Một chuyện khó nói

Ông chi hội trưởng người cao tuổi phàn nàn với ông tổ trưởng dân phố và bà chi hội trưởng phụ nữ:

- Tôi lại được giao soạn cái điếu văn cho ông Tư Cục mà thấy khó quá!

- ?

- Cứ nghĩ buồn cười như cái tiếu lâm ngày xưa, có người nọ lăn ra chết, nhưng cả đời ông ta chả có gì để nói nên điếu văn chỉ là: ông này cha mẹ sinh ra, lọt lòng ông khóc oa oa, thế rồi ông lớn rồi ông ốm, bây giờ thì ông ra ma! Cái ông Tư Cục phố ta đã thành ma rồi nhưng tôi cũng không biết viết về ông ấy thế nào cho phải!?

Ông tổ trưởng dân phố nói:

- Thì nghĩa tử, nghĩa tận! Ông cứ viết sao cho xúc động lâm ly là được.

- Khổ nỗi, cái ông Tư Cục ấy nát rượu! Say thì lè nhè bê bối, tỉnh thì gây chuyện, cục cằn. Lại đánh vợ như két. Ông ta ốm mấy năm nay chỉ khổ bà ấy! Có mấy đứa con cũng mất hút vì vừa sợ vừa chán ông, cứ lấy cớ làm xa, bây giờ cũng về chưa đủ. Ông ấy chết có khi vợ con đỡ khổ mà cũng đỡ khổ cho ông ấy luôn!

Bà chi hội trưởng phụ nữ nói chen:

- Các ông viết thế nào cho phải thì viết! Đừng có cái kiểu: ông chết đi gia đình mất một trụ cột, vợ mất một ông chồng gương mẫu, các con mất một ông bố tận tụy, khu phố mất một tấm gương hòa đồng... là được! Cái ông Tư Cục ấy chỉ tận tụy với mỗi rượu thôi!

Cả tổ trưởng dân phố lẫn chi hội trưởng người cao tuổi đều ngồi ngẩn ra, bần thần! Đúng là nghĩa tử nghĩa tận, tình làng nghĩa xóm thì phải sẻ chia, nhưng có những điếu văn tiễn người đi xa nhiều khi viết cũng chả dễ gì. Tuổi ngần ấy rồi, muốn chân thực cũng phải đắn đo. Đúng là một chuyện khó nói!