Bốn trọng tâm ở Bắc Kạn

Thời gian qua, Bắc Kạn đề ra và thực hiện bốn chương trình trọng tâm, gồm: nâng cao chất lượng cán bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao đời sống nhân dân và phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đạt thành công bước đầu từ cách làm đúng, tỉnh tiếp tục đề ra “bốn trọng tâm” mới cho giai đoạn tới nhằm sớm đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Kết cấu hạ tầng giao thông của Bắc Kạn đang có bước đột phá. Trong ảnh: Một cầu cạn trên đường tiền cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn.
Kết cấu hạ tầng giao thông của Bắc Kạn đang có bước đột phá. Trong ảnh: Một cầu cạn trên đường tiền cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn.

Những đột phá

Bắc Kạn là một trong những tỉnh tiên phong thực hiện tinh gọn bộ máy. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nông Quang Nhất cho biết, sau sáp nhập, Sở đã giảm 12 phòng chuyên môn; sáp nhập Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi vào Trung tâm Khuyến nông; hợp nhất, chuyển các trạm chăn nuôi và thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông về các huyện. Sau sắp xếp đã giảm 58 biên chế, tiết kiệm cho ngân sách hơn 600 triệu đồng mà vẫn bảo đảm chất lượng công việc. 

Từ năm 2017 đến nay, Bắc Kạn đã giảm 108 đầu mối, 32 trưởng phòng và tương đương ở cơ quan cấp tỉnh; các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 58 đơn vị, 69 phòng chuyên môn, 18 cấp trưởng và phó phòng, 15 vị trí kế toán... Hàng trăm thôn, bản không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định cũng đã hoàn thành sáp nhập. Sau tinh gọn, đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn giảm 1.207 người; cấp thôn, tổ giảm 12.813 người, tiết kiệm hơn 22 tỷ đồng/năm. Sau sắp xếp các xã, phường, thị trấn, Bắc Kạn còn 108 đơn vị hành chính xã, giảm được 14 đơn vị.  

Bắc Kạn là một trong những tỉnh đầu tiên sát hạch để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Quy định về bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý gồm năm bước, tỉnh thống nhất đề ra thêm bước sáu là sát hạch. Mỗi vị trí có ít nhất từ ba ứng cử viên trở lên. Các ứng viên viết bài tự luận kiến thức chung, trình bày chương trình hành động, trả lời câu hỏi của các thành viên hội đồng tư vấn. Hội đồng tư vấn chấm điểm, bỏ phiếu kín, họp thống nhất chọn nhân sự, trình ban thường vụ xem xét, quyết định.
 
Năm 2020, đồng chí Hứa Xuân Bình tham gia sát hạch bổ nhiệm vào chức vụ Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đồng chí cho biết, việc sát hạch rất công bằng, bảo đảm khách quan cho các ứng viên. Ứng viên có cơ hội thể hiện sự hiểu biết của bản thân và khả năng thuyết trình. Từ năm 2016 đến nay, Bắc Kạn đã có hơn 2.000 lượt cán bộ được giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Đối với các chức danh lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có 113 lượt cán bộ, công chức, viên chức được giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm, điều động, trong đó tỉnh đã thành lập 22 lượt hội đồng tư vấn xem xét đối với 114 ứng viên. Đồng thời, tỉnh cũng xử lý, giải quyết phù hợp 82 trường hợp cán bộ chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy trình. 

Hơn ba năm qua, mô hình cấp nhanh chứng minh nhân dân (CMND) của Công an Bắc Kạn được người dân đánh giá cao. Thứ tư hằng tuần, người dân có nhu cầu, chỉ sau 120 phút là được cấp kể từ thời điểm nộp đủ hồ sơ mà không mất thêm chi phí. Công an Bắc Kạn triển khai việc cấp CMND tại nhà cho những trường hợp có hoàn cảnh đau, yếu… Từ năm 2011 đến nay, Bắc Kạn đã rà soát 3.076  thủ tục hành chính, qua đó kiến nghị đơn giản hóa 329 thủ tục. Tháng 8-2019, tỉnh đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào hoạt động, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Các huyện, thành phố đều triển khai bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại trong giải quyết thủ tục hành chính.

Cụ thể hóa bốn trọng tâm, Bắc Kạn đã ban hành nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu. Đi đôi với đó là những hành lang pháp lý, cơ chế giám sát từ xa, như: sinh hoạt chính trị tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa; quy định về trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu; quy định về trách nhiệm công khai xin lỗi của cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính… Lần đầu tiên tỉnh ban hành các nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách cụ thể về phát triển nông nghiệp hàng hóa, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, giảm nghèo… Từ bốn trọng tâm, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh đã khởi sắc.  
 
Hiệu quả

Trước đây, thu hút đầu tư và hạ tầng giao thông kém là “nút thắt” cản trở sự phát triển của Bắc Kạn. Nhưng nhờ chất lượng đội ngũ cán bộ nâng lên, thủ tục hành chính giảm, trách nhiệm của người đứng đầu được nâng cao nên lĩnh vực này của tỉnh đã có bước tiến vượt bậc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên cho biết, năm 2020, thu hút đầu tư của tỉnh đạt hơn 2.400 tỷ đồng, gấp ba lần so với những năm trước đây. Giải phóng mặt bằng vốn trì trệ, kéo dài thì nay, nhiều dự án được sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm đã thay đổi hẳn. Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 3B, đoạn Xuất Hóa (Bắc Kạn) đi cửa khẩu Pò Mã (Lạng Sơn), đã được quyết liệt giải phóng mặt bằng nên trở thành một trong những dự án có tiến độ giải ngân và thi công tốt nhất của Bộ Giao thông vận tải trong năm 2020. 

Bắc Kạn đã triển khai, thi công xong đường Thái Nguyên - Chợ Mới với tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Ba năm gần đây, tỉnh cải tạo nâng cấp quốc lộ 3B đoạn Xuất Hóa đi cửa khẩu Pò Mã; cải tạo, nâng cấp các tỉnh lộ 255 nối Tuyên Quang, 258B, 254… với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Bắc Kạn sẽ thi công đường cao tốc từ Chợ Mới đến TP Bắc Kạn và đường từ TP Bắc Kạn đi hồ Ba Bể. Hai tuyến đường mới này được đánh giá sẽ “mở” cánh cửa phát triển du lịch vốn nhiều tiềm năng của tỉnh. 

Chúng tôi tới thăm nhà máy chế biến mơ quả, gừng xuất khẩu của Công ty Misaki Việt Nam (liên danh với Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Thanh Bình. Giám đốc Hoàng Thị Lập cho biết, mỗi năm công ty tiêu thụ hơn 1.000 tấn mơ quả cho người dân, chế biến sản phẩm xuất khẩu. Công ty đang tiếp tục mở rộng chế biến thêm nhiều loại rau, quả khác. Việc tiêu thụ rất thuận lợi vì nhà máy nằm ngay trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới, đưa hàng về Hà Nội để xuất khẩu cũng chỉ mất hơn một giờ đồng hồ. Từ khi đường Thái Nguyên - Chợ Mới đi vào khai thác, tỷ lệ khách du lịch đến tham quan hồ Ba Bể đã tăng gấp hai lần. Riêng năm 2018, đón 75 nghìn lượt khách, trong đó, khách quốc tế chiếm 15%; năm 2019 tăng lên khoảng 100 nghìn lượt. 

Những đề án, chương trình cụ thể hóa trọng tâm về sản xuất nông nghiệp đã khơi dậy tiềm năng cho nhiều vùng đất nghèo “kinh niên”. Năm 2016, Bắc Kạn mời Tiến sĩ Trần Văn Ơn, chuyên gia OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đến diễn giải, định hướng, góp ý triển khai. Đến nay, chương trình OCOP đã tạo làn gió mới trong kinh tế nông thôn. Số lượng sản phẩm đăng ký đánh giá xếp hạng OCOP tăng nhanh với 118 sản phẩm, trong đó, 22 sản phẩm nâng hạng sao và 96 sản phẩm mới. Có chín nông sản đã ký hợp tác tiêu thụ thông qua hệ thống 17 siêu thị ở khu vực phía bắc; hàng trăm sản phẩm được thị trường ngoài tỉnh ưa chuộng. Năm 2020, lần đầu tiên Bắc Kạn xuất khẩu sản phẩm miến dong sang thị trường châu Âu. Tỉnh thành lập 186 HTX, doanh thu bình quân hơn 620 triệu đồng/HTX/năm. Nhờ sản xuất theo chuỗi giá trị, có khoảng 54% tổ chức kinh tế tăng doanh thu từ 1,2 đến 1,4 lần; 27% tăng doanh thu từ 1,5 đến hai lần và gần 20% có doanh thu gấp hơn hai lần.

Để nâng cao đời sống nhân dân, Bắc Kạn đã nỗ lực xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó, đưa điện về các thôn chưa có điện là một kỳ tích. Từ nguồn lực trung ương, tỉnh đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng đưa điện về 269 thôn, bản với 8.792 hộ hưởng lợi, đưa tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lên hơn 97%. Có điện, đường, trường, trạm, lại được hỗ trợ, định hướng phát triển sản xuất nên đời sống nhân dân đã nâng lên đáng kể. Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Lưu Quốc Trung cho biết, nhờ chính sách đúng của tỉnh, Ba Bể đã hoàn thiện khá tốt kết cấu hạ tầng, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất sản phẩm OCOP, như: bí xanh thơm, rau bò khai gắn với phát triển du lịch… Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã tăng lên, Ba Bể đã ra khỏi danh sách những huyện nghèo nhất nước (huyện 30a). 

Giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Bắc Kạn đạt 6,6%; GRDP đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt hơn 37 triệu đồng, tăng 1,8 lần (tăng hơn 16 triệu đồng) so với năm 2015; thu ngân sách tăng bình quân 5,4%/năm. Theo công bố Chỉ số xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT-Index) của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam, Bắc Kạn đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng ICT-Index của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 10 bậc so với năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 17%. 

Bốn trọng tâm mới

Đánh giá về cơ hội, thách thức trong 5 năm tới, Tỉnh ủy Bắc Kạn nhận định, với những nền tảng về xây dựng Đảng, chính quyền và hạ tầng kinh tế, xã hội đã, đang đầu tư sẽ phát huy được tiềm năng trong nhiệm kỳ tới, tạo tiền đề cho phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tỉnh sẽ đối mặt nhiều khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp, công tác chỉ đạo, điều hành năng động, sáng tạo. Trong đó, chủ chốt là khai thác các tiềm năng, thế mạnh; kiên trì khâu đột phá là công tác cán bộ. 

Để xác định những trọng tâm mới, Bắc Kạn đã đổi mới cách dự báo, xây dựng mục tiêu. Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã được Bắc Kạn tập trung huy động trí tuệ, ý kiến đóng góp xây dựng. Thay vì để Ban Chấp hành khóa mới xây dựng chương trình hành động, việc này đã được Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2015 - 2020 thực hiện thống nhất từ cấp huyện trở lên. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã được xây dựng công phu, lấy ý kiến của tất cả các ngành, địa phương từ đầu năm 2020. Bốn trọng tâm mới được Bắc Kạn xác định cho giai đoạn 2020 - 2025, gồm: nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tạo chuyển biến căn bản trong công tác cán bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản.  

Bắc Kạn phấn đấu nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,8-7%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt hơn 55 triệu đồng; có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành cơ bản đường giao thông phục vụ du lịch, gồm: quốc lộ 3 mới từ Chợ Mới đến TP Bắc Kạn và từ TP Bắc Kạn đi hồ Ba Bể; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 2,5%, huyện nghèo giảm từ 3,5-4%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 45%; mỗi năm kết nạp mới từ 1.400 đảng viên trở lên, 100% chi bộ sinh hoạt độc lập… 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn nhiệm kỳ 2015 - 2020 Hoàng Duy Chinh cho biết, dự kiến bốn trọng tâm mới đã kế thừa, củng cố, phát huy thành công từ bốn trọng tâm trước. Đồng thời cũng đề ra trọng tâm mới đang có tiềm năng, cơ hội rất lớn của Bắc Kạn đó là khai thác hiệu quả kinh tế du lịch, làm động lực thúc đẩy những ngành kinh tế khác. Để làm tốt những nhiệm vụ đó, cần thực hiện hiệu quả công tác cán bộ theo phương châm “cán bộ là gốc của mọi công việc”, ban hành những nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể gắn với tiềm năng, thế mạnh địa phương; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để quyết tâm đưa Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững.