Ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển vùng DTTS và miền núi

Thực hiện các chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN), thời gian qua tỉnh Bắc Kạn tập trung nghiên cứu, nhân rộng các đề tài ứng dụng KHCN trong phát triển cây trồng đặc sản. Từ đó tạo sự chuyển biến về mô hình phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần cải thiện đời sống đồng bào DTTS.

Hợp tác xã Trồng cây ăn quả Khuổi Nằn (huyện Na Rì) áp dụng mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ vào trồng cam, quýt.
Hợp tác xã Trồng cây ăn quả Khuổi Nằn (huyện Na Rì) áp dụng mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ vào trồng cam, quýt.

Những ngày này, người dân ở các huyện Bạch Thông, Ba Bể, Na Rì, Chợ Ðồn… vào vụ thu hoạch cam, quýt. Từ những nghiên cứu khoa học cải tạo vườn già cỗi, sử dụng giống mới, canh tác theo quy trình VietGAP, đến nay, Bắc Kạn xây dựng được thương hiệu cam, quýt, doanh thu mỗi vụ hàng trăm tỷ đồng. Chúng tôi tới thăm trang trại cam, quýt của Hợp tác xã Trồng cây ăn quả Khuổi Nằn, huyện Na Rì. Từ một khu đất hoang hóa, được sự hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật, hơn mười hộ dân đã liên kết thành lập hợp tác xã, áp dụng KHCN để cải tạo, trồng 20 ha cam, quýt, mang lại thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Ðinh Duy Lý, thành viên hợp tác xã cho biết, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, quy mô sản xuất lớn cho nên sản phẩm tiêu thụ tốt, mang lại thu nhập khá cho các thành viên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, từ 30 ha cam xã Ðoài thử nghiệm ở các huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Ðồn, đến nay, diện tích trồng loại cây này trên toàn tỉnh đã lên tới hơn 200 ha. Cây cam xã Ðoài không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà đã trở thành cây làm giàu.
1 ha diện tích đất trồng cây cam xã Ðoài mật độ 400 cây, từ năm thứ 5 trở đi sẽ cho thu hoạch khoảng 8 tấn quả/vụ, lợi nhuận thu được sau khi trừ tất cả các chi phí được hơn 100 triệu đồng/ha. Từ năm 2011 tới nay, riêng đối với cây cam, quýt, Bắc Kạn đã triển khai sáu đề tài, dự án, như: xây dựng mô hình thâm canh cam, quýt và mở rộng mô hình trồng quýt tại Ba Bể; xây dựng mô hình cam, quýt tại xã Thượng Ân (Ngân Sơn); xây dựng mô hình sản xuất quýt bền vững theo hướng VietGAP… Ðến nay, tỉnh đã phát triển được các vùng cây trồng đặc sản gắn với tiềm năng, thế mạnh với hơn 3.300 ha cam, quýt; cải tạo, trồng chỉ dẫn địa lý.

Tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Ðồn có hàng chục héc-ta chè Shan tuyết cổ thụ nhiều năm bị bỏ quên. Thực hiện Dự án tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan tuyết tại Chợ Ðồn, Bắc Kạn đã xây dựng 30 ha canh tác theo quy trình VietGAP và hữu cơ, đồng thời hỗ trợ Hợp tác xã Hồng Hà công nghệ chế biến. Sản phẩm đưa ra thị trường có giá trị kinh tế cao, gồm: trà móc câu truyền thống và hai loại trà mới của Bắc Kạn là Hồng trà và Bạch trà có giá bán từ 500.000 đến vài triệu đồng/kg. Tỉnh đã nhân rộng hơn 198 ha chè Shan tuyết Bằng Phúc và hơn 1.000 ha chè các loại ở các địa phương.

Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng KHCN, tỉnh Bắc Kạn đã phục tráng, nhân rộng thành công nhiều giống lúa đặc sản tưởng như đã biến mất. Nếp Tài là giống lúa truyền thống của đồng bào Dao ở Phiêng Phàng và Nà Pài, xã Yến Dương (Ba Bể). Tuy nhiên, nhiều năm liền, giống lúa quý này bị lãng quên, có nguy cơ mai một, đồng bào nơi đây chủ yếu trồng để phục vụ gia đình và làm quà biếu. Ðược sự hỗ trợ của tỉnh và huyện Ba Bể, đến nay, giống lúa nếp Tài đã "thức giấc". Năm 2018, hơn 10 hộ dân của hai thôn đã gieo trồng với diện tích hơn 1 ha. Ðến vụ mùa năm 2019, để hoạt động liên kết, bao tiêu được chặt chẽ, nhóm trồng lúa được thành lập. Thôn Phiêng Phàng có 17 hộ tham gia với diện tích gieo cấy là 3,4 ha; thôn Nà Pài có 18 hộ tham gia với diện tích là 3,1 ha. Ngoài ra nhiều hộ khác cũng tiến hành cải tạo đất, dẫn nước vào ruộng để trồng, nâng tổng diện tích lúa này trên địa bàn vào năm 2020 lên 15 ha. Ðược hướng dẫn, bà con canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc diệt cỏ, cây trồng phát triển hoàn toàn nhờ vào yếu tố thổ nhưỡng. Hợp tác xã Yến Dương liên kết sản xuất và hỗ trợ tiêu thụ với giá 14.000 đồng/kg thóc. Trung bình năng suất đạt 25 đến 30 tạ/ha, thu nhập bình quân 42 triệu đồng/ha. 

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2011 tới nay, tỉnh đã dành gần 100 tỷ đồng để triển khai 111 nhiệm vụ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Các nhiệm vụ triển khai theo hướng thiết thực, gắn với thực tiễn khi có 40 đề tài nghiên cứu ứng dụng và 71 dự án chuyển giao kỹ thuật, công nghệ. Ðối với lĩnh vực kinh tế, tỉnh triển khai các đề tài, như: phát triển cây đào Toáng cho vùng đồng bào Mông, xã Nam Cường (Chợ Ðồn); triển khai hơn năm dự án về cây cam, quýt cho đồng bào Dao, Tày ở các huyện Bạch Thông, Ba Bể, Na Rì, Chợ Ðồn; ứng dụng KHCN trồng, bao tiêu cây cà gai leo cho đồng bào Dao, xã Tân Sơn (Chợ Mới)…
Ðây là tiền đề vững chắc để Bắc Kạn phát triển các sản phẩm OCOP. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 118 sản phẩm, trong đó, 22 sản phẩm nâng hạng sao và 96 sản phẩm mới; có chín nông sản đã ký hợp tác tiêu thụ thông qua hệ thống 17 siêu thị ở khu vực phía bắc; hàng trăm sản phẩm được thị trường ngoài tỉnh ưa chuộng.

Để bảo đảm đưa nghiên cứu KHCN vào thực tiễn, hằng năm, thông qua các dự án, đề tài, Bắc Kạn đã tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản… cho 800 lượt người dân. Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, hoạt động KHCN đã tác động tích cực, góp phần thay đổi đời sống của đồng bào DTTS. Những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là trong nông nghiệp được triển khai, ứng dụng đã tạo nên làn gió mới trong sản xuất nông, lâm nghiệp ở những vùng khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn đó số ít nghiên cứu mang tính hình thức, nguồn lực đầu tư nghiên cứu còn thấp, một bộ phận người dân vẫn sử dụng công cụ thô sơ, lạc hậu, năng suất thấp… Do vậy, tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo thực hiện các chương trình có tính chất liên vùng để giải quyết những vấn đề quy mô lớn; tiếp tục quan tâm đầu tư tới vùng đồng bào DTTS và MN.

Bài và ảnh: TUẤN SƠN