Chuyển biến sau sáp nhập đơn vị hành chính ở Điện Biên

Sau hơn một năm thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết 815/NQ-UBTVQH14 ngày 21-11-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khóa XIV, bước đầu tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hạ tầng nông thôn các địa phương điều chỉnh, sáp nhập được đầu tư đồng bộ, khang trang; đời sống nhân dân các dân tộc được cải thiện đáng kể; nhân dân thêm tin tưởng vào chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.

Công chức bộ phận một cửa xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Công chức bộ phận một cửa xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Băn khoăn người trong cuộc

Trở lại xã Nà Tấu vào ngày đầu xuân mới khi hoa mơ, hoa mận nở trắng các sườn đồi, tôi có cảm giác như lạc vào xứ sở hoa. Xen giữa lớp lớp màu hoa tinh khôi, thuần khiết là những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đen càng làm tôn cảnh đẹp riêng nơi miền sơn cước. Đưa chúng tôi đi trên con đường bê-tông dẫn qua các bản Nà Tấu, Hua Luống, Nà Tấu 2, Hua Rốm, Bí thư Đảng ủy xã Nà Tấu Mùa A Kềnh vui vẻ cho biết: Có sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Điện Biên Phủ; sự hỗ trợ nhiệt tình từ các phòng, ban chuyên môn thành phố và tinh thần làm việc trách nhiệm của cán bộ, công chức xã, khó khăn bước đầu khi điều chuyển từ huyện Điện Biên về TP Điện Biên Phủ đã dần qua. Đội ngũ cán bộ, công chức xã bắt nhịp công việc nhanh, giải quyết kịp thời các việc liên quan thủ tục hành chính cho nhân dân rất khẩn trương, chính xác. Từ đó, nhân dân thêm tin tưởng, ủng hộ.

Trở lại thời điểm cuối năm 2018 khi Nà Tấu cùng ba xã khác là Pá Khoang, Mường Phăng, Nà Nhạn (còn thuộc huyện Điện Biên) bắt đầu tổ chức lấy ý kiến nhân dân về chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính từ huyện Điện Biên để sáp nhập về TP Điện Biên Phủ, không riêng một bộ phận nhân dân mà ngay cả đồng chí Mùa A Kềnh (ngày đó là Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng) cũng không tránh khỏi băn khoăn, lo lắng. Ngày ấy đồng chí Mùa A Kềnh thẳng thắn tâm sự: Không riêng nhân dân, mà chính tôi cũng khá băn khoăn. Nhiều lần tôi đã tự hỏi: “Rồi đây các thủ tục đổi chứng minh thư, sổ hộ khẩu thế nào? Bao lâu sẽ làm xong?”. Về chuyên môn, điều làm tôi lo lắng nhất đấy chính là thực tế cả bốn xã có chủ trương sáp nhập đều là các xã thuần nông, 99% số dân làm nông nghiệp. Vậy khi chuyển về thành phố lại không có Phòng Nông nghiệp, rồi đây việc triển khai nhiệm vụ nông nghiệp của các xã sẽ thế nào? Thêm vào đó, là năng lực một bộ phận cán bộ, công chức xã còn hạn chế, liệu có bắt nhịp công việc? Khả năng ứng dụng máy móc, công nghệ thông tin của cán bộ, công chức xã nhiều hạn chế trong khi ở thành phố đã thực hiện trao đổi công việc, điều hành chuyên môn qua mạng nội bộ lâu rồi. 

Chung băn khoăn như đồng chí Mùa A Kềnh, song đồng chí Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ Điện Biên - đơn vị được UBND tỉnh Điện Biên giao tham mưu chính trong xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính tại huyện Điện Biên, TP Điện Biên Phủ và thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa), còn nặng lòng những âu lo. Trở về sau chuyến công tác làm việc với Bộ Nội vụ vào ngày 5-9-2019, đồng chí Lê Hữu Khang, đã cởi mở trao đổi thông tin cho các cơ quan báo chí, với mong muốn cùng hỗ trợ tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bởi, như điều đồng chí Lê Hữu Khang trao đổi thì sáp nhập, điều chỉnh lần này tại Điện Biên là việc quan trọng và khó. Cái khó ở đây chính là, cùng lúc điều chuyển địa giới hành chính, dân số bốn xã thuộc huyện Điện Biên (Mường Phăng, Nà Tấu, Nà Nhạn, Pá Khoang) về TP Điện Biên Phủ; điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của hai xã Thanh Luông, Thanh Hưng thuộc huyện Ðiện Biên vào TP Ðiện Biên Phủ quản lý. Tại huyện Tủa Chùa thì điều chỉnh 11,91 km2 diện tích tự nhiên, 4.255 người thuộc 14 thôn, bản của xã Mường Báng  vào thị trấn Tủa Chùa, chắc chắn khó tránh khỏi xáo trộn tâm tư, tình cảm nhân dân. Cùng thời điểm sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết 815 của Ủy ban TVQH, TP Điện Biên Phủ còn đồng thời tiến hành sáp nhập hai xã Thanh Minh, Tà Lèng thành một xã Thanh Minh, cho nên đây cũng là việc rất nhạy cảm. “Thường thì tách ra thuận bao nhiêu khi nhập lại khó bấy nhiêu. Việc rất khó, cần phải làm thận trọng!” - đồng chí Lê Hữu Khang nói thêm.

Theo đúng phương châm “thận trọng, chắc chắn”, trước khi trình các cấp thông qua đề án sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã tại Điện Biên, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo, các địa bàn dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính, dân số phải tổ chức lấy ý kiến của nhân dân; giải thích để nhân dân hiểu điều chỉnh là cần thiết phục vụ sự phát triển chung của địa phương nên rất cần nhân dân ủng hộ, tin tưởng. 

Niềm vui hiện diện các xã nghèo

Băn khoăn, lo lắng của cán bộ, nhân dân các xã sáp nhập rồi cũng qua. Nhất là từ sau ngày 2-1-2020 khi UBND thành phố Điện Biên Phủ công bố quyết định sáp nhập bốn xã: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng, Pá Khoang về thành phố thì mọi việc cứ băng băng vào “guồng”. 

Theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Điện Biên Phủ, ngay trong quý I-2020, thành phố trang bị hệ thống máy tra cứu thông tin, máy tính, máy in phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho bốn xã. Các đồng chí lãnh đạo UBND thành phố luân phiên về từng xã thị sát, nắm tâm tư, kiến nghị của cán bộ, công chức và nhân dân, chủ động đề xuất biện pháp tháo gỡ. Ngay sau đó, UBND thành phố đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn rà soát nguồn vốn để bổ sung kịp thời cho các xã đang tập trung thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM), với quyết tâm “không để xã nào chậm trễ mục tiêu đã đặt ra”. Cũng ngay khi sáp nhập về thành phố, công tác thu gom, xử lý rác thải của bốn xã được điều chỉnh ngay với lịch trình ấn định. Cứ hai ngày, Công ty Môi trường đô thị về thu gom, xử lý một lần thay cho cách làm trước đây là tự xã nào xã ấy xử lý nên nhiều nơi luôn có tình trạng rác ùn ứ vừa không bảo đảm mỹ quan vừa gây ô nhiễm môi trường.

Nói về những đổi thay hôm nay ở Nà Tấu, Bí thư Đảng ủy xã Mùa A Kềnh chủ động tóm lược kết quả chung các chỉ tiêu chính là đích về chương trình xây dựng NTM. Năm 2020, Nà Tấu chính thức được UBND tỉnh Điện Biên công nhận xã đạt chuẩn NTM với toàn bộ chỉ tiêu đạt và vượt. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn dưới 8%. Những tháng đầu năm 2021, nhờ sự hỗ trợ vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân dân ba phường Thanh Bình, Noong Bua, Thanh Trường và Trường THPT Nà Tấu, toàn xã đã có thêm bảy gia đình làm được nhà ở kiên cố, mua sắm thêm vật dụng thiết yếu. Cũng từ khi sáp nhập về thành phố, ý thức của người dân với việc quản lý các công trình giao thông nông thôn đổi thay rõ rệt. Nhân dân năm bản, gồm: Cang, Hua Luống, Lán Yên, Nà Luống, Nà Tấu 2 mạnh dạn đăng ký tự quản đoạn đường từ bản Cang đi về các bản. Nhân dân tám bản: Cang, Tà Cáng, Phiêng Ban, Nà Cái, Nà Luống, Hua Luống, Nà Tấu 2, Hua Rốm góp sức xây dựng nhà văn hóa, đồng thời nhận trách nhiệm tự quản nhà văn hóa để sử dụng chung các hoạt động cộng đồng.

Sau hơn một năm sáp nhập về TP Điện Biên Phủ, mùa xuân Tân Sửu này, người dân các bản Nà Pen 1, Nà Pen 2 xã Nà Nhạn mừng vui khôn xiết khi chứng kiến con đường gần 10 km từ trung tâm xã về hai bản dần hoàn thành. Anh Vàng A Tống, bản Nà Pen 2 phấn khởi khoe: Hai năm trước, hai bản này thường được nhắc đến là các bản “nhiều không”, vì đường về bản gập ghềnh nên kéo theo không điện, không nước; trường học tạm bợ. Nay được sự quan tâm của các cấp, đặc biệt từ khi sáp nhập về thành phố bản Nà Pen 2 được đầu tư thêm. Điện được kéo về thắp sáng bản; nước sinh hoạt cũng được đầu tư. Vui nhất là con đường mới giúp người dân đi lại thuận tiện. Từ ngày có đường mới, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư vốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh tế gia đình dần cải thiện. Theo anh Mùa A Minh, Trưởng bản Nà Pen 1 thì cả bản có 123 gia đình với gần 670 nhân khẩu giờ đã có hàng chục gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi trâu bò và nuôi cá. Các gia đình khó khăn cũng nỗ lực vươn lên chứ không trông chờ ỷ lại như trước. Năm 2020 bản Nà Pen 1 có gần mười hộ thoát nghèo; 100% trẻ em trong bản đều đến trường.

Ưu tiên tháo gỡ vướng mắc

Đồng chí Hà Quang Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Điện Biên Phủ chia sẻ: Thực tế cho thấy, sau hơn một năm tiếp quản bốn xã và sáp nhập hai xã là chủ trương đúng đắn, góp phần nâng cao tiêu chí đô thị, đồng thời sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, phù hợp quy hoạch của tỉnh, của thành phố. Đến cuối năm 2020, thành phố đánh giá có ba trong bốn xã mới sáp nhập đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Riêng xã Pá Khoang hoàn thành 11 trong số 19 tiêu chí. Vì vậy, thời gian tới thành phố tiếp tục quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống người dân tại xã Pá Khoang nói riêng và bốn xã mới sáp nhập nói chung. Quá trình triển khai, địa phương sẽ ưu tiên kinh phí xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các xã, phường.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Điện Biên Phủ Lê Minh Tú cho biết: Sau sáp nhập, UBND xã Thanh Minh (mới) có tổng số 39 cán bộ, công chức, trong đó dôi dư 21 người. Để giải quyết tồn tại này, UBND thành phố đã điều động, luân chuyển và giải quyết nghỉ hưu, nghỉ việc đối với sáu người trong năm 2020 và 15 người tiếp tục được giải quyết sắp xếp bố trí trong 5 năm tiếp theo. 

Tại huyện Tủa Chùa, với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là “điều chỉnh nhưng không gây xáo trộn”, không làm thay đổi tổ chức bộ máy đối với thị trấn Tủa Chùa, xã Mường Báng, UBND huyện quyết định trước mắt vẫn giữ nguyên hiện trạng đội ngũ cán bộ, công chức hai đơn vị rồi sau đó lập kế hoạch sắp xếp, điều chuyển dần sao cho phù hợp nguyện vọng, điều kiện của cán bộ, công chức diện sắp xếp. Riêng về cơ sở hạ tầng, UBND huyện Tủa Chùa chỉ đạo tiếp tục sử dụng, bảo quản cơ sở vật chất cũ cho đến khi UBND huyện bố trí được kinh phí xây dựng cơ sở mới chứ không thay bỏ ngay sau khi điều chỉnh.

Khẳng định kết quả đạt được sau sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính ở Điện Biên đạt được như thời gian qua là nỗ lực chung của các cấp, các ngành, song đồng chí Lê Hữu Khang nhấn mạnh: Quan trọng ở đây là sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân các dân tộc tại các địa bàn thực hiện điều chỉnh. Nhờ có sự ủng hộ của nhân dân cho nên khó khăn sẽ từng bước được tháo gỡ.