Trồng dâu tằm bán kén, hướng xóa nghèo ở Bảo Yên

Những năm trước đây, với hơn một mẫu đất sản xuất ven suối, gia đình ông Hà Chí Thanh ở thôn Bản Cóc, xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên chủ yếu trồng ngô và đậu tương. Từ tháng 8-2017, được sự hỗ trợ của dự án trồng dâu nuôi tằm, ông Thanh mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất của gia đình sang trồng dâu, lấy lá dâu để nuôi tằm.

Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) trồng dâu, nuôi tằm cho thu nhập ổn định, góp phần xóa nghèo.
Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) trồng dâu, nuôi tằm cho thu nhập ổn định, góp phần xóa nghèo.

Sau gần một năm chăm sóc, diện tích trồng dâu của gia đình ông đã cho thu hoạch lá. “Trong điều kiện chăm sóc tốt, chỉ sau 14 ngày, lứa tằm đầu tiên đã cho thu hoạch kén. Với 51 kg kén, bán cho doanh nghiệp thu mua, gia đình tôi thu về hơn sáu triệu đồng. Tính ra, với diện tích hơn một mẫu đất, những năm trước đây trồng ngô, nếu thời tiết thuận lợi thì mỗi năm chỉ thu được khoảng 18 triệu đồng”, ông Thanh cho biết.

Cùng tham gia dự án này, gia đình ông Vũ Văn Tình chuyển đổi hơn một mẫu đất nông nghiệp thiếu nước tưới, sang trồng cây dâu. Tháng 6 vừa qua, lứa tằm nuôi thử nghiệm đầu tiên của gia đình ông Tình đã cho thu hoạch. Với 27 kg kén, ông thu về gần 3,3 triệu đồng. Ông Tình chia sẻ: “Ðã làm nông nghiệp thì nuôi con gì, trồng cây gì cũng đều vất vả, nhưng trồng dâu nuôi tằm thì tận dụng được lao động trong gia đình, người già và trẻ em khi rảnh rỗi đều chăm sóc, thu hoạch kén tằm được, thu nhập lại cao hơn nhiều so với trồng ngô, trồng lúa. Hơn nữa, doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ lượng kén tằm với giá thấp nhất là 100 nghìn đồng/kg. Cân kén bán là nhận đủ tiền cho nên bà con rất phấn khởi”.

Dự án trồng dâu nuôi tằm do Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Ðạt triển khai tại hai xã Việt Tiến và Minh Tân của huyện Bảo Yên từ cuối năm 2017. Ðến nay, hàng chục héc-ta dâu trồng đã bắt đầu cho thu hoạch lá để nuôi tằm. Theo ông Ðỗ Văn Tiến, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tiến Ðạt, để triển khai dự án hiệu quả, hợp tác xã đã cung ứng giống dâu và giống tằm cho người nông dân. Người dân chỉ cần góp đất trồng dâu, nếu gia đình nào có nhu cầu về phân bón thì đơn vị sẽ ứng trước và trừ vào tiền bán kén sau này. “Chúng tôi đã tổ chức cho bà con đi tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm ở huyện Trấn Yên (Yên Bái), sau khi triển khai thì đội ngũ cán bộ kỹ thuật đến từng gia đình hướng dẫn theo cách cầm tay chỉ việc. Nhờ đó, tất cả các hộ gia đình tham gia dự án đã nắm vững kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc cây dâu đến nuôi tằm và thu hoạch kén để cung cấp cho các nhà máy dệt”, ông Tiến cho biết.

Theo ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên, hiện nay, cây dâu tằm là một trong những cây trồng chủ lực trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Hiện tại, toàn huyện đã trồng được gần 40 ha cây dâu, với gần 200 hộ nông dân tham gia. Thời gian tới, huyện Bảo Yên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây dâu để phát triển nuôi tằm tại những vùng có điều kiện phù hợp, mở hướng xóa nghèo hiệu quả cho người dân các dân tộc thiểu số ở địa phương.