Đại hội lần thứ XII của Đảng

Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước

Đại hội lần thứ XII của Đảng diễn ra từ ngày 20 đến 28-1-2016, tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.510 đại biểu thay mặt cho hơn 4,5 triệu đảng viên trong toàn Đảng. 

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội nhận định, 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phấn đấu đưa nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế được nâng lên. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện, bước đầu đạt kết quả tích cực. Các lĩnh vực khác đều có bước chuyển biến tốt. Tuy nhiên, việc đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt. 

Nhìn tổng thể 30 năm đổi mới, Đại hội khẳng định, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; nhưng cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, yếu kém phải tập trung khắc phục. Bốn nguy cơ Đảng chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp. Qua 30 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tích lũy được nhiều bài học lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Đại hội đã thông qua mục tiêu tổng quát trong 5 năm 2016 - 2020 là tăng cường xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Từ đó, Đại hội đề ra các nhiệm vụ tổng quát 5 năm tới là: Phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện. Quản lý tốt sự phát triển xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội. Khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tiếp tục quán triệt và xử lý tốt các quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị,... 

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành T.Ư gồm 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành T.Ư bầu Bộ Chính trị gồm 19 đồng chí và Ban Bí thư gồm ba đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư.

Tại các hội nghị lần thứ sáu và thứ bảy, Ban Chấp hành T.Ư bầu bổ sung bốn ủy viên Ban Bí thư.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Chấp hành T.Ư đã ban hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các tổ chức, cá nhân vi phạm đều bị xử lý nghiêm, không có vùng cấm và cũng rất nhân văn. Hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 27 Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng; bốn Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Qua đó góp phần quan trọng vào việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

(Biên soạn từ tulieuvankien.dangcongsan.vn)