Tiến tới Ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 (23-5-2021)

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuẩn bị bầu cử

Từ ngày 10 đến 12-5, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp T.Ư, cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV dự Hội nghị tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1, tỉnh Lâm Đồng. 

Tại các hội nghị, hơn 2.450 cử tri huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và TP Đà Lạt đã nghe tiểu sử tóm tắt của từng người ứng cử. Những người ứng cử trình bày chương trình hành động của mình, nếu được bầu. Chương trình hành động của đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh và tập trung việc tham mưu, tham gia trong việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nâng cao hiệu quả thực thi công vụ và chất lượng phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân làm giàu chính đáng.

Các cử tri đánh giá cao các nội dung, lĩnh vực các ứng cử viên đã trình bày sát với tình hình thực tế địa phương và sở trường công tác. Đồng thời gửi gắm tâm tư, kỳ vọng của mình và đề nghị mỗi ứng cử viên phát huy cao nhất khả năng và trách nhiệm của người đại biểu khi trúng cử, nhanh chóng cụ thể hóa các nội dung chương trình hành động vào thực tiễn cuộc sống.

* Trong các ngày từ 10 đến 12-5, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng và các ứng cử viên ĐBQH khóa XV, đơn vị bầu cử số 2 tỉnh Thái Nguyên đã tiếp xúc đại diện cử tri TP Thái Nguyên, huyện Võ Nhai và huyện Đồng Hỷ do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên tổ chức.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, sau khi đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh giới thiệu tiểu sử tóm tắt của năm ứng cử viên ĐBQH khóa XV và từng ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình, cử tri đơn vị bầu cử số 2 tỉnh Thái Nguyên bày tỏ sự đồng tình, tin tưởng cao và kỳ vọng các ứng cử viên sẽ thực hiện tốt chương trình hành động, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên. Thay mặt các ứng cử viên ĐBQH, Thượng tướng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn các cử tri đã có những ý kiến đề xuất, góp ý rất xác đáng, tâm huyết và trách nhiệm, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng và đặt niềm tin, kỳ vọng vào các ứng cử viên. Đồng thời nghiêm túc tiếp thu để phản ánh đến với Đảng, Nhà nước, QH, các bộ, ngành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết và sẽ phúc đáp, giải trình với cử tri trong thời gian sớm nhất. Đồng chí hứa, dù ở cương vị nào, các ứng cử viên cũng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nếu trúng cử ĐBQH khóa XV, ở mỗi cương vị, chức trách, các đại biểu sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm để đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước và của tỉnh Thái Nguyên. 

* Từ ngày 10 đến ngày 12-5, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia cùng năm ứng cử viên ĐBQH khóa XV tiếp xúc cử tri tại TP Vinh và các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương thuộc đơn vị bầu cử số 4 của tỉnh Nghệ An. 

Tại hội nghị, cùng các ứng cử viên khác trình bày chương trình hành động nếu trúng cử, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khẳng định sẽ thực hiện thật tốt việc thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri; phản ánh trung thực, đầy đủ đến với  QH và các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Theo dõi, giám sát quá trình giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; tham gia có hiệu quả các hoạt động của QH. Đồng chí Đỗ Văn Chiến đề cập đến các ưu tiên trọng tâm, trong đó có chính sách phát triển đồng đều kinh tế - xã hội giữa các khu vực, vùng miền; chính sách về tôn giáo, dân tộc, kiều bào, đối ngoại nhân dân để góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Bên cạnh đó, quan tâm giám sát, phản biện xã hội đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

* Ngày 12-5, tại TP Tam Kỳ, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri với các ứng cử viên ĐBQH. Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các ứng cử viên ĐBQH đã tiếp xúc với cử tri đơn vị bầu cử số 3, gồm: Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My.

Tại buổi tiếp xúc, đồng  chí Nguyễn Đức Hải cùng các ứng cử viên ĐBQH tỉnh Quảng Nam trình bày chương trình hành động nếu trúng cử; đồng thời  lắng nghe các ý kiến, nguyện vọng của cử tri, về chương trình hành động của các ứng viên. Thay mặt các ứng cử viên ĐBQH tỉnh Quảng Nam khóa XV, đồng chí Nguyễn Đức Hải cho biết, các ứng cử viên sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, góp ý của cử tri để tiếp tục hoàn thiện chương trình hành động của mình. Các ứng cử viên ĐBQH sẽ tập trung nghiên cứu chuyên sâu và đề xuất các giải pháp về đổi mới phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống... Đối với lĩnh vực tài chính ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ tăng cường các giải pháp huy động các nguồn lực xã hội để cùng ngân sách nhà nước xây dựng nền tảng tài chính quốc gia bền vững, kiểm soát chặt chẽ nợ công, bội chi ngân sách, bảo đảm an ninh an toàn nền tài chính của quốc gia, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm của quốc gia, nhất là về chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi…

* Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 12-5, tại trụ sở UBND tỉnh Lạng Sơn, Ban Thường trực Ủy Ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tiếp xúc giữa những người ứng cử  ĐBQH thuộc đơn vị bầu cử số 2, với cử tri năm huyện biên giới gồm: Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Tràng Định và huyện Văn Lãng để vận động bầu cử. Hội nghị trực tuyến có hơn 3.900 đại biểu tại 99 điểm cầu tham dự. Tại hội nghị, các cử tri được nghe giới thiệu tiểu sử tóm tắt, quá trình công tác của các ứng cử viên và các ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình nếu trúng cử. Trong chương trình hành động, các ứng cử viên đều thể hiện tinh thần quyết tâm, nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ của đại biểu QH. Nếu trúng cử, cam kết làm tròn trách nhiệm của đại biểu QH, liên hệ chặt chẽ với cử tri, hoàn thành tốt các công việc, nhiệm vụ được giao... Ý kiến của cử tri tại các điểm cầu đều tin tưởng, nhất trí với chương trình hành động của các ứng cử viên. Đồng thời mong muốn các ứng cử viên, khi trúng cử phát huy tốt vai trò của đại biểu QH, tiếp tục quan tâm tới các chính sách an sinh xã hội, tạo sinh kế, cải thiện cơ sở hạ tầng cho đồng bào dân tộc miền núi, biên giới…

* Tại Hội trường UBND huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai,  Ủy ban MTTQ huyện Krông Pa phối hợp  các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri cho các ứng cử viên ĐBQH khóa XV tại đơn vị bầu cử số 3 để vận động bầu cử. Tại hội nghị, sau khi nghe đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Krông Pa thông qua tiểu sử tóm tắt, các ứng cử viên lần lượt trình bày chương trình hành động của mình nếu trúng cử. Theo  đó, các ứng cử viên cam kết luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân để kịp thời phản ảnh với các cấp, các ngành liên quan xem xét giải quyết; tích cực tham gia thảo luận xây dựng các nghị quyết, các chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước cũng như của địa phương; phát huy vai trò giám sát trong triển khai thực hiện nghị quyết và các quy định của pháp luật… Các cử tri thống nhất cao với chương trình hành động của các ứng cử viên nếu trúng cử. Đồng thời đã thẳng thắn trao đổi, gửi gắm nguyện vọng của mình tập trung vào các lĩnh vực, như: đất đai; bảo vệ rừng; bảo vệ môi trường; chính sách giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tăng cường các nguồn vốn hỗ trợ cho người nghèo; an ninh nông thôn…

* Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND, Thường trực HĐND và Ủy ban Bầu cử TP Hồ Chí Minh đã triển khai các phương án tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác tập huấn phục vụ cuộc bầu cử; tổ chức điều hành, diễn tập vận hành thử phần mềm hỗ trợ phục vụ công tác bầu cử. Phần mềm hỗ trợ bầu cử được triển khai từ Ủy ban Bầu cử TP Hồ Chí Minh đến thành phố Thủ Đức, 21 quận, huyện và 312 phường, xã, thị trấn, bao gồm một số chức năng chính, như: Lập danh sách cử tri và in thẻ cử tri, báo cáo biến động của cử tri, báo cáo tiến độ cử tri đi bầu các cấp, tổng hợp kết quả bầu cử, lập các báo cáo của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử theo các biểu mẫu do Hội đồng Bầu cử quốc gia quy định… Hơn 1.500 cán bộ được tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm này. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Nội vụ tiếp tục tổ chức diễn tập vận hành thử phần mềm nhằm thực hiện rà soát, bảo đảm việc chuẩn bị cho công tác bầu cử.

* Ban Thường trực Ủy ban  MTTQ tỉnh Quảng Trị đã ban hành hướng dẫn tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, những địa phương ở trạng thái bình thường hoặc thực hiện giãn cách xã hội có thể tổ chức hội nghị trực tiếp hoặc trực tuyến; khuyến khích việc tổ chức Hội nghị trực tuyến kết hợp phát thanh trực tiếp và công bố số điện thoại nóng để bảo đảm số đông cử tri có thể nghe được nội dung và gửi ý kiến đến các ứng cử viên. Với hình thức hội nghị trực tuyến, người ứng cử cung cấp thông tin về chương trình hành động, tiểu sử tóm tắt để địa phương chuyển tải đến địa bàn khu dân cư, hộ dân và cử tri. Trước khi tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban  MTTQ các cấp liên hệ, xác định rõ số lượng và thành phần đại biểu tham dự theo đúng quy định gắn với yêu cầu cao nhất về phòng, chống dịch. Những nơi đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội hoặc phong tỏa không thể tổ chức hội nghị, thì lựa chọn hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, như: Phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử; niêm yết, in gửi, đăng tải về chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đến địa bàn khu dân cư, hộ dân và cử tri. 

* Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-BCD, nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho bầu cử. Theo đó, Quảng Ngãi đã xây dựng các phương án tối ưu nhằm phòng, chống dịch tại các điểm bầu cử; trước, trong và sau thời gian bầu cử; đồng thời có kịch bản xử lý các tình huống, có quy trình bỏ phiếu, sử dụng hòm phiếu phụ để ứng phó với dịch. Các địa phương bố trí để cử tri đi bỏ phiếu theo từng khu vực, điểm dân cư, thời gian nhất định. Cùng với việc thực hiện phân luồng từ xa, lực lượng chức năng hướng dẫn cử tri xếp hàng, giữ khoảng cách  hai mét. Các bàn, chỗ ngồi ghi phiếu cũng bảo đảm khoảng cách hai mét... Khu cách ly tập trung của tỉnh, cơ sở y tế đang thực hiện cách ly y tế điều trị Covid-19 và người đang cách ly tại nhà sẽ bỏ phiếu vào hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động) để bảo đảm các quy định phòng, chống dịch.

* Tỉnh đoàn Bạc Liêu vừa tổ chức Hội nghị giao lưu, gặp mặt giữa cử tri trẻ là cán bộ Đoàn - Hội chủ chốt với những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp và lãnh đạo Ủy ban bầu cử tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hội nghị là diễn đàn có ý nghĩa giúp các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh tiếp thu kiến thức, được giải đáp những thắc mắc trong công tác bầu cử, tìm hiểu sâu hơn luật pháp về bầu cử; đồng thời, là dịp tuổi trẻ Bạc Liêu đề xuất, kiến nghị, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh  nhiệm kỳ tới. Tại Hội nghị,  các bạn trẻ đặt ra nhiều câu hỏi liên quan  công tác bầu cử; nêu các vấn đề mà cán bộ, đoàn viên, thanh niên quan tâm hiện nay, như chính sách dành cho cán bộ Đoàn, Hội, Cựu TNXP… Đồng thời bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như gửi gắm niềm tin đến ứng cử viên trước khi diễn ra Ngày bầu cử (23-5) sắp tới…

* Ủy ban Bầu cử tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ liên quan tổ bầu cử, như: lựa chọn thành viên tham gia, thành lập tổ bầu cử; công tác phối hợp, rà soát nơi cư trú của công dân để tổng hợp, lập, niêm yết danh sách cử tri; tiếp nhận tài liệu, niêm yết danh sách và tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử; chuẩn bị địa điểm bố trí phòng bỏ phiếu... Sở Nội vụ Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến đến điểm cầu ở các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn cho khoảng 4.000 cán bộ, công chức làm công tác bầu cử, thành viên tổ bầu cử về bảo đảm y tế, phòng, chống dịch; công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử.

Ủy ban bầu cử tỉnh, cấp huyện, cấp xã chủ động kiểm tra, giám sát hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thành lập đoàn để kiểm tra, giám sát công tác bầu cử theo nhiệm vụ hoặc địa bàn được phân công. Ngoài tuyên truyền trực quan, lưu động, hiện các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương ở Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc bầu cử qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở. 

* Ngày 12-5, Ủy ban Bầu cử TP Hải Phòng ban hành Quyết định số 09/QĐ-UBBC về quy định quản lý, sử dụng phiếu bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, phiếu bầu cử phải được sử dụng đúng quy định của pháp luật về bầu cử; được quản lý chặt chẽ, bảo quản cẩn thận, tuyệt đối an toàn về số lượng, chất lượng từ khâu in ấn, giao nhận, bảo quản, đến cấp phát, sử dụng; nghiêm cấm mọi hành vi sao, in, phát hành gian lận phiếu bầu cử nhằm mục đích sai lệch kết quả bầu cử, chống phá cuộc bầu cử… Các tổ chức, cá nhân để hỏng, mất phiếu bầu cử, cấp phát, sử dụng không đúng quy định hoặc có hành vi sao, in, phát hành gian lận hoặc không đúng số lượng phiếu bầu cử đã ấn định, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cử tri yêu cầu đổi phiếu bầu cử do gạch nhầm hoặc bị hỏng thì việc đổi và quản lý phiếu đổi phải được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định… 

* Cơ sở Cai nghiện ma túy tại tỉnh Ninh Bình  quản lý 224 học viên. Các học viên đều trên 18 tuổi, đủ tuổi tham gia bầu cử. Do vậy, cơ sở nêu trên được xác định là một tổ bầu cử của xã Đông Sơn, TP Tam Điệp ( Ninh Bình), các học viên được bố trí bầu cử tại cơ sở. Hiện nay, đã niêm yết đầy đủ danh sách, tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên để học viên tìm hiểu; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về bầu cử cho học viên bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Phát tờ rơi về bầu cử; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh; mục đích, ý nghĩa của  cuộc bầu cử; quyền và trách nhiệm của cử tri; tổ chức họp các tổ học viên để trao đổi, giải đáp những thắc mắc của học viên về bầu cử. Đồng thời, cơ sở chú trọng xây dựng phương án sẵn sàng bổ sung học viên vào danh sách cử tri cho đến ngày diễn ra bầu cử đối với những học viên mới đến; kết hợp bảo đảm công tác an ninh trật tự để cuộc bầu cử diễn ra thành công.