Huế - chọn con đường sáng tạo

Ngày càng có nhiều người trẻ ở Huế (Thừa Thiên Huế) đang biến những di sản văn hóa ở vùng đất cố đô thành những sản phẩm sáng tạo đột phá, mang âm hưởng đương đại, nhen nhóm lên ngọn lửa hy vọng cho một con đường phát triển kinh tế mới - công nghiệp sáng tạo.

Tranh sen Huế - một sáng tạo độc đáo. Nguồn: BTC "Festival Nghề truyền thống Huế 2021".
Tranh sen Huế - một sáng tạo độc đáo. Nguồn: BTC "Festival Nghề truyền thống Huế 2021".

Những bước đi khiêm tốn

Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), "Công nghiệp sáng tạo" là chu kỳ của sự sáng tạo, sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ sử dụng sự sáng tạo và vốn trí tuệ như là đầu vào chủ yếu, bao gồm một tập hợp các hoạt động dựa trên tri thức sản xuất hàng hóa hữu hình và dịch vụ trí tuệ và nghệ thuật vô hình với sáng tạo nội dung, giá trị kinh tế và thị trường mục tiêu (1998).

Đặc tính thị trường của công nghiệp sáng tạo - hay công nghiệp văn hóa theo cách gọi chính thống của Việt Nam, được đưa vào Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, như một sự thừa nhận giá trị kinh tế của văn hóa. Tiếp đó, chúng ta đã có được một Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa một cách rõ nét, theo Quyết định 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8-9-2016, với mục tiêu phát triển 13 ngành công nghiệp văn hóa đến 2020 đạt 3% GDP và đến 2030 đạt 7% GDP. Bước tiến đáng kể nhất kể từ khi có chiến lược này là sự công nhận của UNESCO đối với Hà Nội là thành phố sáng tạo. Tuy vậy, nỗ lực phát triển công nghiệp sáng tạo - công nghiệp văn hóa vẫn nằm ở ý chí của các bên liên quan nhiều hơn là các kết quả thực tiễn.

Thừa Thiên Huế, với đặc điểm là một vùng đất đầy ắp các di sản văn hóa, hội tụ nhiều tiềm năng để có thể lựa chọn công nghiệp sáng tạo, những ngành công nghiệp không khói, như một trong những con đường phát triển kinh tế - xã hội, vừa tránh được sự phát triển ồ ạt của làn sóng công nghiệp hóa và đô thị hóa, vừa duy trì được bản sắc cố đô văn hóa.

Nếu căn cứ vào nhận định của UNCTAD về những yếu tố cấu tạo nên công nghiệp sáng tạo, có thể thấy Huế hội tụ đầy đủ cả bốn loại hình ngành nghề chính: (i) Di sản, bao gồm: Biểu đạt văn hóa truyền thống, như nghệ thuật và hàng thủ công, lễ hội và lễ kỷ niệm; và Địa danh văn hóa: địa điểm khảo cổ, bảo tàng, thư viện, triển lãm, v.v.; (ii) Nghệ thuật: Nghệ thuật thị giác - hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh và đồ cổ; Nghệ thuật biểu diễn - nhạc sống, hát, múa, kịch, xiếc, múa rối, v.v.; (iii) Truyền thông: Xuất bản và báo in - sách, báo chí và các ấn phẩm khác; Nghe - nhìn - phim, truyền hình, phát thanh; (iv) Sáng tạo chức năng: Thiết kế - nội thất, đồ họa, thời trang, đồ trang sức, đồ chơi; Truyền thông mới - phần mềm, trò chơi video, và các nội dung sáng tạo số hóa; Dịch vụ sáng tạo - kiến trúc, quảng cáo, dịch vụ giải trí và văn hóa, nghiên cứu và phát triển sáng tạo (R & D), các dịch vụ sáng tạo kỹ thuật số và các dịch vụ sáng tạo liên quan khác.

Nguồn cảm hứng không vơi cạn

Do lịch sử để lại, Thừa Thiên Huế đã là một vùng đất di sản, với những đền đài, lăng tẩm, dấu tích của cả một triều đại phong kiến còn lưu vết đậm nét. Hầu hết tinh hoa các ngành nghề thủ công đều tập trung ở dải đất miền trung này, hoặc hấp thụ những sản phẩm thủ công tinh tế nhất từ mọi miền đất nước, để phục vụ cho nhu cầu xa xỉ của hoàng cung. Đây là nơi tổ chức Festival Huế - lễ hội văn hóa danh tiếng, và Festival Nghề truyền thống dành cho các nghề thủ công cùng rất nhiều lễ hội dân gian khác. Cũng không có ở đâu mà mỗi gia đình đều có thể là một bảo tàng sinh động của cổ vật, của văn hóa và nếp sống xưa…

Huế là vùng đất sinh động của nghệ thuật. Nhã nhạc cung đình đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Huế nổi danh với một cộng đồng tài hoa các họa sĩ và nghệ sĩ tạo hình, thiết kế, mà các sáng tác của họ len lỏi trong mọi mặt của đời sống. Các hoạt động văn hóa, âm nhạc, biểu diễn vẫn diễn ra hằng ngày, dưới nhiều hình thức, là nét đẹp rất riêng của người Huế.

Điện ảnh lấy Huế làm cảm hứng cho nhiều bộ phim thành công, như Indochine, Mắt biếc, Gái già lắm chiêu, Kiều và sắp tới là Em và Trịnh. Không phải chỉ vì nhìn đâu cũng thấy phim trường, mà văn hóa Huế, con người Huế là cảm tác không bao giờ cạn của các nhà làm phim, các đạo diễn. Huế cũng là thành phố lý tưởng cho ngành xuất bản, vì văn hóa đọc liên tục được bồi dưỡng cho thế hệ trẻ. Huế còn là cái nôi của thời trang, với áo dài vừa là di sản, vừa là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận của nhiều thế hệ các nhà thiết kế và nhà may nổi tiếng…

Tuy vậy, Huế không chỉ có tiềm năng của kinh tế sáng tạo, vẫn còn đó những rào cản quan trọng. Một phần lớn người Huế, kể cả người trẻ, vẫn chưa dám đột phá ra khỏi những khuôn mẫu, lễ nghi và cách nhìn truyền thống. Đặc sản Huế như mắm tôm chua nhất định phải đựng trong những hũ nhựa rẻ tiền. Nghề điêu khắc vẫn không vượt qua được những thiết kế cổ mang tính tôn giáo hoặc cung đình. Tâm lý e ngại sáng tạo đổi mới sẽ làm tổn thương giá trị truyền thống vẫn khá phổ biến. Nhiều người con của Huế vẫn thấy Cố đô là không gian quá chật hẹp cho những ý tưởng sáng tạo bay bổng.

Nhưng thực tế cũng đã ghi nhận những sự lựa chọn khác nữa. Câu chuyện của Quỳnh Anh là một gợi mở thú vị. Quỳnh Anh quyết định rời bỏ CH Séc để trở về với Huế. Thành phố này là nơi cô được sinh ra, cũng là nơi cô khám phá ra điều kỳ diệu của những bàn tay người thợ thủ công, nguồn cảm hứng cho những đôi giày mang thương hiệu Xưa Handicraft. Những chiếc giày độc đáo mà phần gót có thể là một bức tranh sơn mài, một bức khảm trai hoặc điêu khắc gỗ, phần mũ giày có thể làm bằng vải thổ cẩm A Lưới. Điều thú vị là những sáng tạo của cô cũng đang tung hoành trên các sàn catwalk thế giới dưới tên các thương hiệu thời trang quốc tế.

Huế đang manh nha và đủ nội lực để trở thành một thành phố sáng tạo của Việt Nam. Các nhà lãnh đạo ở tỉnh này đã nhìn thấy tiềm năng vô cùng to lớn của kinh tế sáng tạo, và chắc chắn họ đang quyết tâm chuẩn bị hạ tầng và điều kiện pháp lý hỗ trợ các ngành công nghiệp sáng tạo. Cái Huế cần là những hoạt động thu hút nhân tài, là không gian sôi động văn hóa và sáng tạo, là hơi thở của tư duy đổi mới - biến những giá trị văn hóa thành sản phẩm thương mại có giá trị gia tăng cao.