Cấp ủy và việc chỉnh đốn trật tự xây dựng ở TP Hồ Chí Minh

Trước tình hình vi phạm trật tự xây dựng, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 25-7-2019 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Chỉ thị này bước đầu đã phát huy được hiệu quả, tình trạng xây dựng không phép, sai phép đã giảm đáng kể.

Một công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh bị cơ quan chức năng xử lý.
Một công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh bị cơ quan chức năng xử lý.

Thực trạng và nguyên nhân

Theo đánh giá của Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng và bồi thường, giải phóng mặt bằng những năm qua tại thành phố tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng còn nhiều bất cập. Trong đó, công tác quản lý trật tự xây dựng còn nhiều yếu kém, tình trạng công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, không bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, không đúng thiết kế xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều công trình đã bị xử lý vi phạm nhưng vẫn tiếp tục thi công, hoặc đã bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn để tồn tại, không có biện pháp khắc phục hậu quả. Việc xử lý các công trình vi phạm, khắc phục sai phạm và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan chưa kịp thời, chưa nghiêm.

Báo cáo của Ban cán sự đảng UBND thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong năm 2017, 2018 và sáu tháng đầu năm 2019, tổng số công trình xây dựng không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố là 2.573 trường hợp, chiếm tỷ lệ 73,5% trên tổng số công trình xây dựng không phép; chiếm 37,6% tổng số công trình vi phạm. Tình hình vi phạm trật tự xây dựng phần lớn là ở các công trình không phép (chiếm 51,2% trên tổng số vi phạm xây dựng), tập trung nhiều ở ngoại thành, địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao như: quận 2, 12, Bình Tân, Củ Chi, Bình Chánh. Các hành vi vi phạm phổ biến là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được cấp phép xây dựng, người dân tự ý phân lô bán nền nhằm xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, dẫn tới phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát, không có hạ tầng đồng bộ, không dịch vụ, tiện ích, gây mất an ninh, trật tự.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trong đó có nguyên nhân là do một số cấp ủy đảng chưa xây dựng và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng và chấn chỉnh những yếu kém, bất cập trong lĩnh vực này. Một số quận ủy, huyện ủy, ủy ban kiểm tra quận ủy, huyện ủy chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng và bồi thường, giải phóng mặt bằng; chưa phát huy tốt vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội, nhất là ở cơ sở, địa bàn dân cư. Một số quận, huyện chưa tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm dư luận phản ánh, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, cho nên những khuyết điểm, sai phạm không được phát hiện, uốn nắn, khắc phục, xử lý kịp thời, làm cho dư luận và nhân dân bức xúc...

Cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc

Ngày 25-7, Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Theo đó, Thành ủy thành phố yêu cầu cấp ủy quận, huyện, phường, xã quán triệt tới từng đảng viên chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép, sai phép. Đảng viên cam kết không vi phạm quy định về đất đai, quy hoạch, xây dựng. Nếu không cam kết thì cấp ủy bố trí công tác khác đối với cán bộ này. Phường, xã, thị trấn nào để xảy ra tình trạng xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng đó không được công nhận trong sạch, vững mạnh. Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hằng tháng, Thành ủy chỉ đạo lãnh đạo chính quyền và cấp ủy quận, huyện, phường, xã phải tổ chức giao ban chuyên đề về lập lại trật tự xây dựng, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, xử lý kịp thời cán bộ, công chức vi phạm. Huyện Bình Chánh là địa phương nhiều năm qua xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng nặng nề.

Sau khi Chỉ thị 23 được ban hành, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Chánh đã kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức khiển trách đối với Đảng ủy xã Vĩnh Lộc A, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (giai đoạn từ tháng 9-2016 đến tháng 3-2019) và Đảng ủy Đội Thanh tra địa bàn huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 (giai đoạn từ tháng 9-2016 đến tháng 3-2019); phê bình rút kinh nghiệm đối với bốn tổ chức đảng; thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo đối với đảng viên Nguyễn Thanh Phương, Bí thư Đảng ủy, Đội trưởng Đội Thanh tra địa bàn huyện; thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức khiển trách đối với ba cán bộ lãnh đạo thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường, xã Vĩnh Lộc A, Phòng Quản lý đô thị...

Thành ủy chỉ đạo, bố trí lại cán bộ, công chức ở phường, xã, quận, huyện có nhiều sai phạm, uy tín thấp. UBND quận, huyện rà soát tất cả các hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, hướng dẫn người dân làm đúng pháp luật và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đúng pháp luật. Thành phố chỉ đạo và hỗ trợ các quận, huyện trong năm 2019 triển khai hệ thống trực tuyến ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân, trong đó có vi phạm trật tự xây dựng qua tin nhắn theo mô hình “Bình Thạnh trực tuyến”, “Hóc Môn trực tuyến”, bảo đảm tất cả các sai phạm về trật tự xây dựng được người dân phản ánh đều được xử lý từ hai giờ đến hai ngày. Đồng thời, UBND thành phố tổ chức hội nghị “Lập lại trật tự xây dựng trên toàn thành phố” để đánh giá nguyên nhân, hậu quả và đề xuất giải pháp xử lý xây dựng không phép, trái phép giai đoạn từ 2016 - 2019. Thời gian tới, các giải pháp của thành phố bảo đảm mục tiêu chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép trước đại hội đảng bộ cấp quận, huyện (tháng 6-2020).

Thực tế ghi nhận, sau khi Chỉ thị số 23-CT/TU được ban hành, tất cả các quận, huyện đã nhanh chóng phổ biến và đưa ra nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh vi phạm trật tự xây dựng. Điển hình như huyện Hóc Môn, Huyện ủy yêu cầu tất cả các đảng viên thuộc Đảng bộ huyện cam kết không vi phạm về quy định quản lý hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm trong quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện. Huyện cũng đề ra các giải pháp bảo đảm tất cả các công trình có giấy phép khi khởi công phải đủ điều kiện; tất cả các công trình khi khởi công xây dựng phải được kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm và phải xác định trách nhiệm cụ thể để xử lý nghiêm theo quy định. Đến nay, toàn bộ hơn 5.000 đảng viên của Đảng bộ huyện Hóc Môn đã ký cam kết không vi phạm xây dựng. Theo đồng chí Nguyễn Cư, Bí thư Huyện Ủy Hóc Môn, qua thực hiện, không có đảng viên nào vi phạm cam kết, nhưng còn vi phạm trong thực thi công vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Các trường hợp chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chậm phát hiện và không xử lý kịp thời vi phạm xây dựng đều bị xử lý nghiêm.

Tại quận 3, Bí thư Quận ủy Trần Trọng Tuấn cho biết: Quận đã triển khai Chỉ thị 23 từ cấp ủy đảng đến từng chi bộ khu phố. Bên cạnh đó, quận 3 sẽ tăng cường cải cách hành chính ở lĩnh vực xây dựng để đạt hiệu quả quản lý Nhà nước, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng; triển khai thí điểm công khai thông tin các tuyến phố, ô phố đủ điều kiện miễn cấp phép xây dựng để người dân được biết.

Các địa phương khác của thành phố như quận 11, quận 9, quận 2, quận Thủ Đức... đều triển khai các biện pháp quyết liệt như điều động, bố trí thay thế cán bộ chuyên ngành nếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép trước đại hội đảng bộ quận, huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025.