua. 

Cùng với Can Lộc, các địa phương khác ở Hà Tĩnh cũng đang rốt ráo đưa nghị quyết vào cuộc sống bằng những cách làm, phần việc cụ thể với phương châm bám sát hơi thở cuộc sống, từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.