Diễn đàn lắng nghe dân nói

Tại An Giang, nhiều mô hình có tính đột phá trên các lĩnh vực đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xã hội. Cán bộ lãnh đạo cởi mở, lắng nghe ý kiến phản ánh, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để giải quyết những vướng mắc phát sinh, góp phần tạo sự đồng thuận thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. “Diễn đàn lắng nghe dân nói” ở huyện Châu Thành là một mô hình hiệu quả, kết nối gần gũi mối quan hệ Đảng - dân.

Lãnh đạo Huyện ủy Châu Thành (An Giang) đối thoại với người dân.
Lãnh đạo Huyện ủy Châu Thành (An Giang) đối thoại với người dân.

Những năm trước, hệ thống giao thông về vùng nông thôn huyện Châu Thành rất khó khăn bởi phần lớn là đường đất, cầu bắc qua kênh, rạch là cầu ván, "cầu khỉ". Mỗi vụ thu hoạch lúa, hoa màu, nhà nông vận chuyển vô cùng vất vả. Tại hai ấp Thắng Lợi và Tân Thạnh thuộc xã Tân Phú, bị ngăn cách bởi con kênh Mướp Văn cho nên phải vận chuyển nông sản bằng đường thủy, người nông dân chịu thêm nhiều tốn kém bởi chi phí thuê nhân công bốc vác. Nhưng từ ngày cây cầu bê-tông được đưa vào sử dụng vào tháng 10-2019 đã kéo gần khoảng cách đôi bờ. Ông Trần Văn Sáng, nông dân ngụ ấp Thắng Lợi, bày tỏ niềm vui khi ước mơ về cây cầu của người dân bao đời nay đã thành hiện thực, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn giúp vùng nông thôn từng bước thay đổi.

Ở xã Bình Hòa ngày nào còn đường đất mù mịt bụi, xe trọng tải lớn khó ra, vào, nay đã bê - tông hóa hoàn toàn, phương tiện cơ giới dễ dàng tham gia vận chuyển nông sản, gia súc, gia cầm, hàng hóa. Ông Lê Văn Tú, ngụ ấp Phú Hòa 1, xã Bình Hòa cho rằng, đó là nhờ người dân và chính quyền chung sức đồng lòng, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm bằng cách huy động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, người dân, các đội thi công làm cầu đường từ thiện chung tay góp sức xây dựng giao thông nông thôn.

Từ một vùng nông thôn đi lại khó khăn, đến nay, huyện Châu Thành sửa chữa nâng cấp xong 62,4 km đường giao thông nông thôn, nâng cấp hơn 191 km đường liên huyện, liên xã, huy động nhân dân rải cát hơn 270 km đường nông thôn liên xã; cất mới và sửa chữa hơn 141 cây cầu. Cầu, đường thuận tiện đã kéo theo chuyển biến kinh tế - xã hội. Ðến nay, có năm xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Vĩnh Thành, Vĩnh Nhuận, Cần Ðăng, Bình Hòa và An Hòa; các xã còn lại đạt bình quân 14/19 tiêu chí, 41/49 chỉ tiêu… Châu Thành hướng đến mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Huyện Châu Thành đổi thay như trên là từ sự đồng thuận của người dân và chính quyền. Trưởng ban Dân vận huyện Ðoàn Hồng Danh, chia sẻ: Huyện ủy đã phát huy tốt mô hình Diễn đàn lắng nghe dân nói, với phương châm thân thiện, gần gũi, để người dân bày tỏ những suy nghĩ, tâm tư với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Cụ thể, năm 2016, Ban Dân vận huyện đề xuất mô hình "Ngày nghe dân nói". Mô hình được triển khai đạt hiệu quả, cho nên sau đó được nhân rộng trở thành "Diễn đàn lắng nghe dân nói" và duy trì đến nay. Qua diễn đàn, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ huyện và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến xã đã trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến góp ý của nhân dân, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong đời sống. Việc tiếp xúc, gặp gỡ với nhân dân phải bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Lê Phước Dũng, các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo huyện luôn được thông tin rộng để nhân dân biết và tới dự đông đủ. Tại đây, người dân được nghe các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, những chủ trương, chính sách mới; góp ý kiến trao đổi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; những vấn đề bức xúc phát sinh trong đời sống... Năm 2019, Ban Dân vận huyện đã tham mưu trực tiếp Thường trực Huyện ủy, chủ trì phối hợp các ban, ngành, đoàn thể huyện và cấp ủy xã, thị trấn. Kết quả đã tổ chức được Diễn đàn lắng nghe dân nói tại 11 trong số 13 xã, thị trấn với tổng số 850 lượt người tham dự. Người dân tập trung góp ý kiến về các vấn đề: Vệ sinh môi trường, cầu đường nông thôn, điện, nước sinh hoạt, giúp phụ nữ vay vốn, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông, sạt lở bờ sông, kênh, rạch, chính sách người có công, bảo hiểm y tế… Các ý kiến đều được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan giải đáp thỏa đáng.

Tại Diễn đàn lắng nghe dân nói ở ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu gần đây, cuộc trao đổi giữa những người đứng đầu Huyện ủy với người dân trên địa bàn đã diễn ra sôi nổi. Các ý kiến phản ánh, kiến nghị về tình hình vệ sinh môi trường, sạt lở, nâng cấp lộ giao thông nông thôn... được đại diện lãnh đạo Huyện ủy và các ban, ngành giải đáp rõ ràng. Tại diễn đàn, Bí thư Huyện ủy Ðinh Thị Việt Huỳnh cho biết: Các ngành chức năng phải ghi nhận đầy đủ ý kiến, kiến nghị, khẩn trương giải quyết những vấn đề tồn tại mà người dân đã nêu. Những nội dung kiến nghị được giải quyết nhanh chóng ngay sau đó đã tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong nhân dân. Ðiều đó càng khẳng định thêm tính thiết thực, hiệu quả của Diễn đàn lắng nghe dân nói.

Có thể thấy, thông qua diễn đàn, việc trao đổi thông tin hai chiều giúp mối quan hệ giữa cán bộ với người dân gần gũi, cởi mở hơn, từ đó tạo sự đồng thuận trong giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc. Mối quan hệ cấp ủy - chính quyền - người dân cũng được củng cố, tạo động lực hiện thực hóa mục tiêu phát triển trên địa bàn huyện Châu Thành trong giai đoạn mới.