Vượt khó làm giàu ở Bản Xen

Tháng 4, tiết trời hửng ấm, hoa trạng nguyên vẫn còn đỏ thắm bên bờ rào đá quanh những đồi chè xanh ngăn ngắt, như đang “ủ vị ướp hương” của đất trời để bật búp tươi non. Chúng tôi về xã Bản Xen, hòa chung niềm vui vụ chè xuân bội thu với người trồng chè vùng cửa ngõ của “đất thép” Mường Khương (Lào Cai).

Nông dân xã Bản Xen thu hái chè Tuyết San.
Nông dân xã Bản Xen thu hái chè Tuyết San.

Vượt con dốc quanh co từ thị tứ Bản Lầu đến đầu xã Bản Xen, qua chiếc cổng chào duyên dáng như một bàn tay thiếu nữ Nùng vẫy gọi, mở ra trước mắt là bát ngát mầu xanh của chè đang mơn mởn chồi búp vụ xuân hè. Cây chè đã có từ mấy chục năm nay ở đất Bảo Thắng, Mường Khương, Bắc Hà nhưng chỉ ở Bản Xen mới có gần 700 ha, thuần chè Tuyết San ngon “đầu bảng” xứ Tây Bắc, bởi mầu nước đẹp, hương thơm, ngọt hậu. Vùng chè tập trung, chất lượng cao ở Bản Xen là kết quả sống động từ Chương trình trồng chè của tỉnh Lào Cai trong suốt hàng chục năm qua. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Quý Vân, năm nay vào tuổi 67, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bản Xen và cũng là “chứng nhân” gắn cả đời mình với cây chè nơi đây chia sẻ: “Cũng không dễ để có được vùng chè thuần giống San Tuyết lớn nhất tỉnh như bây giờ. Đó là thành quả của việc người dân quê tôi đã “đồng cam cộng khổ” từ mấy chục năm nay”.

Vượt khó làm giàu ở Bản Xen -0

  Đi trên những đồi chè bát úp xanh ngăn ngắt, hút tầm mắt, ông Vân nhớ lại: Khoảng năm 1986, người Bản Xen vốn từ miền xuôi Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam cùng với đồng bào các dân tộc bản địa đã “tiến quân lên đồi” đưa cây chè (trồng bằng hạt) vào thử nghiệm ở vùng đất này. “Nàng” chè Tuyết San đỏng đảnh “ngày uống nắng, đêm ngậm sương” từ tít trên núi cao đất thép xứ Mường được hạ sơn xuống Bản Xen hơn 400 mét so mực nước biển, thật không dễ dàng. Khi ấy, cán bộ cùng dân đẩy xe cải tiến gom phân trâu, phân ngựa ngược dốc lên thôn Thịnh Ổi, Na Phả trồng chè. Xã khuyến khích nhà nào trồng được từ 0,5 ha trở lên thì được miễn lao động công ích, không phải đi mở đường ở Dìn Chin, Tả Gia Khâu thời ấy. Vì là cây mới, nhiều người dân còn e ngại cho nên phải dùng “đòn bẩy” tạo phong trào, trong đó cán bộ hợp tác xã, đảng viên, đoàn thanh niên gương mẫu đi đầu để bà con các dân tộc Nùng, Dao, Giáy học tập làm theo.
 
 Hôm tôi đến, thật may mắn gặp ông Vàng A Lài, dân tộc Giáy, năm nay ngoài 62 tuổi nhưng vẫn còn tráng kiện lắm, giọng nói vang như trống trận. Ngày ấy, ông là đảng viên hiếm hoi, được giao phụ trách đưa cây chè tiến quân vào vùng đồi Thịnh Ổi, hầu như ngày nào cũng ăn, ngủ ngoài đồi nương cùng với cây chè. Bám dân, bám bản, bám chè dần dần ông đã đưa được “nàng” chè Tuyết San đỏng đảnh cắm rễ trên đất Thịnh Ổi, Na Phả, Suối Thầu… “Có những lúc tưởng chừng thất bại, khi ấy tôi buồn lắm, nhưng tôi vẫn quyết tâm vượt khó, làm bằng được bởi niềm tin một ngày nào đó cây chè Tuyết sẽ cắm rễ sâu, bền gốc, trổ búp xanh tươi và tỏa hương thơm ở mảnh đất này”- ông Lài xúc động nói.
 
 Bước đột phá phải kể từ những năm 2001, khi Nhà nước thực hiện Chương trình 135 cho vùng đặc biệt khó khăn và tỉnh Lào Cai xác định cây chè là “chủ lực” trong cơ cấu cây trồng ngành nông nghiệp. Cụ thể hơn, tỉnh Lào Cai có hẳn Chương trình trồng chè, với mục tiêu và những chính sách hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho người nông dân trồng chè và các cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ chè. Chủ tịch UBND xã Bản Xen - Trần Văn Tiến cho biết: “Với quyết tâm của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của bà con nông dân, Bản Xen đã biến vùng đất bán sơn địa này thành “thủ phủ” chè Tuyết San của Mường Khương, với 689 ha, trong đó có 560 ha đang cho thu hoạch, với tổng sản lượng gần 7.000 tấn búp tươi”. Có chủ trương đúng, chính sách và cơ chế rõ ràng, người miền xuôi Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình “kề vai sát cánh” cùng người dân tộc bản địa Nùng, Dao, Giáy… nơi đây, “bỏ ngô xóa sắn” năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém, nhanh làm đất bạc màu chuyển sang trồng chè. Những quả đồi bát úp trải dài từ Thịnh Ổi, Na Phả, Suối Thầu, Na Vai, Phảng Tao… phủ mầu xanh mới của chè Tuyết San thay cho cây sắn, cây ngô, cứ ngày càng khép tán đan cành, trổ búp non mỡ màng, góp phần ổn định thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thế mới rõ thêm rằng, “ý Đảng và lòng dân” sẽ đơm hoa kết trái khi gắn quyện và tạo thành động lực, thành sức mạnh trong mỗi công việc hằng ngày, từ cán bộ đến người dân, nhất là trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu ở vùng đất khó.
 
 Ở Bản Xen, có một câu cửa miệng, dân gọi cây chè là cây “không lo giải cứu”, vì chỉ có giá cao hay thấp chứ không bị thối hỏng, đổ đi như chuối, dứa khi đầu ra bị “tắc”. Vùng Bản Xen hay bị mưa đá, gió lốc nhưng chè Tuyết San không hề gãy cành, dập lá như loài cây khác, cứ hiên ngang đan cành trổ búp như khí chất người dân Bản Xen kiên trì, chịu thương chịu khó. Nói đến “vua chè” ở Bản Xen không ai qua được ông Vàng Dỉn Lìn, ở thôn Phẳng Tao. Gia đình ông Vàng Dỉn Lìn chăm bón theo đúng quy trình kỹ thuật làm chè sạch, chỉ dùng phân hữu cơ, không dùng phân hóa học cho nên đất màu mỡ, cây chè trổ búp to, cho năng suất cao. Với gần hai ha chè, mỗi năm vợ chồng ông Lìn thu về hàng trăm triệu đồng. Nhờ chè mà 675 trong số 933 hộ dân Bản Sen có việc làm và nguồn thu nhập ổn định, thêm nhiều triệu phú, hộ nông dân sản xuất giỏi, như Nông Văn Trường, Nông Văn Sền, Nguyễn Trung Huy... Mỗi năm xã thêm hàng chục hộ thoát nghèo, cả xã hiện chỉ còn dưới 4% số hộ nghèo đa chiều. Cũng nhờ đó mà Bản Xen cùng với Bản Lầu về đích nông thôn mới sớm nhất huyện Mường Khương, từ năm 2015.
 
 Đã qua rồi những ngày làm chè tự phát, bây giờ người dân Bản Xen liên kết làm chè sạch thành vùng hàng hóa, bắt tay với các công ty chè Thanh Bình, Phong Hải làm chuỗi sản phẩm chè, ràng buộc lẫn nhau vì lợi ích, hiệu quả kinh tế chung. Chủ tịch xã Bản Xen Trần Văn Tiến phấn khởi cho biết thêm, Công ty Thiên Phú đang gấp rút hoàn thành xây dựng và lắp đặt dây chuyền sản xuất nhà máy chế biến chè đặt tại xã Lùng Vai, ngay sát vùng chè Bản Sen. Đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn cho bà con nông dân kỹ thuật, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để sản xuất ra sản phẩm chè hữu cơ an toàn và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đến các thị trường châu Âu, Trung Đông, Đài Loan (Trung Quốc)...
 
 Nắng vàng như mật ong trùm xuống những đồi chè đang dồn căng nhựa sống trên từng mắt lá, chỉ đợi mưa đầu hạ là bật lên lộc biếc chồi non dâng cho người, cho đời. Ở phía cuối thôn Phảng Tao, vợ chồng anh Nông Văn Mìn miệt mài tỉa nốt những cành già, bón thúc phân hữu cơ cho nương chè dồn nhựa sống nuôi búp non, chờ mưa xuống đến là ào ạt bung tỏa, cho lứa chè xuân thỏa chờ mong của người chăm bón về một vụ chè bội thu, no ấm.