Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái-lan

Hiếm nơi nào mà kiều bào và người dân địa phương lại luôn thể hiện tình cảm trân trọng và kính yêu Người, như ở Thái-lan. Ba khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở các tỉnh Na-khon Pha-nôm, U-đon Tha-ni và Phi-chít của Thái-lan, góp phần làm nổi bật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người ở nước ngoài.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh U-đon Tha-ni.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh U-đon Tha-ni.

Trong ba công trình về Bác Hồ tại Thái-lan, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Na-chọc (Bản Mạy, tỉnh đông-bắc Na-khon Pha-nôm) có quy mô lớn nhất. Nhân chuyến thăm chính thức Thái-lan giữa năm 2013, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm Làng hữu nghị Thái-lan - Việt Nam và tặng Hội người Thái gốc Việt tỉnh Na-khon Pha-nôm món quà trị giá 30 tỷ đồng để xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài phần quà của Đảng, Nhà nước mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao tặng, khu tưởng niệm còn có sự đóng góp không nhỏ về công sức và tiền của kiều bào Thái-lan nói chung và vùng đông-bắc nói riêng. Khu tưởng niệm được xây dựng trên diện tích 12.000 m2, do chính quyền địa phương tặng miễn phí quỹ đất, nhằm tôn vinh thời gian hoạt động cách mạng của Người ở Thái-lan. Khu tưởng niệm được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2016), hiện là điểm văn hóa, du lịch hàng đầu của tỉnh Na-khon Pha-nôm, góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Thái-lan.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Nỏng Ôn, thị xã Mương, tỉnh đông-bắc U-đon Tha-ni, lại được coi là công trình tưởng niệm Bác Hồ lâu đời nhất tại Thái-lan. Được xây dựng trong khuôn viên rộng gần 10.000 m2, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, khu di tích đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách Thái-lan và quốc tế. Khu di tích gồm nhiều hạng mục, một số được phục dựng lại như Nhà Bác Hồ sống và làm việc, kho thóc, khu sản xuất, chăn nuôi, lớp học bổ túc do Bác tổ chức cho bà con Việt kiều...; một số công trình mới như nhà đa năng, khu tưởng niệm, tủ sách, phòng chiếu phim, hội thảo cùng nhiều tranh ảnh về cuộc đời hoạt động của Người. Mỗi năm, khu di tích đón khoảng 22 đến 24 nghìn khách tham quan. Đầu năm 2017, con đường nối tỉnh lộ vào khu di tích được chính quyền địa phương xây dựng và đặt tên Thầu Chín 1 và Thầu Chín 2, trong đó đường Thầu Chín 1 dài 5 km, rộng 6 m, đường Thầu Chín 2 dài 160 m, rộng 4 m.

Khu di tích được chia làm hai phần, gồm Trại Cưa và Khu đa năng. Trại Cưa, nơi Bác Hồ dừng chân chọn làm nơi ở và hoạt động cách mạng trong những năm 1928-1929, được phục dựng với ngôi nhà chính lợp lá ba gian: Gian giữa là nơi hội họp, học tập; gian bên trái có kê một bộ bàn ghế gỗ là nơi Bác làm việc, ở trong góc là một chiếc giường ngủ nhỏ; gian bên phải là một sạp gỗ làm nơi cho anh em, đồng chí nghỉ ngơi. Trong khoảng sân rộng dưới bóng cây là giếng nước, nhà kho, bếp, khu sản xuất, chăn nuôi… Khu nhà đa năng hai tầng nhìn bề thế, trang trọng nhưng vẫn toát lên vẻ bình dị như cuộc đời của Người. Ở tầng một, gian chính đặt bàn thờ Bác Hồ với pho tượng Bác bằng đồng theo phong cách truyền thống. Phía sau là hội trường và phòng tiếp khách, nơi các cán bộ khu di tích kể lại với du khách về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có khoảng thời gian Người hoạt động cách mạng tại Thái-lan. Tiếp đó là các gian trưng bày giới thiệu khu di tích, những hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Quý nhất là những bút tích của Bác, lời chào mừng bà con Việt kiều ở Thái-lan về nước đợt đầu tiên, ngày 10-1-1960…

Với tình cảm kính yêu vô hạn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều bà con Việt kiều, như chú Vũ Mạnh Hùng, cô Lê Thị Tuyết Thế, chú Lương Xuân Hòa hay cô Nguyễn Thị Xuân Oanh…, ngoài thời gian kinh doanh, chăm lo gia đình đều dành tâm huyết cho khu di tích và các hoạt động của Hội người Thái gốc Việt tỉnh U-đon Tha-ni. Chú Hùng, ngoài việc quản lý xưởng sản xuất giò, chả lớn nhất nhì của người Việt ở Thái-lan, đã dành phần lớn quỹ thời gian làm Trưởng ban khu di tích trong thời gian dài. Cô Tuyết Thế, ngoài các tối giảng dạy miễn phí cho lớp học tiếng Việt ở chùa Khánh An, cũng giữ cương vị Phó Trưởng Ban quản lý, kiêm hướng dẫn viên cho các đoàn khách thăm khu di tích. Chú Hòa với biệt danh “Vua tôn thép lạnh”, hay cô Xuân Oanh dành cả cuộc đời dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều ở vùng đông-bắc Thái-lan... đều nhận được nhiều bằng khen của Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái-lan, các cô chú Việt kiều tại tỉnh U-đon Tha-ni đều bày tỏ nỗi niềm khi không thể tham gia hoạt động thường nhật tại khu di tích trong thời điểm dịch Covid-19 do lệnh giãn cách xã hội của chính quyền sở tại.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Phi-chít lại có điểm khác, là được xây dựng với nguồn tài chính do chính quyền Thái-lan và địa phương đầu tư. Khu di tích nằm trong khuôn viên Trung tâm Hữu nghị Thái-lan - Việt Nam rộng 6.400m2, được khởi công xây dựng từ tháng 12-2013, đến tháng 9-2018 hoàn thành, với mục tiêu trở thành điểm thu hút văn hóa, lịch sử và du lịch hàng đầu của địa phương. Tầng một khu di tích trưng bày những hiện vật mang đậm nét văn hóa truyền thống của Việt Nam như áo dài, nón lá… Tầng hai gồm những thông tin, hiện vật về quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái-lan nói chung và tỉnh Phi-chít nói riêng. Chánh văn phòng Ủy ban xã Pa-ma-kháp X.Lê-cù-thay-pa-ních tự hào cho biết: “Khu di tích hiện là biểu tượng của tình hữu nghị Thái - Việt, không chỉ người gốc Việt mà người Thái luôn kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi lối sống giản dị, tình yêu đất nước, không nghĩ đến lợi ích cá nhân”.