Chuyện chiến sĩ cảnh sát giao thông cứu người

Trong quá trình làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực cầu Chương Dương (Hà Nội), mỗi khi nhận tin báo có người định nhảy cầu tự tử, những chiến sĩ Cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Phòng CSGT Hà Nội lập tức tiếp cận, kịp thời cứu người. 

Cảnh sát giao thông phối hợp với người dân ngăn chặn nam thanh niên (áo trắng) nhảy cầu tự tử.
Cảnh sát giao thông phối hợp với người dân ngăn chặn nam thanh niên (áo trắng) nhảy cầu tự tử.

Từ nhiều năm nay, tại khu vực cầu Chương Dương luôn có Tổ công tác CSGT của Ðội CSGT số 1 và Ðội CSGT số 5 (Phòng CSGT Hà Nội) thường trực hai bên cầu. Ở tổ công tác này, ngoài nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, xử lý các vi phạm về giao thông, các chiến sĩ có nhiệm vụ đặc biệt khác, đó là cứu người có ý định nhảy cầu tự tử. Thượng úy Phan Ðức Hùng, đang công tác tại Ðội CSGT số 5 (Phòng CSGT Hà Nội) nhiều năm làm việc tại tổ công tác "đặc biệt" ấy. Anh Hùng đã tám lần cứu người nhảy cầu.

Thượng úy Hùng kể lại lần cứu người đáng nhớ nhất, khoảng hơn 19 giờ một ngày tháng 2-2019, lượng phương tiện di chuyển qua cầu Chương Dương đông đúc, anh và đồng đội đang tập trung điều tiết, phân luồng giao thông thì nhận tin báo từ quần chúng có một người phụ nữ sắp nhảy cầu. Khi anh Hùng cùng đồng đội tới nơi, thấy người phụ nữ đứng ở lan-can cầu, trên tay cầm chiếc kéo nhọn dí vào cổ. "Tình hình lúc ấy rất căng thẳng, chỉ sơ suất là sẽ không kịp để cứu người, tôi cùng một chiến sĩ trong đội liên tục thuyết phục người phụ nữ này trong hơn nửa giờ", Thượng úy Hùng kể lại. Tuy nhiên, bất chấp những lời động viên của các chiến sĩ CSGT, người phụ nữ cương quyết không bỏ chiếc kéo nhọn khỏi tay và nhìn rất lâu xuống dòng nước xiết. Bằng biện pháp nghiệp vụ tinh tế, lợi dụng khoảnh khắc người phụ nữ không chú ý, Thượng úy Hùng nhanh chóng tiếp cận, tước chiếc kéo khỏi tay và cùng đồng đội kéo người phụ nữ vào khu vực an toàn. Trong quá trình ấy, anh Hùng bị kéo cứa vào tay rướm máu, bộ quân phục cũng rách nhiều chỗ. Hùng cùng đồng đội đưa cô gái về trụ sở Ðội CSGT số 1. Gần đây nhất, khoảng 10 giờ 30 phút ngày 10-7, khi đang làm nhiệm vụ tại phía bắc cầu Chương Dương, Thượng úy Phan Ðức Hùng cùng Thượng úy Nguyễn Quang Vinh (Ðội CSGT số 5) tiếp tục cứu nam thanh niên N.N.L (SN 1985, ở tỉnh Nam Ðịnh) định tự tử tại nhịp cầu số 7 trên cầu Chương Dương. Sau khi đưa L về trụ sở đội, tổ công tác đã liên hệ được người nhà đến đón L.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng Tổ hành chính, Ðội CSGT số 1, hơn hai năm, đã trực tiếp và cùng đồng đội tham gia cứu người năm lần. Anh Tiến kể: "Vào tháng 9-2018, tôi cứu một cậu thanh niên người dân tộc thiểu số xuống Hà Nội làm thuê cho một chủ nhà nghỉ; vì bị chủ nhà nghi ngờ trong vấn đề tài chính, thanh niên này đã chọn cách tự tử để chứng minh sự trong sạch của bản thân. Sau khi đưa được người về trụ sở đội an toàn, việc liên lạc cho người thân đến đón gặp khó khăn vì họ không nói được tiếng Kinh. Khi có thông tin người này ở tận Hà Giang, cán bộ xã ở địa phương nơi nam thanh niên cư trú phải đi hơn một giờ từ UBND xã vào bản để liên hệ người nhà. Sau khi tìm được người thân, nghe lời khuyên nhủ, nam thanh niên này đã từ bỏ ý định tự tử".

Trong đợt giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, khi đang chỉ huy chốt chống dịch tại đầu cầu Long Biên, Thiếu tá Tiến nhận được yêu cầu hỗ trợ từ chính gia đình của người định tự tử. Theo đó, một người đàn ông trung niên do buồn việc gia đình đã uống thuốc ngủ rồi lên cầu Long Biên để tự tử. Khi Thiếu tá Tiến đến nơi, phát hiện người đàn ông này đã leo xuống dầm cầu bên dưới đường ray, người thân không dám lại gần. "Khi tôi đến nơi, người đàn ông đã bắt đầu dấu hiệu ngấm thuốc, có thể ngã xuống sông bất cứ lúc nào. Không thể chờ cứu hộ, tôi leo ra lan-can, đi men theo các thanh giằng tiếp cận đối tượng, che chắn toàn bộ hướng có thể ngã xuống sông", Thiếu tá Tiến nhớ lại. Sau khi trấn an được người đàn ông, Thiếu tá Tiến phối hợp các chiến sĩ cảnh sát cơ động cùng người thân đưa về chốt y tế, kiểm tra y tế rồi đưa vào bệnh viện để chăm sóc sức khỏe.

Chuyện cứu người định nhảy cầu Chương Dương hay cầu Long Biên gần như đã là một nhiệm vụ gắn liền với công việc của những chiến sĩ thuộc Ðội CSGT số 5 và Ðội CSGT số 1. Thiếu tá Phạm Ðức Hoàng, Ðội trưởng CSGT số 1 cho biết, đơn vị luôn động viên chiến sĩ cố gắng phát huy tinh thần trách nhiệm, khi nhận được tin báo có người nhảy cầu cần có sự ứng biến linh hoạt, bảo đảm an toàn cho đối tượng và lực lượng giải cứu. Vận động, thuyết phục là biện pháp thường được sử dụng đầu tiên. Ngoài ra, sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân tại hiện trường là điều kiện quan trọng giúp công tác cứu người thành công.