80 mùa hoa lớn lên cùng đất nước

80 năm qua (15-5-1941 - 15-5-2021), những trang vàng lịch sử và hào khí truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền Phong (TNTP) Hồ Chí Minh ngày càng sáng rọi. Tổ chức Đội nói riêng và thiếu niên, nhi đồng Việt Nam nói chung đã và đang đóng góp phần sức lực không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (người đeo kính) cùng cán bộ Hội đồng Đội T.Ư các thời kỳ trò chuyện với thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu tại Khu di tích lịch sử Kim Đồng (Cao Bằng).
Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (người đeo kính) cùng cán bộ Hội đồng Đội T.Ư các thời kỳ trò chuyện với thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu tại Khu di tích lịch sử Kim Đồng (Cao Bằng).

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phụ trách, Đội TNTP Hồ Chí Minh đã ra đời với mục tiêu tập hợp thiếu nhi vào một tổ chức thống nhất dưới sự hướng dẫn, phụ trách của tổ chức Đoàn, qua đó giáo dục các em trở thành một phần của lực lượng cách mạng. Sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới Đội TNTP Hồ Chí Minh cũng như thiếu niên, nhi đồng cả nước. 

Chia sẻ với chúng tôi, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn, người khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt” của Đội TNTP Hồ Chí Minh, bồi hồi nhớ lại: Vào thời điểm tỉnh Bắc Ninh thành lập Trường cấp 2 Liên Sơn (nay là Trường THCS Tam Sơn), trường chỉ có sáu lớp học với 11 giáo viên và hơn 300 học sinh. Năm học đầu tiên, sáu giáo viên là đoàn viên thanh niên lao động hăng hái đề xuất và được thông qua việc thành lập Chi đoàn, Liên đội TNTP mang tên Ngô Gia Tự vào ngày 1-9-1961, dần trở thành mũi nhọn trong phong trào thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy của thiếu niên, nhi đồng cả nước. Ngày 24-3-1963, trong buổi họp tổng kết hoạt động trồng cây của Chi đoàn, Liên đội TNTP Ngô Gia Tự ngay tại sân trường, đồng chí Nguyễn Văn Thìn với vai trò Tổng phụ trách Đội đã đề xuất sáng kiến phát động phong trào “Thi đua làm nghìn việc tốt thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ”, gọi tắt là “Nghìn việc tốt”. 

“Chỉ trong tuần đầu tiên sau khi phát động phong trào, Liên đội TNTP Ngô Gia Tự đã triển khai được hơn bốn nghìn việc tốt như giúp nhau học tập, hỗ trợ nhân dân, giúp đỡ hợp tác xã tăng gia sản xuất, nhặt của rơi trả lại người mất… Sau 10 năm, số lượng việc tốt mà đội viên Tam Sơn làm được đã lên tới gần 108 nghìn, trong đó tiêu biểu có 17 trường hợp dũng cảm cứu bạn thoát chết đuối. Qua đó, hơn năm nghìn lượt đội viên đã được công nhận là “Cháu ngoan Bác Hồ”, 14 đội viên được nhận phần thưởng của Bác Hồ về thành tích học giỏi, một “Cháu ngoan Bác Hồ” được Bác tặng quà động viên. Liên đội TNTP Ngô Gia Tự cũng vinh dự được Chính phủ tặng Bằng khen”, Nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long, nguyên Tổng Biên tập báo Thiếu niên Tiền phong, nguyên Ủy viên Hội đồng Đội T.Ư các khóa II, III, IV và V, cho biết.

Từ Liên đội TNTP Ngô Gia Tự, phong trào “Nghìn việc tốt” đã lan tỏa rộng rãi, trở thành sợi chỉ đỏ thắm trong phong trào hành động cách mạng của thiếu niên, nhi đồng cả nước thời điểm đó. Qua phong trào, các Tổng phụ trách Đội có cơ hội phát huy mạnh mẽ vai trò “người thắp lửa”, truyền cảm hứng, chăm lo thế hệ măng non; thiếu niên, nhi đồng cả nước biết tự quản, tự nguyện, tự giác tham gia hàng nghìn việc tốt như “Mũ rơm, túi thuốc đến trường” thời kỳ chống Mỹ cứu nước; bớt nắm gạo góp gửi ra chiến trường, nuôi gà tặng bộ đội; ngày chủ nhật thăm giúp gia đình thương binh, liệt sĩ, làm đồng cùng hợp tác xã, chăm sóc trâu bò béo khỏe… Xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Đội TNTP Hồ Chí Minh, các thế hệ Tổng phụ trách Đội hôm nay luôn xung kích, sáng tạo, trăn trở để tiếp tục dìu dắt thiếu niên, nhi đồng thực hiện “Nghìn việc tốt”. 

Tiêu biểu như tại tỉnh Đồng Nai, vượt qua những khó khăn, thách thức do địa bàn trải rộng, sự đa dạng và phân hóa trong các nhóm thiếu niên, nhi đồng, các tác động của đời sống khó khăn tại vùng nông thôn…, Hội đồng Đội tỉnh đã triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”, thu hút hơn năm triệu lượt đội viên, học sinh tham gia. Các chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Đồng Nai”, “Tiếp sức đến trường” đã vận động được năm nghìn suất học bổng cùng nhiều dụng cụ học tập, phương tiện đến trường tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn; “Hồ bơi di động”, “Học kỳ quân đội”, “Học làm người có ích” thu hút gần một nghìn học sinh đăng ký tham gia hằng năm. Đáng chú ý, các cấp Hội đồng Đội trên toàn tỉnh đã vận động được hơn 35 nghìn thiếu nhi bỏ học, có nguy cơ bỏ học trở lại trường. Bằng phong trào “Kế hoạch nhỏ”, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai đã góp công xây mới, sửa chữa nhiều công trình công cộng, khu vui chơi thiếu nhi, nhà “Khăn quàng đỏ” với tổng kinh phí hơn sáu tỷ đồng… 

Theo thống kê của Hội đồng Đội T.Ư, cả nước hiện có hơn 8,2 triệu đội viên, hơn 4,1 triệu thiếu niên và hơn 4,6 triệu nhi đồng; khoảng 24 nghìn Tổng phụ trách Đội trong trường học, cán bộ phụ trách thiếu nhi ở địa bàn dân cư; cùng hàng nghìn cán bộ chuyên trách, cộng tác viên trong các cơ sở Đội, nhà thiếu nhi. Với lực lượng nòng cốt đông đảo, các cấp Hội đồng Đội cần đặc biệt quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng hoạt động Đội và phong trào thiếu niên, nhi đồng gắn với tâm lý, nhu cầu, năng lực, sở thích của thiếu nhi hiện đã thay đổi rất nhiều so với giai đoạn trước đây do sự tác động của công nghệ, quá trình đô thị hóa, kinh tế thị trường. Trên thực tế, đứng trước hàng loạt yêu cầu đổi mới ngày càng trở nên cấp bách, sự vận động của tổ chức Đội nhìn chung còn chậm, chưa đủ sức sáng tạo, thiếu ứng dụng các yếu tố công nghệ hiện đại. Các phong trào tuy phủ rộng nhưng lại có nhiều khía cạnh chưa được đào sâu để chạm đến các khía cạnh đời sống, tình cảm, tâm lý của thiếu niên, nhi đồng; có những nơi, những lúc đã xuất hiện yếu tố tiêu cực, lệch hướng, thiếu hiệu quả, được dư luận phản ánh bằng các hình thức khác nhau. 

Để khắc phục triệt để tình trạng nêu trên, các cấp Hội đồng Đội cần xác định rõ mục tiêu, giá trị, ý nghĩa của mọi phong trào là giáo dục, tạo nền tảng để thiếu niên, nhi đồng trưởng thành, trở thành những người chủ tương lai của đất nước; chú trọng tạo điều kiện bồi dưỡng, phát huy, nâng cao chất lượng và cải thiện tính chủ động của lực lượng Tổng phụ trách, Chỉ huy Đội; tăng cường “tính mới” và hàm lượng sáng tạo trong mỗi hoạt động dành cho đội viên nói riêng, trẻ em nói chung, kiên quyết tránh rập khuôn, máy móc, sa vào hình thức, lối mòn, “đánh trống ghi tên” bằng cách duy trì thường xuyên những kênh thông tin kết nối, chia sẻ, truyền cảm hứng về các mô hình, ý tưởng mới trong phong trào thiếu nhi hoặc cụ thể hơn là đặt ra những chỉ tiêu rõ ràng để đánh giá thi đua.