Tình đàn của Ngô Hồng Quang

Ngô Hồng Quang nói, anh thực hiện album Tình đàn để tri ân những nhạc cụ đã đồng hành cùng anh hơn 20 năm qua. Những đàn tính, đàn môi, đàn nhị, đàn bầu... mà nếu không có nó, sẽ không có một Ngô Hồng Quang hôm nay - một nghệ sĩ dân tộc đương đại. Nhưng nghe Tình đàn, tôi cảm nhận ở đó một không gian sáng tạo mới của Quang, trên nền của âm nhạc dân tộc, một không gian mộc mạc, nguyên lành, với những vẻ đẹp sơ khởi nhất, bản nguyên nhất của sự sống.

Với Tình đàn, một lần nữa, Ngô Hồng Quang khẳng định tài năng và tình yêu với âm nhạc truyền thống.
Với Tình đàn, một lần nữa, Ngô Hồng Quang khẳng định tài năng và tình yêu với âm nhạc truyền thống.

Tình đàn là hành trình của Ngô Hồng Quang đi khắp các vùng miền thu gom các chất liệu âm nhạc dân tộc, của người H’Mông, người Tày, của một số tộc người vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long... Album lần này có các tác phẩm được sáng tác mới và cả các tác phẩm truyền thống được phối lại, kết hợp với hai nhạc cụ quốc tế là đàn Santur và bộ gõ Senegal. Theo anh "bật mí", album Tình đàn giống như một cuốn nhật ký ghi lại hành trình mang âm nhạc dân tộc Việt Nam vươn ra thế giới. Sự giao thoa và song hành vô cùng tự nhiên của âm nhạc dân tộc cùng thanh âm đa dạng từ âm nhạc quốc tế, sự tổng hòa của truyền thống và hiện đại, cùng niềm hoài cổ, sự tương tác và môi trường âm nhạc không biên giới chính là nguồn cảm hứng vô tận, và là khát khao mà nghệ sĩ Ngô Hồng Quang mong muốn được truyền tải đến khán giả thông qua album này.

Tôi hỏi Ngô Hồng Quang, điều gì ở âm nhạc dân tộc Việt Nam hấp dẫn anh đến thế. "Đó là chất âm nhạc ngũ cung, mỗi vùng miền có một kiểu luyến láy và hoa mỹ khác nhau. Tôi khai thác chất liệu đó để đưa vào tác phẩm mới của mình, đó là nét đặc trưng nhất trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Tôi chắt lọc những nét tinh túy đó đưa vào kết hợp với âm sắc của nhạc cụ các nước. Nó làm cho âm nhạc Việt Nam lộng lẫy, đa chiều hơn, nhất là phần hòa âm. Khi đặt các nhạc cụ của nhiều quốc gia bên cạnh nhau vẫn nói được một ngôn ngữ chung đó là âm nhạc và tinh thần vẫn là tinh thần Việt Nam".

Nghe "Tình đàn" cảm nhận rõ tinh thần Việt. Đây là lần đầu đàn nhị, đàn bầu, đàn môi, đàn tính và các làn điệu dân ca Việt Nam, được tung tăng bay nhảy, hòa điệu cùng các nhịp điệu trúc trắc, tinh tế của bộ gõ Senegal, cùng với những âm thanh đầy mê hoặc mang đậm ngôn ngữ âm nhạc đương đại của đàn Santur của Iran. Đó là một "Xuân sớm" với âm hưởng của văn hóa H’Mông, những câu chuyện về một mùa xuân sớm ở vùng núi cao Hà Giang, về tình yêu của những người trẻ, hay cuộc đối thoại giữa Ngô Hồng Quang và hai chú chim họa mi trên với những thông điệp về thiên nhiên, sự sống... Nếu những album trước Quang làm với nghệ sĩ Nguyên Lê hay các nghệ sĩ khác thường đưa âm nhạc dân tộc đi theo hướng của jazz, cổ điển hoặc đương đại, thì lần này, Ngô Hồng Quang đi theo hướng ngược lại, anh làm một album mộc nhất có thể để tôn vinh chất mộc mạc, tinh túy nhất của âm nhạc dân tộc.

Những năm gần đây, âm nhạc dân tộc Việt Nam không chỉ đi ra thế giới bằng con đường giao lưu văn hóa mà còn bằng những sáng tạo mới của các nghệ sĩ đương đại. Tình đàn, một lần nữa khẳng định tài năng và tình yêu của Ngô Hồng Quang với âm nhạc truyền thống. Điều đặc biệt ở Quang, đó là anh đã sáng tạo ra một không gian nhiều chiều trong thế giới âm nhạc của mình, một không gian đậm chất Việt Nam nhưng có sự kết nối, giao thoa với thế giới. Ngô Hồng Quang chia sẻ: "Đã đến lúc văn hóa bản địa Việt Nam cần được chung sống bình đẳng với các nền văn hóa bản địa khác trên thế giới, không chỉ bằng các giá trị gốc nguyên bản mà bằng cả những sáng tạo mang tính đương đại. Đó là một xu thế tất yếu trong thời buổi mọi giới hạn đang bị xóa nhòa. Văn hóa là một giá trị để chúng ta định vị mình là ai, đến từ đâu".

Mong rằng Ngô Hồng Quang sẽ theo đuổi con đường này đến cùng, dù đó là một con đường độc hành khó khăn, gian nan để mang âm nhạc Việt Nam kết nối với thế giới.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang đã sớm bén duyên với âm nhạc thông qua cây đàn nhị. Anh trở thành học sinh Khoa Âm nhạc truyền thống của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từ khi còn rất trẻ. Sau đó, Quang sang Hà Lan du học, chuyên ngành sáng tác đương đại. Đây chính là dấu mốc mở ra cho anh cơ hội để bay nhảy, thử nghiệm và định hình phong cách âm nhạc đặc trưng của riêng mình. Tên tuổi anh gắn liền với những công trình nghệ thuật mang âm hưởng dân gian truyền thống nhưng vẫn thấm đậm hơi thở hiện đại.

Ngô Hồng Quang sống và làm việc chủ yếu tại Den Haag, Hà Lan; đồng thời, anh cũng thường xuyên thực hiện các chuyến lưu diễn trên toàn thế giới, và dành nhiều thời gian quay trở về Việt Nam để nghiên cứu các nhạc cụ truyền thống và phát triển các dự án bảo tồn âm nhạc dân tộc. Anh đã ra nhiều album để lại dấu ấn như Song hành, Hanoi duo, cùng với nhạc sĩ Nguyên Lê; Album Nam nhi, Nhìn lại và mới đây nhất là album Tình đàn.