Xã miền núi Tân Quang về đích nông thôn mới

Về xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trong những ngày đầu xuân mới, trên gương mặt của những người dân rạng ngời niềm vui và đầy ắp hy vọng, những đồi cam, bưởi vàng ươm sai trĩu quả tô điểm cho không gian vùng quê sắc màu của sự no ấm, trù phú. Vui trong mùa bội thu quả ngọt, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây càng thêm phấn khởi được đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) cấp tỉnh.

Niềm vui được mùa quả ngọt ở Tân Quang.
Niềm vui được mùa quả ngọt ở Tân Quang.

Tân Quang có 2.430 hộ với gần 11 nghìn nhân khẩu. Xã có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu, thuận lợi cho việc phát triển đa dạng về cây trồng, nhất là các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như vải thiều, cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi da xanh... Giao thông đi lại thuận lợi với ba tuyến đường nối vào quốc lộ 31 tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong xã giao lưu kinh tế, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Bên cạnh những thuận lợi, xã Tân Quang cũng gặp không ít những khó khăn. Xã có 13 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ DTTS chiếm 48,5% số dân cho nên trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp. Kinh tế nông nghiệp là chủ yếu cho nên chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố khách quan như thời tiết, giá vật tư đầu vào cao, giá bán các loại nông sản thấp, không ổn định; ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ cho nên khó áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Ðể đạt mục tiêu sớm đưa Tân Quang về đích NTM, Ðảng ủy xã đã chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn, tạo đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và nhân dân. Phong trào toàn dân tham gia cứng hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn đã tạo nét đột phá mới. Giai đoạn 2015-2020, xã Tân Quang huy động hơn 64 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí của Chương trình xây dựng NTM. Trong đó, huy động từ nhân dân địa phương hàng nghìn ngày công lao động, hơn 3,5 tỷ đồng. Nhiều người dân còn tự hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, đường nội đồng cho nên các tiêu chí hoàn thành đúng kế hoạch, giúp xã đạt các tiêu chí và về đích NTM.

Hiện nay, kết cấu hạ tầng kinh tế của xã được đầu tư đồng bộ về điện, đường, trường, trạm, các thiết chế văn hóa… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. 96% số tuyến đường trục xã, liên xã, hơn 61 km đường trục thôn, liên thôn và hơn 73% số tuyến đường ngõ xóm được cứng hóa. Hơn 66% số tuyến kênh mương do xã quản lý đã được cứng hóa, các tuyến kênh mương khác được nạo vét, khơi thông dòng chảy thường xuyên bảo đảm 100% diện tích sản xuất nông nghiệp của nhân dân được tưới tiêu chủ động. Ông Tạ Văn Tu, dân tộc Hoa, ở xã Tân Quang phấn khởi chia sẻ: "Trước đây khổ lắm, những ngày mưa là lầy lội. Vì vậy khi nghe lãnh đạo họp dân phổ biến về Chương trình xây dựng NTM và người dân được tham gia từng công việc thì ai cũng ủng hộ. Năm nay, người dân chúng tôi thật sự phấn khởi được đi trên những con đường liên xã, liên thôn, liên xóm được bê-tông hóa sạch sẽ".

Tất cả các trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia. Nhà văn hóa xã được xây dựng khang trang với diện tích là 360 m2. Khu thể thao được xây dựng trên khuôn viên đạt chuẩn, bảo đảm phục vụ cho các hoạt động tập trung, sự kiện lớn, sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi của nhân dân trong xã. Ðiểm nhấn ấn tượng là nhờ trồng các loại cây ăn quả có giá trị cao, thu nhập bình quân của bà con trong xã tăng. Năm 2020, đạt 48,3 triệu đồng/người, tăng khoảng 12,4 triệu đồng/người so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,99%.

Bí thư Ðảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Quang Dương Xuân Trường chia sẻ: Tân Quang được công nhận là xã đạt chuẩn NTM là minh chứng cho sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, HÐND, UBND huyện Lục Ngạn và các cơ quan, ban, ngành của huyện cùng tinh thần đoàn kết, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương trong việc khắc phục khó khăn, nỗ lực vượt qua thử thách, chung sức, đồng lòng cùng nhau hiện thực hóa quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.