Giữ làng, giữ nước

Làng, buôn, bản, phum, sóc..., gọi chung là làng. Nói đến làng là nói đến những gì thân thuộc nhất gắn với mỗi người từ thuở ấu thơ. Làng là khu vườn nhà ngan ngát hương bưởi, hương cau, mỗi sáng reo đầy những tia nắng mới trong tiếng chim thanh. Làng là con ngõ nhỏ, là những lối quen đi dẫn ta đến chú bác cô dì, dẫn ta đến trường trong nhịp bước bạn bè vui. Làng là cây đa, bến nước, sân đình. Làng là con suối trong, lồng bóng ta vào bóng núi, là ngọn khói lam chiều hòa áng mây xa, chở mơ ước của ta vượt núi, vượt thung đến những miền xa rộng...

Làng là tiếng gọi nhau ra đồng, là sự góp sức của nhiều bàn tay khi công lên việc xuống, khi tắt lửa tối trời.
 
 Làng là ánh mắt mẹ tiễn con ra trận, là bàn tay cô bé nhà bên lặng yên mà xao xuyến mãi trong đời khi ta vừa lớn.
 
 Làng sinh động, xôn xao bước ngàn năm ông cha dựng nước và giữ nước, làng là nguồn suối của ca dao tục ngữ...
 
 Làng là nơi ta trồng nên những cây cối, mùa màng để nuôi đời và xóa đi những dấu chân tàn bạo, nhơ bẩn của quân thù; nơi ta dựng lên những ngôi đền để ghi nhớ công ơn người đánh giặc giữ nước, người khai sơn phá thạch, chiêu dân lập ấp. Nhiều nhà quây nên xóm, nhiều xóm họp thành làng, nhiều làng xây nên nước. Làng không phải chỉ những ngôi nhà mà là một trường thành văn hóa. Nước Việt nghìn xưa, nước Việt muôn sau gốc rễ từ làng, bản sắc và đẹp đẽ do làng.
 
 Tiếng Việt còn từ “chung chạ”, chạ là làng tự thuở Hùng Vương. Khi đau, khi vui, khi cần trợ giúp, người ta gọi “Ới làng nước ơi”, đó là tình cảm, là thông điệp đời trước gửi đời sau. Nước ta đang ở thời công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế sục sôi. Xin hãy cẩn trọng khi chạm đến hồn cốt của làng, đến những điều linh thiêng muôn thuở!