Đại hội đảng bộ các cấp - những vấn đề đặt ra (Tiếp theo kỳ trước) (*)

Bài 2: Ghi nhận từ công tác nhân sự đại hội

Các đại biểu tham gia bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Công an tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2020- 2025.
Các đại biểu tham gia bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Công an tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2020- 2025.

Nhiệm kỳ qua, Đảng ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm quyết liệt đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp; sắp xếp tổ chức, bộ máy gắn liền đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều đó khẳng định quyết tâm của Đảng trong đổi mới khâu then chốt của then chốt, làm tiền đề chuẩn bị công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và giai đoạn tiếp theo. Kết quả  của các đại hội đảng bộ đã diễn ra là minh chứng về hiệu quả của những chủ trương đúng đắn, xuất phát từ đòi hỏi thực tế; đồng thời đặt ra những vấn đề cần tiếp tục rút kinh nghiệm, bổ sung và hoàn thiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác cán bộ.

Đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy 

So với nhiệm kỳ trước, chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với công tác chuẩn bị đại hội ở nhiệm kỳ này có sự kế thừa và phát triển. Nhiều cách làm tạo điểm nhấn như quy trình năm bước chặt chẽ áp dụng cho cả cán bộ tái cử và cán bộ tham gia cấp ủy lần đầu; tiếp tục thí điểm bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại đại hội, thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương; giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên…

Bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại đại hội không phải là điểm mới trong đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhưng là điểm nhấn khi chủ trương này được nhiều cấp ủy mạnh dạn triển khai. Việc này chứng tỏ sự chủ động từ xa về nhân sự đại hội, sự tự tin của cấp ủy, nhất là vị trí người đứng đầu và trách nhiệm của từng đại biểu dự đại hội thể hiện qua lá phiếu. Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị khuyến khích thực hiện thí điểm bầu bí thư cấp ủy tại đại hội ở những nơi cấp ủy đoàn kết, thống nhất cao; nhân sự dự kiến giới thiệu là người tiêu biểu, hội tụ đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín, đồng thời phải được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp. Ghi nhận từ đại hội cấp cơ sở và đại hội cấp trên cơ sở ở một số địa phương cho thấy, có bước chuyển mạnh mẽ về thực hiện dân chủ trong Đảng, nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của đại biểu dự đại hội, đồng thời là dịp thử thách bản lĩnh của nhân sự được bầu.

Hai đại hội điểm cấp trên cơ sở của tỉnh Bạc Liêu là Đại hội Đảng bộ Công an tỉnh và Đại hội Đảng bộ huyện Hồng Dân đều thực hiện bầu bí thư trực tiếp tại đại hội. Cả hai đồng chí bí thư đều tái đắc cử với số phiếu tuyệt đối. Việc chọn hai đảng bộ nêu trên thể hiện bản lĩnh và quyết tâm của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bạc Liêu. Còn nhớ nhiệm kỳ trước, Đảng bộ huyện Hồng Dân phức tạp về nội bộ, có biểu hiện mất đoàn kết. Khi đó, bầu Ban Chấp hành (BCH) nhiệm kỳ 2015-2020, đại hội để khuyết năm vị trí, trong đó có vị trí bí thư. Sau đại hội, Tỉnh ủy phân tích, cân nhắc nhiều chiều và quyết định giao Quyền Bí thư Huyện ủy cho đồng chí Nguyễn Hồng Hoa, là cán bộ tại chỗ (đồng chí đủ tuổi tái cử nhưng không đủ tuổi đảm nhận chức vụ lần đầu). Khi đồng chí Hoa nghỉ hưu, vị trí Bí thư Huyện ủy được chuyển giao cho đồng chí Phan Thanh Duy, cán bộ trẻ, luân chuyển từ tỉnh về. Qua thực tiễn công tác, đồng chí Duy chứng tỏ được năng lực, uy tín và tại Đại hội Đảng bộ huyện vừa qua, đồng chí tái đắc cử chức danh Bí thư Huyện ủy với 100% số phiếu tín nhiệm. 

 Từ kinh nghiệm chỉ đạo đại hội của Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, BTV Thành ủy chủ động chuẩn bị những điều kiện để làm thật tốt chủ trương bầu bí thư trực tiếp tại đại hội sao cho bảo đảm yêu cầu Trung ương đặt ra và phù hợp thực tế của Hà Nội. Quan trọng là phải lựa chọn khách quan, công tâm, chống bè cánh, cục bộ… Về quy trình bầu trực tiếp bí thư đòi hỏi sự cẩn trọng trong tất cả các bước. Qua 17 đảng bộ cấp trên cơ sở được chọn thí điểm bầu trực tiếp bí thư tại đại hội, tất cả 17 đồng chí được giới thiệu để bầu tại đại hội đều trúng cử với tỷ lệ số phiếu  từ 96,1% trở lên. Thành công không chỉ ở tỷ lệ phiếu bầu cao, mà sau đại hội các đồng chí này phát huy được năng lực, hoàn thiện bản thân, cùng tập thể BTV, BCH dẫn dắt đảng bộ quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Đảng bộ thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) được chọn tổ chức đại hội điểm cấp trên cơ sở, đồng thời thực hiện bầu bí thư trực tiếp tại đại hội. Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long cho biết: “Tôi được luân chuyển về giữ cương vị Bí thư Thành ủy đến khi tổ chức đại hội được một năm 14 ngày. Có đôi phần băn khoăn, nhưng tâm lý đó qua nhanh bởi trong tôi có niềm tin và cùng với đó là sự quan tâm, đoàn kết, hỗ trợ của tập thể cấp ủy. Kết quả tín nhiệm tại đại hội là động lực để tôi phấn đấu, xứng đáng niềm tin của mọi người”.

Quảng Ninh là địa phương duy nhất đến nay thực hiện 100% đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy, ở cả cấp cơ sở và cấp trên cơ sở. Ở cấp cơ sở, tất cả 408/408 bí thư đảng ủy (trừ 18 đảng bộ quân sự địa phương, quân sự tỉnh không bầu trực tiếp tại đại hội) được bầu tại đại hội với số phiếu cao nhất là 100%, thấp nhất là 90,5%. Trong đó có 35 đồng chí tham gia cấp ủy lần đầu; tuổi bình quân là 47; trình độ chuyên môn từ đại học trở lên có 424 đồng chí (99,53%); trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên 420 đồng chí (98,59%). Tất cả 20 đảng bộ cấp trên cơ sở cũng đã hoàn thành đại hội trong tháng 7, sớm hơn một tháng so với quy định của Trung ương; các đại hội đều bầu một lần đủ số lượng cấp ủy, bảo đảm cơ cấu và nhân sự dự kiến theo quy định; 19 đồng chí được giới thiệu để bầu trực tiếp bí thư tại đại hội (trừ Đảng bộ Quân sự tỉnh) đều đạt số phiếu tín nhiệm cao. Trên cơ sở đánh giá các điều kiện thực tế, BTV Tỉnh ủy đề nghị Ban Tổ chức T.Ư báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý cho chủ trương Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020 - 2025 thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại đại hội.

Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn ở cơ sở

Theo Ban Tổ chức T.Ư, thống kê tại các đảng bộ, chi bộ cơ sở và đảng bộ cấp trên cơ sở đã hoàn thành đại hội (trước 25-7-2020) cho thấy, về cơ bản kết quả bầu cử bảo đảm các yêu cầu mà Chỉ thị  số 35-CT/TW của Bộ Chính trị đặt ra về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, trình độ và đúng với đề án nhân sự đã được phê duyệt. Tại 624 đại hội cấp trên cơ sở đã tiến hành đại hội, các cấp ủy bầu được 16.355 cấp ủy viên, 4.896 đồng chí ủy viên BTV. Trong đó, tỷ lệ cấp ủy viên tham gia lần đầu đạt 23,1%, tỷ lệ nữ là 15,07%, người dân tộc thiểu số 8,49%, dưới 40 tuổi là 13,23%...

Tuy nhiên, tại một số đại hội đã xảy ra những tình huống khiến cấp ủy bị động, có địa phương phải tổ chức đại hội lại, hoặc hủy kết quả bầu cử, một số cán bộ bị kỷ luật… Từ đó đặt ra những vấn đề cần được các cơ quan tham mưu của Đảng tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định và có hướng dẫn chặt chẽ hơn nữa.

Tại cấp cơ sở có tình trạng gian lận phiếu bầu như ở Đại hội Đảng bộ xã An Bình, huyện Kiến Xương (Thái Bình), ngày 13-5-2020. Tổ trưởng Tổ Kiểm phiếu tự ý mang hòm phiếu sau khi bỏ phiếu đi nơi khác. Khi bị phát giác, cơ quan công an kiểm tra người này thu được 20 phiếu bầu khống và tất cả số phiếu này đều gạch tên một đồng chí. Cấp có thẩm quyền quyết định dừng đại hội và tổ chức lại sau đó một tuần. 

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Mê Linh (Hà Nội) công bố kết luận kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Trưởng ban Kiểm phiếu Đỗ Văn Cường và các thành viên Ban Kiểm phiếu tại Đại hội Đảng bộ xã Chu Phan. Ngày 15-6, tại Đại hội Đảng bộ xã Chu Phan, số phiếu bầu phát ra và thu về đủ 134 phiếu, được đếm công khai. Tuy nhiên, khi kiểm phiếu phát hiện tổng số phiếu lên tới 148, thừa 14 phiếu, ông Đỗ Văn Cường đã không xem xét, trao đổi với các thành viên Ban Kiểm phiếu, không báo cáo xin ý kiến. Việc vi phạm nghiêm trọng Quy chế bầu cử trong Đảng dẫn đến phải hủy kết quả và tiến hành bỏ phiếu lại.

Tại Đại hội Đảng bộ thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới (An Giang), số phiếu phát ra và thu về là 119 phiếu, khi kiểm phiếu chỉ còn 109 phiếu nhưng vẫn công bố kết quả. Huyện ủy Chợ Mới  buộc phải quyết định hủy kết quả bầu cử BCH Đảng bộ thị trấn và bầu cử lại. Hay việc Thành ủy TP Huế  (tỉnh Thừa Thiên Huế) quyết định thi hành kỷ luật về mặt Đảng đối với bốn đảng viên là cán bộ lãnh đạo UBND phường Thủy Biều vì hành vi vận động bầu cử trái quy định, xúi giục, lôi kéo một số đảng ủy viên và đảng viên không chấp hành chủ trương về công tác nhân sự của Đảng; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ khi bầu BTV Đảng ủy phường Thủy Biều nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Những vi phạm nêu trên không phải là phổ biến, nhưng dư luận băn khoăn liệu có đại hội nào có vi phạm mà vẫn diễn ra “thành công”, có cán bộ nào không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín vẫn “lọt” vào cấp ủy bởi những gian lận tương tự mà không bị phát giác? Bảo đảm chất lượng bầu cử trong đại hội đảng các cấp là việc làm đòi hỏi tính nguyên tắc, kỷ cương và khoa học cao. Bên cạnh việc xử lý cán bộ sai phạm cần giải pháp ngăn ngừa vi phạm quy chế bầu cử trong Đảng; trong đó giám sát chặt chẽ khâu kiểm phiếu. Ban kiểm phiếu phải là những người thật sự đáng tin cậy, tinh thần trách nhiệm cao đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành công tâm, minh bạch của cấp ủy để bảo vệ uy tín của đại hội và hơn hết là uy tín của Đảng.

Còn đó những băn khoăn

Tại một số đại hội cấp trên cơ sở cũng xảy ra tình huống bất ngờ, thậm chí được cho là bất thường, gây thắc mắc trong dư luận. Trong đó có việc công bố các quyết định chỉ định nhân sự chủ chốt tại đại hội. Việc một số đảng bộ không tiến hành bầu chức danh chủ chốt mà tại phiên họp lần thứ nhất của BCH khóa mới mới thực hiện việc chỉ định bí thư, phó bí thư, rồi công bố, trao quyết định tại đại hội, khiến đại biểu và đảng viên băn khoăn. Việc này đã diễn ra ở đại hội các đảng bộ: Huyện Càng Long (Trà Vinh); huyện Yên Lập, TP Việt Trì (Phú Thọ); huyện Bình Long (Bình Phước)... 

Lý do các cấp ủy đưa ra là do nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp tỉnh; việc điều động, luân chuyển, bổ nhiệm này đều bảo đảm đúng quy định Hướng dẫn của Trung ương. Tuy nhiên, không trái quy định không có nghĩa là nên làm. Sự việc xảy ra tại Thành ủy Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) mới đây là một bài học, khi chỉ khoảng hơn một tháng sau đại hội, Thành ủy tiếp nhận tới ba đồng chí vào vị trí người đứng đầu cấp ủy. Đúng quy trình, không sai quy định, nhưng đã thật sự đúng người? Đó là câu hỏi đặt ra khi Ban Tổ chức T.Ư yêu cầu xem xét việc chỉ định đồng chí Nguyễn Nhân Chinh tham gia BCH, BTV, giữ chức Bí thư Thành ủy, thì BTV Tỉnh ủy tiếp tục điều động đồng chí này sang vị trí Phó giám đốc một sở và thêm một lần nữa chỉ định Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh. 

Dư luận đặt ra câu hỏi: Có hay không tình trạng “né phiếu bầu” ở những trường hợp chỉ định như trên? Bởi công tác chuẩn bị nhân sự đại hội là hết sức công phu, cẩn trọng, là tổng kết nhân sự cả nhiệm kỳ trước, xây dựng phương án, đề án nhân sự nhiệm kỳ sau. Với quy trình thẩm định, thẩm tra, lấy phiếu tín nhiệm, phê duyệt theo đúng quy định của Đảng, để có tên trong danh sách nhân sự đại hội, bản thân mỗi cán bộ đều trải qua quá trình sàng lọc khắt khe. Kết quả cuối cùng được đo bằng sự tín nhiệm của đại hội. Trong một số trường hợp khác cũng tạo băn khoăn, đó là sau khi đại hội nỗ lực bầu ra đồng chí bí thư cấp ủy, hơn thế lại bầu trực tiếp tại đại hội, nhưng chỉ sau đại hội ít ngày, cấp trên điều chuyển đồng chí nhận nhiệm vụ khác. Điều này gây tâm lý cho cả nơi đồng chí đi và nơi đồng chí đến. Thiết nghĩ, các cấp ủy cần thực hiện việc bố trí, sắp xếp, phân công cấp ủy viên khóa mới ngay sau đại hội theo đúng phương án nhân sự đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo ý kiến một số chuyên gia, về công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị quy định rõ, kết hợp hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả việc chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ từ nơi khác đến. Các địa phương và ngành có cơ cấu cấp ủy viên, nhưng chưa chuẩn bị được nhân sự tại chỗ thì cấp ủy cấp trên điều động người đủ tiêu chuẩn từ nơi khác đến hoặc xem xét bổ sung sau đại hội. Dừng việc bổ sung cấp ủy viên và ủy viên BTV cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 trước sáu tháng tính đến thời điểm đại hội ở mỗi cấp; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhưng xem ra, quy định nêu trên đã được một số cấp ủy “vận dụng linh hoạt” để các “trường hợp đặc biệt” né được quy trình.

Ở một số địa phương, kết quả bầu BCH, BTV tại một số đại hội không đúng với đề án nhân sự do cấp ủy khóa cũ chuẩn bị và cấp ủy cấp trên phê duyệt, như tại các đại hội đảng bộ: Quận 7, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh); TP Châu Đốc (An Giang); TP Vũng Tàu, huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); Ba Tri (Bến Tre); TP Nha Trang (Khánh Hòa); huyện Đạ The, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng); huyện Tam Bình (Vĩnh Long); huyện Kế Sách, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng); quận Lê Chân, huyện Kiến Thụy, Cục Hải quan (Hải Phòng)… Tại Hà Nội, qua tất cả 50 đại hội cấp trên cơ sở, có 21 đồng chí tái cử không trúng cử BCH, trong đó có một phó bí thư huyện ủy, một ủy viên BTV; có ba đồng chí trúng cử BCH nhưng không trúng cử BTV khóa mới.

Vấn đề đặt ra là danh sách nhân sự đại hội đều trải qua quy trình năm bước theo quy định của Trung ương, nhưng vì sao nhiều đồng chí vẫn không trúng cử, trong đó có cả vị trí chủ chốt?  Nguyên nhân có nhiều, nhưng trong đó, uy tín cá nhân là yếu tố cơ bản. Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, trước những tình huống như vậy, quyền quyết định cao nhất là đại hội. Các đồng chí dự kiến vị trí chủ chốt không trúng cử thể hiện tín nhiệm không cao. Về nguyên tắc, phải tôn trọng kết quả đại hội, sau đó  xử lý như thế nào trong sắp xếp bộ máy thì BTV các cấp sẽ quyết định. Chung quan điểm nêu trên, Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long cho rằng, với những đồng chí uy tín giảm sút, ngay từ công tác chuẩn bị đại hội, cần gặp gỡ, trao đổi, vận động tuyên truyền. Tại TP Hải Dương, khi chuẩn bị đại hội cấp cơ sở, có trường hợp đề nghị nghỉ theo quy định, có trường hợp bố trí công tác khác, thậm chí vẫn tham gia dự đại hội nhưng sau đại hội sẽ phân công. Có những vị trí nhân sự chưa bảo đảm điều kiện sẽ bầu khuyết và sau đại hội, BTV sẽ xem xét để chỉ định bổ sung.

Trong khi đó, cũng có ý kiến nêu nguyên nhân từ sự mất đoàn kết nội bộ, phe cánh, vận động hoặc do sự sắp xếp nhân sự của cấp trên chưa phù hợp. Sự luân chuyển, điều động, tăng cường trong một số trường hợp mới chỉ quan tâm lợi ích của cán bộ, chưa vì sự phát triển hay nhu cầu của đơn vị, địa phương. Ở những nơi có biểu hiện như vậy, cấp chỉ đạo đại hội phải thật sự công tâm, tinh tường, nắm bắt được diễn biến để có phương án xử lý. Cán bộ, đảng viên cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tránh tình trạng khi thực hiện quy trình thì né tránh, nể nang, đồng ý cho qua chuyện nhưng khi đại hội diễn ra lại “bày tỏ” bằng lá phiếu. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát huy tinh thần dân chủ, tự phê bình và phê bình cũng là giải pháp ngăn ngừa lạm dụng quyền lực. 

Để làm tốt hơn nữa công tác cán bộ và tích cực, chủ động chuẩn bị nhân sự cấp ủy, bảo đảm cho sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp, các cấp ủy cần tiếp tục bám sát Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch nhưng phải thật sự đúng người, đúng việc, chú trọng cơ cấu, tiêu chuẩn và bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ, tạo tiền đề tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành phố và đảng ủy trực thuộc Trung ương, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. 

(Còn nữa)

----------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 26-8-2020.