Tuyên Quang xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp, thực hiện các chính sách ưu đãi của Ðảng, Nhà nước, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ðến nay, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã có cuộc sống ổn định, phát triển kinh tế bền vững.

Tỉnh Tuyên Quang đầu tư xây dựng các công trình hồ đập thủy lợi để phát triển sản xuất.
Tỉnh Tuyên Quang đầu tư xây dựng các công trình hồ đập thủy lợi để phát triển sản xuất.

Tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS còn chậm phát triển, đời sống của một bộ phận đồng bào còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, giảm nghèo chưa bền vững. Vấn đề di dịch cư, xuất cảnh lao động trái phép, kết hôn trái pháp luật với người nước ngoài tại một số địa phương vẫn xảy ra. Ðể khắc phục những khó khăn nêu trên, các cấp ủy, chính quyền tỉnh đã có nhiều giải pháp, trong đó đáng kể là việc thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), xây dựng nông thôn mới (NTM) để nâng cao toàn diện đời sống của đồng bào DTTS.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang Chẩu Xuân Oanh cho biết: Khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG, xây dựng NTM, tỉnh Tuyên Quang mới có một xã đạt hơn 10 tiêu chí; 115 xã đạt dưới năm tiêu chí; bốn xã không đạt tiêu chí nào. Việc triển khai chương trình ở các xã vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn do các xã chưa có quy hoạch phát triển đồng bộ; hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu đời sống của người dân cũng như phát triển sản xuất, nhất là ở các xã, khu vực đặc biệt khó khăn; phần lớn lao động chưa qua đào tạo, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định; y tế xã nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; giáo dục còn hạn chế…

Trên cơ sở đó, tỉnh đã thực hiện lồng ghép các chương trình với chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo, trong đó có các chương trình 134, 135, chính sách khuyến khích phát triển hàng hóa đối với một số cây con trên địa bàn tỉnh, chính sách bảo vệ và phát triển rừng...

Ðồng thời tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững đến vùng đồng bào DTTS, giúp đồng bào nâng cao nhận thức và chủ động cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, tỉnh còn huy động cả hệ thống chính trị với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư chung tay xây dựng NTM. Do vậy toàn tỉnh đã huy động được hơn 383 tỷ đồng, 825.388 công lao động, hiến hơn 10.000 m2 đất để bê-tông hóa 456,83 km đường giao thông nông thôn; xây dựng, tu sửa hơn 160 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 570,7 km kênh mương; xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hơn 783 công trình văn hóa cộng đồng…

Ðến hết năm 2018, toàn tỉnh Tuyên Quang có 30 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có ba xã thuộc xã đặc biệt khó khăn, bảy xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 8 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 12 xã đạt từ bảy đến chín tiêu chí, không còn xã dưới 8 tiêu chí) thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 23 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15,38%. Kết quả đạt được đã làm cho bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều đổi mới về cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.

Ngoài lồng ghép các chương trình của Nhà nước, tỉnh còn chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện nhiều dự án, mô hình phát triển sản xuất như: mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; tổ hợp tác sản xuất; quỹ tín dụng giảm nghèo; hỗ trợ hộ nghèo mua trâu và lợn nái sinh sản; thành lập các tổ hợp tác sản xuất cam sành, hỗ trợ các thành viên mua phân bón, máy bơm nước áp lực tưới cây, máy phun thuốc trừ sâu. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Ðến nay đã có 649 mô hình trồng trọt, 219 mô hình chăn nuôi, 61 mô hình lâm nghiệp, 22 mô hình thủy sản tạo ra sản phẩm hàng hóa tăng thu nhập cho bà con DTTS.

Từ năm 2014 đến năm 2018, toàn tỉnh có hơn 90 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi hơn 2.300 tỷ đồng; hơn 184 nghìn lượt người nghèo, cận nghèo được hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; hơn 15 nghìn lượt lao động nghèo và người DTTS được hỗ trợ học nghề; hơn 5.600 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, đến nay 100% số người nghèo, cận nghèo có thẻ bảo hiểm y tế, 100% số học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn giảm học phí và hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định; huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gắn với xây dựng NTM.

Qua các mô hình phát triển sản xuất được triển khai ở vùng đồng bào DTTS và vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, các hộ gia đình khó khăn đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa giúp các hộ nghèo áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo nhóm. Ðến nay đã có hơn 60% số hộ nghèo tham gia dự án thoát nghèo.

Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách dân tộc về xây dựng NTM gắn với công tác giảm nghèo. Chú trọng các biện pháp tuyên truyền, vận động để bà con các dân tộc nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân, từ đó chủ động và nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.