Bên chân ché rượu cần

Nắng trải dài trên những ngọn đồi bát úp nhấp nhô bên dòng sông Đạ Huoai. Xa xa đỉnh núi Lú Mu ẩn hiện giữa dải mây chiều lãng đãng, nhè nhẹ trôi trên khoảng trời xanh ngát. Trong căn nhà gỗ nhỏ ẩn dưới bóng bụi tre Rơla, một loại tre thân rất to của núi rừng vùng Mạ, ông K’Bròi Đam Brê khui ché rượu cần cổ thấp (ché yang) tiếp tôi trong tình thân của những người anh em lâu ngày mới gặp.

Thiếu nữ dân tộc Mạ.
Thiếu nữ dân tộc Mạ.

Ông gọi anh con trai nối dòng ra cùng ngồi, để giúp tiếp nước vào ché rượu mỗi khi một trong hai người chúng tôi hút rượu xuống dưới mức đánh dấu trên đoạn tre cắm giữa miệng ché. Ông bảo: Như thế mới đúng cách mời rượu cần của ông bà mình ngày trước, vả lại, phải để cho K’Breh nó học được những điều hay, khi ngồi tiếp rượu và nghe cha chú nói chuyện, chả vậy mà ca dao Mạ có bài rằng:
 
 Kờñ pàs, ơm jơng yang
 
 
 Kờñ mùs, kờñ pès, ơm kơnia
 
 Tir jòi ùr, ơm tơ jơng bơ nhă.
 
 Tôi cười, mạn phép ông chuyển bài ca dao Mạ sang tiếng Kinh:
 
 Muốn làm giàu, hãy ngồi
 
 chân ché
 
 Muốn làm quan, xin ở quê hương
 
 Muốn phát, chặt, phải lựa chiều
 
 cây ngả
 
 Muốn có bạn gái, mời vào
 
 chân bếp.
 
 Và ông K’Bròi giải thích: Khi tiếp khách, khách và chủ ngồi nói chuyện bên ché rượu cần, người tiếp nước thêm vào ché rượu, gọi là người ngồi dưới chân ché, người này nghe hết những câu chuyện trong cuộc rượu, từ đó học được nhiều điều hay, biết được nhiều điều khôn của người đi trước. Người Mạ nói: trí khôn bởi tai mà có; chữ trí khôn (tồr) cũng đồng nghĩa với chữ cái tai (tồr). Ngày trước, chỉ có những người con sẽ thành già làng (cau kwăng) mới được cho ngồi chân ché mà học hỏi…
 
 Vị già làng “chính hiệu”
 
 Tôi quen biết rồi thân tình với K’Bròi từ bốn chục năm trước, khi cả hai chúng tôi cùng dạy học trong một buôn người Mạ ở vùng ven sông Đồng Nai. Lúc đó núi rừng còn hoang vu, chưa có làng mạc như bây giờ. Cả một vùng rộng lớn giữa đại ngàn nam Trường Sơn, chỉ có vài buôn làng người Mạ lẩn khuất dưới tán rừng già nguyên sinh. Chúng tôi cùng đi vào các nhà sàn dài, nói với các ông trưởng tộc cho con cháu mình đi học để biết cái chữ. Thầy giáo K’Bròi luôn thành công trong việc đưa trẻ con ra lớp nhờ biết dùng những bài “Ndrĭ Nring”, mà tôi gọi là ca dao, để thuyết phục mọi người. Tôi cũng thích những bài ca dao đó, một phần vì chúng mang âm sắc miền núi, một phần vì dùng rất hiệu quả trong việc thuyết phục người Mạ bản địa. Từ thời gian đó, tôi mày mò ghi lại các câu ca dao ở các buôn làng người Mạ mỗi khi có dịp.
 
 Rồi chúng tôi thân nhau, dù ông K’Bròi lớn hơn tôi gần hai chục tuổi. Mãi sau này, khi thấy ông đọc thuộc lòng gia phả của dòng họ đến hơn 100 đời, tôi mới biết, ông là con nối dòng của già làng buôn Puor, một buôn người Mạ Tờm ở ngã ba sông Đồng Nai và sông Đạ Huoai, là người duy nhất trong vùng Mạ thời đó đậu tú tài. Theo như ông kể thì để thành già làng (cau kwăng) phải có xuất thân từ một dòng lớn, có gia phả không đứt đoạn từ thời nguyên sơ đến ngày nay, phải biết luật tục để mà phân xử, hòa giải và giải quyết các công việc trong làng buôn. Cho đến bây giờ, khi đã quá tuổi thất thập, đã nghỉ công việc gần hai chục năm, K’Bròi vẫn là già làng trên thực tế của bốn họ trong buôn Puor, dù trong buôn đã có trưởng thôn cũng là con cháu ông, được mọi người bầu ra để giải quyết các việc liên quan đến hành chính, còn những việc trong nội bộ dân buôn, ông vẫn là người có tiếng nói quyết định…
 
 Nỗi lo biến mất văn chương truyền khẩu
 
 Trong một chuyến đi vào buôn Krềng, cũng thuộc huyện Đạ Huoai, để dự một đám cưới còn thực hiện nghi lễ theo tập quán của người Mạ, tôi hỏi K’Bròi: “Trong vùng Mạ, có còn nhiều người biết luật tục của người Mạ như ông không?”. Ông cười, nét cười nhẹ mà đượm buồn, và nói: “Bây giờ trong vùng Mạ chắc chắn số người thuộc luật tục không nhiều, có thể dùng để phân xử, hòa giải chắc chỉ không đến chục người, mà số người này cũng sẽ ít dần vì đều lớn tuổi cả. Thanh niên bây giờ chẳng mấy người thuộc ca dao, chứ đừng nói đến luật tục, vì luật tục cũng là một phần của ca dao”. Ca dao của người Mạ là một kho tàng kiến thức của cả tộc người. Ban đầu, các bài văn vần được các già làng, các tộc trưởng sáng tạo ra để qua đó điều hành làng buôn, điều hành gia tộc và quy định cách ứng xử của các thành viên, lâu dần, những bài văn vần luật tục đó được phổ biến rộng ra, thành những kiến thức liên quan đến đời sống và nhiều người thuộc hơn, trở thành các câu nói ví, mà người Kinh gọi là ca dao. Ngày trước, trong mỗi làng cũng chỉ có một vài người thuộc nhiều và áp dụng được ca dao vào các trường hợp xảy ra trong cuộc sống cộng đồng, họ thường là các tộc trưởng, già làng, thầy cúng… là những người thuộc tầng lớp trên của xã hội Mạ. Đây chính là những “túi khôn” của làng buôn, họ kế thừa các kiến thức của tộc người, duy trì trong khoảng đời của họ, đồng thời tích lũy thêm hiểu biết, biến nó thành một bài văn vần rồi truyền lại cho những người cùng thời và thế hệ sau.
 
 Người Mạ vốn không có chữ viết, nên tất cả các hiểu biết về con người và thế giới chung quanh cũng như những kinh nghiệm sống, gia phả, các luật tục… đều được truyền từ đời này sang đời khác bằng lời nói. Tập quán xưa của người Mạ là cả họ cùng sống trong một nhà dài, “dài như tiếng chiêng ngân”. Mỗi tối, quây quần bên bếp lửa của gian nhà chính, nơi đặt bàn thờ và nơi ở của ông trưởng tộc, thanh niên được những người cao niên, nhiều hiểu biết truyền lại kiến thức qua các truyện cổ (Yal Yau), hái đối (Lah Long), hát giao duyên (Đơs Long), ca dao (Ndrĭ Nring)… Tất cả đều được kể theo lối văn có vần, có lẽ như thế mới dễ nhớ, từ đó hình thành một nền văn chương truyền khẩu, lưu truyền lại từ đời này sang đời khác. Vậy nhưng, không gian văn hóa, vốn được hình thành từ đời sống gắn với rừng, với núi hiện không còn nữa, những tập tục gắn với không gian văn hóa rừng cũng mai một theo, nên luật tục nói riêng và ca dao Mạ nói chung cũng dần bị quên lãng…
 
 NHÀ văn Trần Ngọc Trác, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng cho biết: Việc sưu tầm các truyện cổ, các bài cúng, các bài ca cổ, hát đố, hát đối, truyền thuyết... của người Mạ trước đây cũng đã làm, nhưng chưa được bao nhiêu so với kho tàng văn học dân gian truyền khẩu của người Mạ và cũng chưa có công trình nào ghi chép có hệ thống về luật tục của họ…
 
 Nhiều lần, khi đi điền dã tại các buôn làng người Mạ, trong màn sương đêm mỗi lúc một dày, ngồi bên bếp lửa bập bùng, bên ché rượu cần cùng những cụ già người Mạ, ghi lại các truyện cổ, ca dao mà họ kể, nhìn ánh lửa chiếu hắt lên những khuôn mặt nhăn nheo, với ánh mắt lóng lánh mà bình yên, tôi thấy được vẻ minh triết của núi rừng toát lên từ con người họ. Tôi tự hỏi, những người con của núi rừng này còn lưu giữ những thành tựu văn hóa của tộc người Mạ được đến bao giờ, khi mà lớp người trẻ lại đang sống trong một môi trường văn hóa khác xa so với thời của cha ông?