Hương ước bất thành văn dưới chân Pu Quặc

Hơn 25 năm mới có dịp trở lại thăm Lưu Thông (huyện vùng cao Tương Dương, tỉnh Nghệ An), một bản người H’Mông rời đỉnh Pu Quặc dưới chân Pu Xai Lai Leng xuống nơi mới lập bản, dựng mường. Những đau buồn, khổ tủi "quanh năm đói cơm lạt muối..." đối với họ bây giờ chỉ còn trong ký ức…

Ðại diện các hộ gia đình bản Lưu Thông ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật.
Ðại diện các hộ gia đình bản Lưu Thông ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật.

Khi chiếc chảo gang không còn nhấc ra khỏi lò…

Pu Quặc cao rộng và dài lắm. Người H’Mông nơi đây đã nhiều lần nhấc cái chảo gang ra khỏi lò lang thang cõng đi trong mây mà không đếm hết có bao nhiêu ngọn núi. Trên đỉnh núi chon von này có thể nhìn thấu sang tận một số vùng huyện Noóng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng nước Lào, nhìn thấy cả dưới mường Trung Châu (miền xuôi). Pu Quặc được mệnh danh là vị trí trọng yếu án ngữ một vùng biên ải trên quốc lộ 7A từ trên xuống, dưới lên... Người có tầm nhìn về quân sự cho rằng, thống soái được Pu Quặc sẽ có lợi thế lớn. Trước đây trên vùng núi Pu Quặc, ở độ cao hơn 1.000 mét, trồng cây thuốc phiện cho nhiều nhựa, thế nhưng người H’Mông nơi đây vẫn khổ. Khổ vì hiếm nước, đường không được rộng, đi lại phải chui luồn như lợn rừng, con hoẵng. Con em không có trường học đi học con chữ.

Năm 1995, thế kỷ trước là lần "Nỏ pê chạu" (Tết cổ truyền của người H’Mông) đầu tiên của 35 hộ người H’Mông rời núi Pu Quặc, bỏ nương thuốc phiện xuống vùng đất thấp lập bản dựng mường mới. Sau ngày vui, vạn sự khởi đầu nan nơi bản quê mới, ai mà chẳng hoài nghi bởi tập tục, tính cách của người H’Mông không quen ở một chỗ, họ thích tự do phóng túng. Ai dám chắc họ sẽ không nhấc chiếc chảo gang ra khỏi lò, sáng ở chân núi này mai ở ngọn suối khác? Các nhà dân tộc học nghiên cứu về người H’Mông nói về tính cách của họ: "Người H’Mông thường bí mật gọi nhau đi khi không còn thích nơi ở cũ. Khi chiếc chảo gang được nhấc ra khỏi lò thì không ai ngăn giữ được họ ở lại. Người H’Mông cũng thường cả tin, đã tin ai thì tin đến cùng sẵn sàng xả thân vì nghĩa cho bạn bè, tập thể". Trở lại, để thấy người H’Mông từ trên núi cao xuống thấp giờ đã khác... Lưu Thông - tên bản mới do cách mạng đặt cho như mong muốn mọi sự luôn hanh thông!

Còn nhớ lần đầu tiên lên đến nơi này, thập niên 90, thế kỷ trước, hôm đó mưa dầm dề, tụt xe ô-tô ngoài quốc lộ 7A, lội bộ ì ạch men khe Tẳn Xà, bấm chân leo dốc Pu Ðin Ðanh mãi gần sẩm tối mới tới Lưu Thông.

Thay cho đường nhỏ trước đây, giờ đường đã được mở rộng, phủ nhựa cho xe năm chỗ êm ái vào Lưu Thông. Từ xa chúng tôi thấy bản mới Lưu Thông dưới lũng núi tương đối bằng phẳng. Lấp ló sau rặng xoài, đào, mít, dừa... là những mái nhà đất kê thưng ván lợp ngói xanh, đỏ. Ngay đầu bản lũ trẻ nít nô giỡn bên những bể nước lớn tràn trề. Cạnh gốc cây gạo cổ thụ, sần sùi mầu xám bạc không còn đìu hiu quạnh vắng như xưa. Ven hai lối vào bản là nhà kiêm ki-ốt bán hàng tạp hóa của chị Mùa Y Bô và anh Vừ Lỳ Phỏng... Người bạn đến Lưu Thông lần đầu phải thốt lên: "Bản Lưu Thông sạch, đẹp, quy củ quá, không thua kém gì một ngôi làng của người Kinh dưới xuôi!".

Hương ước bất thành văn của bản "ba không"

Trưởng bản Vừ Tổng Mà kể chuyện đổi đời hôm nay vẫn không quên nhắc lại chuyện cũ: "Năm 1992, 35 hộ, 295 khẩu của ba dòng họ Vừ, Lầu, Thò được vận động từ trên Pù Quặc xuống đây, lúc đầu vất vả lắm! Ðược Nhà nước hỗ trợ chia đất sắp xếp nơi ăn ở có hàng có lối, tổ chức làm vườn nhà, vườn rừng, sản xuất thâm canh rẫy dốc. Bản được Tổ chức Oxfam Bỉ tài trợ làm công trình nước sạch, Nhà nước hỗ trợ mở đường, từ năm 1996 cuộc sống dần ổn định bà con phấn khởi lắm. Bây giờ thì bản Lưu Thông hết đói rồi chỉ phấn đấu làm giàu thôi. Từ năm 2000 đến nay được Nhà nước quan tâm cho vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, đào ao nuôi cá... Xuống đây người H’Mông học được cách chăn nuôi bò vỗ béo. Họ Vừ biết trước bày cách cho họ Lầu, họ Thò làm theo, hộ khoẻ giúp hộ yếu, cứ thế hộ này học theo hộ khác trồng cỏ voi, cỏ sữa nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, đào ao nuôi cá...

Bây giờ bản Lưu Thông tăng lên gần 60 hộ, trong đó chỉ còn tám hộ nghèo. Nguồn thu nhập chính của bà con người H’Mông ở đây phần lớn là từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, ao cá và một ít nương rẫy luân canh trồng lúa, bí xanh, khoai sọ... Nhờ cần cù, chăm chỉ nên người dân Lưu Thông có cuộc sống khá ổn định. Về lập bản mới thuận lợi đường đi lối lại nên con em của bản đến tuổi đều được đi học, nhiều em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Không chỉ động viên bà con đoàn kết để phát triển kinh tế, Trưởng bản Vừ Tồng Mà còn vận động xây dựng phong trào hiếu học ở Lưu Thông. Hiện bản có ba dòng họ đều có quỹ khuyến học, con em trong bản đỗ đạt hay có thành tích học tập tốt đều được nhận những món quà có giá trị về cả vật chất lẫn tinh thần. Bản đã có hai cán bộ đang công tác trong ngành công an, một người làm cán bộ huyện và hai người là công chức cấp xã, bốn người là giáo viên. Trưởng bản Vừ Tồng Mà cũng đã từng làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân và Chủ tịch MTTQ xã, có con trai tốt nghiệp Học viện An ninh và con gái tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở, Trưởng bản Vừ Tồng Mà đã soạn thảo một loạt quy định với các điều khoản như một bản hương ước cho bản. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Chăm chỉ làm nương rẫy và chăn nuôi; cho con trẻ đến trường; không trồng cây thuốc phiện; không tàn phá rừng; không trộm cắp tài sản; không di dịch cư tự do; không vi phạm pháp luật... Những quy định này được phổ biến trong các cuộc họp và được dân bản đồng tình ủng hộ. Hàng chục năm qua những quy định "bất thành văn" ấy đã được bà con Lưu Thông nhắc nhở nhau thực hiện. Nhờ đó, kinh tế - xã hội luôn ổn định và phát triển, bản làng luôn sống trong cảnh yên bình, vui vẻ. Các quy định về hành vi, ứng xử của bản Lưu Thông luôn được Vừ Tồng Mà điều chỉnh và bổ sung để phù hợp tình hình thực tế.

Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền Vang Kiên Cường cùng đi cho biết: "Không chỉ cần cù, chăm chỉ trong làm ăn, sản xuất giỏi, bản Lưu Thông còn được biết đến là một điển hình về giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội. Từ nhiều năm nay, bản được mệnh danh là bản "ba không", đó là: không có người nghiện ma túy; không có người vi phạm pháp luật; và không có người thụ án tù".

Ðã hơn 30 năm cắm đất, dựng nhà nơi bản mới, Lưu Thông chưa có bất cứ một người dân nào vi phạm pháp luật bị xử phạt. Ðây thật sự là một kỳ tích, là điểm sáng giữa đại ngàn miền tây Nghệ An.