Bố trí, sử dụng cán bộ khi hợp nhất đơn vị cấp xã

Nhiều địa phương đang triển khai, thực hiện chủ trương, quy định của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Thực tế khẳng định, việc làm này sẽ tạo sự thay đổi tích cực, phát huy nguồn lực, tiềm năng phát triển của địa phương, giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế...

Kinh nghiệm cho thấy, lộ trình thực hiện hợp nhất cấp xã nên làm từng bước, thận trọng, không tiến hành đồng loạt, dễ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ðây là quá trình đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ, khoa học, tiến hành chặt chẽ với sự tham gia đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị các cấp. Từ đó, nhiều tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh do chủ tịch UBND làm trưởng ban với sự tham gia của cấp trưởng các cấp, ngành.

Trong quá trình này cần đặc biệt chú ý khâu rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, bảo đảm công khai, thực chất, khách quan, minh bạch. Các cương vị chủ chốt của xã sau khi sáp nhập phải dựa trên tiêu chuẩn về phẩm chất năng lực, đạo đức và uy tín được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng thuận cao. Quá trình sáp nhập, tránh hợp nhất toàn bộ cán bộ, công chức của các xã cũ vào đơn vị mới. Sau hợp nhất, sẽ dôi dư cán bộ, vì vậy việc giải quyết chế độ chính sách cho số cán bộ này phải bảo đảm thấu tình đạt lý. Nếu không, sẽ tạo dư luận, tư tưởng không tốt cho các cán bộ cơ sở đang công tác, hoặc rời vị trí cũ, về nghỉ chế độ.

Trong số cán bộ dôi dư, có nhiều trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế. Cán bộ trong lộ trình 5 năm bảo lưu vị trí, vẫn hưởng chính sách các chức danh được bầu, vì vậy nếu đơn vị hành chính mới gồm ba xã sáp nhập, sẽ phải luân chuyển cán bộ, vị trí làm việc, thay vì ở nguyên địa phương để hưởng bảo lưu chế độ. Mặt khác, những trường hợp có đủ tiêu chuẩn cần được tạo điều kiện để dự tuyển vào các cơ quan khác, bố trí công việc khác phù hợp tình hình thực tế ở địa phương…