Xây dựng Tuyên Quang ngày một phát triển

Cách đây 60 năm, ngày 19 và 20-3-1961, trong dịp trở lại thăm Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Ðồng bào tất cả các dân tộc trong tỉnh phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như anh em trong một nhà… Phải thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm… Khắc ghi lời dạy của Bác, 60 năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, khắc phục mọi khó khăn, triển khai thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi diện mạo từ đô thị đến nông thôn.

Phụ nữ dân tộc Tày xã Năng Khả, huyện Na Hang làm sản phẩm đan lát truyền thống.
Phụ nữ dân tộc Tày xã Năng Khả, huyện Na Hang làm sản phẩm đan lát truyền thống.

Học và làm theo lời Bác, mỗi địa phương trong tỉnh Tuyên Quang đã có những cách làm thiết thực, hiệu quả để nâng cao đời sống cho nhân dân. Lâm Bình là huyện vùng cao và khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Năm 2016, huyện có tỷ lệ hộ nghèo hơn 60%, đến năm 2020, hộ nghèo giảm chỉ còn 31,44%. Có được kết quả này là nhờ huyện đã thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép các dự án, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ðặc biệt là hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện đã có 1.310 hộ gia đình được vay vốn sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền hơn 65 tỷ đồng; gần 43 nghìn lượt hộ gia đình được tập huấn và thực hiện các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và nghề cá trên hồ thủy điện; có 1.099 hộ gia đình được hỗ trợ làm nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở với kinh phí hơn 29 tỷ đồng…, qua đó đã giúp hơn 2.000 hộ gia đình thoát nghèo.

Huyện Yên Sơn đã tập trung phát triển thế mạnh về cây lâm nghiệp. Với 58 nghìn ha rừng, huyện đã hoàn thành việc quy hoạch, cắm mốc phân loại rừng, tạo hành lang pháp lý để các xã trên địa bàn huyện chủ động xây dựng kế hoạch trồng rừng. Từ năm 2016, Yên Sơn đã triển khai thực hiện việc quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC). Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phạm Ninh Thái cho biết, đến nay, trên địa bàn đã có hơn 18 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ FSC cho nên giá trị gỗ rừng trồng tăng từ 10 đến 15%. Ðồng thời, thu hút các tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư trồng, chế biến gỗ rừng trồng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hiện tại trên địa bàn huyện đã có hai doanh nghiệp lớn và hơn 100 cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng. Yên Sơn phấn đấu mỗi năm có thêm ít nhất 2.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, nâng giá trị kinh tế rừng trồng đạt hơn 130 triệu đồng/ha/chu kỳ 7-8 năm.

Giai đoạn vừa qua, Tuyên Quang đã triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất để tăng sức cạnh tranh của nông sản, hàng hóa. Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung để phát triển các vùng chuyên canh lợi thế của tỉnh như: vùng trồng cam hơn 8.600 ha, vùng bưởi hơn 4.900 ha; duy trì ổn định diện tích chè toàn tỉnh hơn 8.400 ha;... Thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC cho gần 36 nghìn ha; hằng năm trồng hơn 10 nghìn ha rừng tập trung, độ che phủ rừng duy trì hơn 65%. Phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng trên sông, trên hồ thủy điện, năm 2020, sản lượng cá toàn tỉnh đạt hơn 9.300 tấn.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình, ủng hộ với nhiều cách làm sáng tạo, đạt kết quả tích cực. Ðến hết năm 2020, toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân đạt 15 tiêu chí/xã. Kiên cố hóa 1.004 km kênh mương, bê-tông hóa 633 km đường giao thông nội đồng, xây dựng 934 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố. Toàn tỉnh có 1.906 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký hơn 20.750 tỷ đồng; có 332 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn hơn 51.200 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2010 - 2020 có 301 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn hơn 41.600 tỷ đồng. Chỉ riêng hai khu công nghiệp và năm cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã thu hút được 32 dự án đầu tư sản xuất da, giày, may mặc, bao bì, linh kiện điện tử,... tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động là con em các dân tộc trên địa bàn. Tỉnh cũng đã tập trung phát triển các khu, điểm du lịch theo quy hoạch. Năm 2020, thu hút 1,7 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp ba, bốn lần so với năm 2010; doanh thu xã hội về du lịch đạt 1.265 tỷ đồng. Huy động nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị để triển khai xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối vào đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hoàn thành đầu tư xây dựng nhiều cây cầu bắc qua sông Lô, sông Gâm tạo kết nối đồng bộ về giao thông với các tỉnh trong khu vực và tạo thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa của nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang Lê Thị Kim Dung cho biết, nhiệm kỳ 2020 -2025, với mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía bắc, Tuyên Quang tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại huyện Sơn Dương và TP Tuyên Quang. Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành lâm nghiệp; duy trì độ che phủ của rừng hơn 65%. Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bảo đảm toàn diện, hiệu quả, đi vào chiều sâu; đến hết năm 2025 có một huyện và 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ, du lịch lịch sử, văn hóa thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình...