Đổi mới quản lý cư trú, tạm trú để phục vụ nhân dân

Việc quản lý cư trú, tạm trú của người dân từ lâu nay được các cơ quan chức năng triển khai bằng sổ hộ khẩu cùng khoảng 30 quy định liên quan. Điều này đã dẫn đến những vấn đề phát sinh trong thực tế, gây nhiều phiền hà cho nhân dân, đồng thời tạo nên hành vi nhũng nhiễu, quan liêu, thậm chí hạch sách người dân của một bộ phận cán bộ cơ quan chức năng trong lĩnh vực này. Vì vậy, đổi mới hình thức quản lý cư trú là vấn đề được nhân dân, cử tri và các đại biểu Quốc hội (QH) rất quan tâm.

Ngay trong những ngày đầu của kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV, các đại biểu QH đã dành thời gian thảo luận vấn đề nêu trên. Trong thực tế, những rắc rối, phiền hà, thậm chí bức xúc của người dân trong lĩnh vực này là không ít, trong khi những quy định của pháp luật về cư trú chậm được nghiên cứu, sửa đổi. Lần này, Bộ Công an trình QH xem xét dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đã thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hình thức quản lý kiểu cũ và đây là điều được đông đảo cử tri quan tâm, mong chờ được triển khai càng sớm, càng tốt.

Trao đổi về nội dung nêu trên trong buổi thảo luận trực tuyến và trao đổi với các phóng viên ở bên ngoài hội trường Nhà QH, nhiều đại biểu QH khẳng định: Việc đổi mới hình thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu giấy sang hình thức quản lý dưới dạng điện tử, thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân là rất phù hợp xu thế hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay. Các đại biểu QH cho biết, trong quá trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp này, đây là vấn đề được nhiều người dân quan tâm và mong muốn các cơ quan chức năng cần triển khai sớm và thật sự đổi mới theo hướng phục vụ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cao nhất để công dân tự do cư trú.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu trước QH đã nêu rõ: Đổi mới hình thức đăng ký quản lý cư trú được thực hiện theo nguyên tắc  không được gây phiền hà, không được làm phức tạp cho nhân dân. Tuy nhiên, để thuận lợi, không chỉ thay đổi sổ hộ khẩu mà cả hệ thống cùng những quy định liên quan cùng phải thay đổi theo mới có thể đáp ứng tốt tình hình thực tế. Hiện nay, thông tin về cơ sở dữ liệu về dân cư  đã triển khai khoảng 90%  và đang thẩm định, rà soát lại để đưa vào  hệ thống. Phần còn lại,  các cơ quan chức năng đã và đang cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Quyết tâm, nỗ lực đổi mới hình thức quản lý cư trú của Chính phủ, Bộ Công an là rất cao. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực phức tạp, công phu mà nhiều quốc gia trên thế giới phải cần nhiều năm mới có thể hoàn thiện và đưa vào hoạt động ổn định. Trong khi đó, hiện nay Việt Nam mới đang ở giai đoạn xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, còn giai đoạn quan trọng khác là kết nối của các cơ quan, tổ chức liên quan để có thể khai thác được các cơ sở dữ liệu này phục vụ việc bỏ sổ hộ khẩu… chưa được đánh giá cụ thể, nhất là chưa đề ra những tình huống đột xuất, khó khăn phát sinh để từ đó chuẩn bị phương án xử lý. Hiện nay, có rất nhiều thủ tục hành chính khác nhau, như: đăng ký nhập học đối với học sinh, sinh viên; đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu theo bảo hiểm y tế; đăng ký sử dụng các dịch vụ điện, nước, viễn thông... nếu không được nghiên cứu, tích hợp đầy đủ thì người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí còn lớn hơn khi chưa đổi mới hình thức đăng ký, quản lý. Khi triển khai trong thực tế những quy định này, không chỉ Bộ Công an mà cả hệ thống chính quyền từ xã, phường, thị trấn đến cấp cao hơn đều phải quyết liệt, nghiêm túc thay đổi, đổi mới phương thức tiếp dân và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân theo tinh thần phục vụ nhân dân, tránh mọi vấn đề, quy định có thể làm khó, gây mất thời gian cho người dân.

Các bộ, ngành  cần sớm triển khai, rà soát, nêu rõ các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành có nội dung liên quan sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú, để từ đó thống nhất hướng xử lý, qua đó  tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Nhìn nhận sâu hơn về nội dung này, đại biểu QH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) và một số đại biểu khác chung ý kiến: Điều quan trọng nhất của Luật Cư trú (sửa đổi) lần này không chỉ bỏ sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú, mà việc đơn giản hóa hơn nữa về hồ sơ, thủ tục đăng ký cư trú cần phải được thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ và liên thông dữ liệu với các ngành. Qua đó, chứng minh cho quyết tâm thực hiện những cam kết về Chính phủ số, về đưa công nghệ thông tin vào mọi mặt của đời sống, trong đó lấy người dân làm trung tâm. 

Quan tâm về quyền tự do cư trú của người dân, một số đại biểu QH nêu quan điểm: nơi đăng ký thường trú và nơi tạm trú hiện nay không quá quan trọng, bởi đã có “chìa khóa” là công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nhiều đại biểu QH khác lại cho rằng, đăng ký thường trú và tạm trú rất  quan trọng đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Bởi nếu không xác định được nơi thường trú và nơi tạm trú của công dân thì các văn bản tố tụng, tống đạt sẽ gặp khó khăn, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ lúng túng khi gặp phải vấn đề trong lĩnh vực này.

Chủ trương và quyết tâm thay đổi, hiện đại hóa hình thức quản lý cư trú, tạm trú là một sự đột phá, là một bước tiến trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng để làm thật tốt, hiệu quả cao, Chính phủ, Bộ Công an, các địa phương và  từng công dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong các công việc liên quan. Trong đó, cần hoàn thành tốt khối lượng công việc rất lớn, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật  để có thể chuyển đổi phương thức quản lý thật sự thuận lợi, tiện ích, hiện đại.