Để Tây Nguyên giàu và mạnh, như ước mong của Người

Tây Nguyên có ba đỉnh núi sừng sững, choãi chân ở ba góc trời: Ngok Linh, Bi Đúp và Cư Yang Sin. Những đỉnh núi như những nóc nhà chở che cao nguyên phía tây, biểu tượng kiên trung trong kháng chiến và ý chí vượt qua gian khó trong sự nghiệp kiến thiết, phát triển của vùng đất này. Bằng bản lĩnh vững chãi của núi, bằng tinh thần bất khuất của dũng sĩ Đam San, người Tây Nguyên đang nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, như ước nguyện thiết tha của Bác Hồ kính yêu trước ngày Người về cõi vĩnh hằng.

Các già làng ở Tây Nguyên là những người đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển quê hương.
Các già làng ở Tây Nguyên là những người đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển quê hương.

Lúc sinh thời, chưa một lần Bác đến với Tây Nguyên, nhưng trong trái tim Người luôn dành những tình cảm sâu sắc với một phần máu thịt Việt Nam trên cao nguyên phía tây. Tình cảm ấy thể hiện qua mỗi lần Bác tiếp xúc với những người con ưu tú của núi rừng có dịp ra miền bắc trong những ngày đất nước còn chiến tranh. Trong ký ức của bác sĩ Y Ngông Niêk Đam, của đồng chí Ksor Ní, của các nghệ sĩ Kim Nhớ, H’Win… luôn ấm áp những lời dạy ân cần, thân thương của Người. Đến hôm nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, ai cũng ghi lòng tạc dạ lời Thư Bác Hồ gửi Đại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plây Cu ngày 19-4-1946: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt...”. Đáp lại tình cảm thiêng liêng cao quý của Người, trong kháng chiến, những người con Tây Nguyên sát cánh cùng anh em cả nước ra trận vì sự nghiệp thống nhất non sông. Đất nước thanh bình khi Bác đã đi xa, đồng bào ghi nhớ lời dạy thiêng liêng, tiếp tục cuộc hành trình kiến thiết quê hương ngày càng giàu mạnh như ước mong tha thiết của Người.

Là vùng đất rộng lớn với diện tích tự nhiên gần 55 nghìn km2, chiếm khoảng một phần sáu diện tích trên đất liền Việt Nam, Tây Nguyên là ngôi nhà chung của hơn năm triệu người, trong đó có 1,6 triệu đồng bào của 47 dân tộc anh em cùng sinh sống. Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, từ sau ngày nước nhà thống nhất, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, thực hiện nhiều chương trình và đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng Tây Nguyên” thì nguồn lực tập trung đầu tư vào địa bàn chiến lược này ngày càng cao nhằm phát triển theo hướng bền vững.

Trong nhiều năm qua, Nhà nước phát huy mọi nguồn lực nhằm phát triển mạng lưới giao thông trong khu vực. Ngày nay, đường bộ toàn mạng lưới có độ dài gần 40 nghìn km đã kết nối các tỉnh Tây Nguyên, mở rộng cơ hội giao thương với các trung tâm lớn cả nước và các nước trong khu vực. Trong đó, các quốc lộ qua Tây Nguyên có tổng độ dài 2.517 km; các liên tỉnh lộ gần 2.035 km và hệ thống giao thông liên cửa khẩu đã nối liền Tây Nguyên với các nước láng giềng. Đường Hồ Chí Minh cùng đường hành lang Đông - Tây xuyên qua vùng đã làm thay đổi diện mạo những buôn làng từng là vùng sâu, vùng xa. Hàng không phát triển nhanh với ba sân bay: Liên Khương, Buôn Ma Thuột và Plây Cu. Dự án khôi phục đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm và mở tuyến đường sắt mới phục vụ cho các Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Tân Rai đang được tính toán. Giao thông tiện lợi, chuỗi các đô thị Tây Nguyên nối liền nhau, những thành phố trong khu vực trở thành những đầu tàu kinh tế - xã hội toàn vùng. Mỗi thành phố có những lợi thế và bản sắc riêng. Buôn Ma Thuột, đồng bằng giữa miền cao nguyên đất đỏ, là thủ phủ của tỉnh Đác Lắc, nơi có diện tích cà-phê hơn 180 nghìn ha và sản lượng gần 440 nghìn tấn. Đà Lạt - Lâm Đồng, trung tâm du lịch, vùng chuyên canh rau và hoa lớn nhất nước, trong đó có 8.651 ha hoa, sản lượng đạt 3,081 tỷ cành/năm và 180 nghìn ha rau với sản lượng mỗi năm 440 nghìn tấn. Plây Cu, quê hương của hồ tiêu, cao-su.

Trước đây, với tập quán du canh, du cư lạc hậu, cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số luôn trong cảnh đói nghèo, cơ cực. Ngày nay, Đảng và Nhà nước tổ chức cho người dân định canh, định cư, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, tiếp cận thành công kinh tế thị trường nên trên vùng đất này đã xuất hiện nhiều tỷ phú người dân tộc thiểu số. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai tích cực, hiệu quả đã tiếp thêm sinh khí và mang lại bộ mặt tươi mới cho Tây Nguyên. Đời sống người dân khởi sắc; điện, đường, trường học, cơ sở y tế và nhiều công trình hạ tầng, phúc lợi khác mọc lên nhiều hơn trên những vùng đất từng lạc hậu, đói nghèo. Ở Tây Nguyên, sau 10 năm triển khai chương trình, Lâm Đồng là tỉnh đạt kết quả cao nhất với hai huyện và 90 trong số 116 xã đạt chuẩn NTM. Con số 51 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM tại tỉnh Đác Lắc, trong đó có gần 5.000 tỷ đồng huy động từ doanh nghiệp và nhân dân đã nói lên hiệu quả của chương trình. Tại Gia Lai, đến thời điểm này đã có 60 trong số 184 xã đạt chuẩn và thị xã An Khê đã đủ điều kiện để lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Có thể nói, cùng với việc quy hoạch, triển khai đầu tư phát triển các đô thị, các tỉnh Tây Nguyên đang nỗ lực thực thi các giải pháp để nâng cao tốc độ phát triển nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách thu nhập và điều kiện thụ hưởng các lợi ích an sinh. Cùng với việc mở mang các khu, điểm, cụm công nghiệp, các dự án lớn, việc triển khai chương trình xây dựng NTM đến tất cả các huyện, xã, buôn, làng đã góp phần cải thiện hạ tầng, nâng cao nhận thức và giúp đồng bào đẩy lùi nghèo đói, hướng đến sự no đủ giàu có. Đồng thời với việc bản sắc văn hóa được bảo tồn, đồng bào các dân tộc thiểu số còn được hưởng những chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội khác…

Tây Nguyên ngày càng phát triển, trù phú và giàu có. Các địa phương trong vùng cũng chú trọng xây dựng thực lực chính trị, đập tan âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, củng cố niềm tin giữa dân với Đảng. Hình ảnh của Đảng giữa lòng dân là sự hiện hữu bằng những ý nghĩ, lời nói, việc làm mang lại hiệu quả sống động. Các tỉnh thực hiện phương châm “tỉnh nắm xã, huyện nắm thôn, xã nắm đến hộ dân”, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững vàng, phát huy cốt cán phong trào, già làng, người có uy tín trong buôn làng. Cấp ủy phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, kết nghĩa để hỗ trợ các địa phương khó khăn; lực lượng vũ trang phối hợp nhiệm vụ quốc phòng với công tác dân vận. Từ những việc làm cụ thể, đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành pháp luật, tích cực lao động sản xuất và xây dựng khối đoàn kết các dân tộc vững chắc. Đảng gần dân, sát dân. Đảng cùng dân bảo vệ rừng, làm thủy lợi, thủy điện, canh tác cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi. Đảng đưa con em đồng bào đến trường, hỗ trợ người dân nghèo dựng nhà để ở, hướng dẫn cách phòng tránh bệnh tật và khám, chữa bệnh cho dân. Đảng cùng đồng bào bảo tồn hệ thống các giá trị văn hóa cổ truyền…

MỖI dáng nét của Tây Nguyên giàu mạnh hôm nay đều khắc sâu dấu ấn sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và công ơn trời biển của Bác Hồ kính yêu. Dù lúc sinh thời, chưa một lần Bác đến Tây Nguyên, nhưng trong trái tim Người luôn dạt dào cảm xúc với vùng đất có những người con của đại ngàn trung dũng. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng ghi lòng tạc dạ lời dặn thiêng liêng của Bác, vững niềm tin theo Đảng, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh như ước mong tha thiết của Người.