Tiếng nói từ cơ sở

Bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Vụ việc bốn học sinh tiểu học ở ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) bị người thân bạo hành trước ngày khai giảng năm học mới đã gây xôn xao dư luận.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xác minh làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật. Một tình huống khác, chưa lâu ở xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) cháu Ly Thị Phương, chỉ vì bị mẹ hay la mắng, đã tìm đến lá ngón để tự tử. Rất may, gia đình và cán bộ y tế thôn, bản kịp thời phát hiện và cứu chữa cháu qua cơn nguy kịch...

Ở nhiều địa phương, vấn đề bạo hành trẻ em, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị tai nạn thương tích, các trường hợp tử vong do đuối nước vẫn tiếp tục xảy ra. Đó là cảnh báo trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, cũng như tình hình trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo báo cáo, toàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 220 nghìn trẻ em, chiếm hơn 26% dân số, trong đó, 2.393 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 36.402 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nhiều tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa đang đứng trước những khó khăn, thách thức, cần có các giải pháp kịp thời, hiệu quả.

Tại một hội thảo chuyên đề mới đây, đại biểu nhiều tỉnh, thành phố chỉ rõ nguyên nhân, bất cập, hạn chế trong lĩnh vực này: Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về trẻ em đã được đẩy mạnh nhưng chưa sâu rộng; điều kiện kinh tế của nhiều gia đình gặp khó khăn, nhất là các hộ nghèo vùng sâu, vùng xa dẫn đến số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cao; việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa tốt; nhận thức của các gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em chưa đầy đủ; việc huy động nguồn lực dành cho công tác này thấp. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng, người dân về nhóm trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa rõ ràng, chưa thấy hết các nguy cơ tiềm ẩn; nguồn lực đầu tư cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; cơ chế phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên thôn, bản kiêm nhiệm còn eo hẹp...

Thực tế trên đặt ra yêu cầu, các địa phương cùng với xây dựng kế hoạch hướng dẫn công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em cần có kế hoạch tự kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện; phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức các sự kiện như: Phát động tháng hành động vì trẻ em; diễn đàn trẻ em các cấp; chương trình gặp mặt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có giải pháp hỗ trợ các em kịp thời; nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo vệ và chăm sóc trẻ em các cấp; tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nhất là bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức xâm hại, bạo lực hay bóc lột sức lao động; nâng cao nhận thức và hành động cho trẻ em trong việc thực hiện quyền và tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Các địa phương cần chủ động, nỗ lực hơn nữa trong phòng ngừa, hạn chế, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại tới trẻ em; đồng thời trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội để các em được hòa nhập cộng đồng… Hướng mạnh vào mục tiêu từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống của trẻ em giữa các vùng miền; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em.