Đảng ta luôn nhìn thẳng vào sự thật, tự soi, tự sửa

Chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi vừa bước sang tuổi 18. 52 năm qua, tôi nhận thấy rõ và sâu sắc sự phát triển, trưởng thành của Đảng ta qua các thời kỳ.

Đảng ta luôn nhìn thẳng vào sự thật, tự soi, tự sửa

Những giai đoạn ác liệt, gian khổ, hay thời kỳ khó khăn khi bị bao vây, cấm vận..., Đảng ta luôn kiên định lập trường, đoàn kết cả dân tộc, lãnh đạo nhân dân đồng tâm hợp lực vượt khó. Điều tôi cảm nhận rõ, đó là trong suốt chặng đường 90 năm, Đảng ta luôn nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, tự soi những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém để điều chỉnh, sửa chữa, đổi mới trong chỉ đạo, lãnh đạo. Nhờ sự nghiêm túc thẳng thắn trong tự phê bình, Đảng ta đã lãnh đạo thành công các cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, đưa đất nước đi lên, tạo được vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Những năm gần đây, tinh thần thẳng thắn của Đảng ta tiếp tục được thể hiện trong việc ban hành và thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Theo dõi những chủ trương, đường lối, những phiên họp của Trung ương, của Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ này, tôi nhận thấy sự đổi mới ngày càng rõ rệt. Đó là sự đoàn kết, thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị, kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Hàng loạt vụ án lớn được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ cấp cao, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bị kỷ luật, truy tố và xét xử công khai. Điều đó khẳng định quyết tâm của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, thể hiện sự đổi mới trong đường lối, chính sách, phương thức lãnh đạo của Đảng và sự thống nhất cao trong Đảng. Tôi tin rằng, với sự đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, Đảng sẽ tiếp tục lãnh đạo nhân dân tiến lên, đưa đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, tự chủ, hùng cường.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân MAI PHƯỚC LIỆU

(Phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng)

Đảng chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

Đảng ta luôn nhìn thẳng vào sự thật, tự soi, tự sửa ảnh 1

Đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận có hơn 70 nghìn người, sống tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng, xen kẽ với các dân tộc anh em. Những năm qua, các chủ trương, chính sách của Đảng đối với đồng bào dân tộc Chăm được các cấp ủy đảng, chính quyền quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả cùng với sự nỗ lực tự vươn lên của người dân, kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm phát triển khá rõ nét. Đồng bào Chăm càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách dân tộc là nhất quán theo nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển”. Chúng tôi mong thời gian tới, các cấp ủy cơ sở, các ngành cần quan tâm phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sao cho tương xứng với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước. Các cấp ủy đảng phải làm sao đưa được trọn vẹn các nghị quyết, chỉ thị, cơ chế, chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số vào cuộc sống. Trong đó, cần quan tâm hoàn thiện các thiết chế văn hóa, xã hội; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm đến giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí; bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc… Đồng thời, đổi mới nội dung thông tin, tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ mục đích, ý nghĩa các chính sách của Đảng, Nhà nước; nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay; khơi dậy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số…

Thạc sĩ ĐỔNG VĂN DINH

(Ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Thuận)

Quan tâm phát triển văn hóa

Đảng ta luôn nhìn thẳng vào sự thật, tự soi, tự sửa ảnh 2

Sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII, Trung ương đã đánh giá toàn diện kết quả xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, những mục tiêu đã đạt được và chỉ rõ những hạn chế tồn tại cần khắc phục. Trên cơ sở đó, tại Hội nghị T.Ư 9, khóa XI, Ban Chấp hành T.Ư tiếp tục ban hành Nghị quyết Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Mục tiêu chung là xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội cho thấy tầm quan trọng của chiến lược phát triển văn hóa mà Đảng ta đã định ra. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức như hiện nay, càng đòi hỏi phải bảo tồn và phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của đời sống xã hội. Theo tôi, các cấp ủy cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa; quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho văn hóa đồng bộ, hài hòa với các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo quy hoạch, kế hoạch chặt chẽ, bảo đảm tính hệ thống về văn hóa, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Cùng với chính sách chung của Nhà nước, các địa phương cần chủ động cơ chế, chính sách hợp lý tăng cường đào tạo, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, phù hợp với tình hình mới. Tăng cường đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở, bảo đảm về số lượng, chất lượng. Xây dựng cơ chế nhằm phát huy vai trò của các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ngay tại cộng đồng; vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách về văn hóa của Đảng và Nhà nước phù hợp với đặc thù của vùng miền và từng địa phương…

HÀ VĂN THẮNG

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai