Tiếp nối mạch nguồn văn hóa nam Tây Nguyên

Nghề dệt thổ cẩm, đan gùi của đồng bào Cơ Ho nói riêng và nam Tây Nguyên nói chung có từ bao giờ, ít ai còn tường tận. Chỉ biết rằng, diện mạo mới đã về trên những buôn làng và không gian, môi trường văn hóa, tập tục đã có sự tiếp biến, đổi thay. Và những nghề truyền thống đặc trưng văn hóa Tây Nguyên vẫn đang được các nghệ nhân buôn làng gìn giữ, trao truyền và tiếp nối mạch nguồn văn hóa đó.

Ông Ha Pall hướng dẫn cách cài nan tạo hoa văn trên gùi cho người dân trong buôn.
Ông Ha Pall hướng dẫn cách cài nan tạo hoa văn trên gùi cho người dân trong buôn.

Từ Ðà Lạt vào miền đất Ðưng K’Nơh, Lạc Dương (Lâm Ðồng) như dải lụa vắt ngang lưng chừng núi. Theo người Cơ Ho cắt nghĩa, Ðưng K’Nơh là "vùng đất bằng thần thoại". Vùng đất này từng liệt vào danh sách xã nghèo nhất tỉnh, nay đang có sự đổi thay khi quyết tâm cán đích nông thôn mới vào năm 2021. Và ở đó, có những nghệ nhân buôn làng đang cần mẫn "dệt" nên những huyền thoại.

Trong ngôi nhà truyền thống của gia đình bà Bon Niêng K’Glòng, tiếng thoi đưa như bản tình ca đại ngàn xuyên qua nhà sàn. Ở xứ này, chỉ còn ba chị em nhà nghệ nhân K’Glòng vẫn đau đáu với nghề dệt thổ cẩm, làm sống lại những nét hoa văn truyền thống của người Cơ Ho và cần mẫn giã cây rừng nhuộm mầu sợi dệt. Ðể dệt nên tấm thổ cẩm mang thuộc tính cơ bản của di sản văn hóa tộc người Tây Nguyên phải thực hiện khá nhiều công đoạn, từ trồng bông, kéo sợi, nhuộm mầu, lên khung và ngồi dệt.

Nghệ nhân K’Glòng cho biết, người Cơ Ho không có khung dệt cố định, đó là bộ khung dệt rời bằng 12 thanh gỗ hoặc tre nhiều kích cỡ; mỗi thanh đều có tên gọi và chức năng riêng và từ xưa đến tận bây giờ vẫn không thay đổi. Thổ cẩm trước đây của người Cơ Ho luôn thoảng hương rừng, nhưng giờ dường như phai lạt, vì qua nhiều công đoạn cầu kỳ, nhiều người không còn thiết tha nữa. Nhưng chị em nhà bà K’Glòng vẫn mê đắm hương sắc ấy. Hàng chục năm nay, đôi bàn tay của họ vẫn luôn nhuốm hương sắc núi rừng, với những mầu chủ đạo, như đỏ, xanh đen, vàng, nâu, xanh dương... Ðể có mầu sắc như ý, nghệ nhân phải biết nhuộm sợi, pha mầu.

Theo lời kể của nhiều người già Cơ Ho, mầu xanh đen, mầu chủ đạo trên thổ cẩm thì lấy lá cây t’rửm vò nát, ngâm khoảng hai ngày rồi ép bỏ hết bã, giữ lấy nước cốt. Lấy vỏ sò nung cháy thành bột, trộn muối và hạt bầu giã nát, cho vào nước cốt t’rửm khuấy đều, để cho lắng xuống rồi lấy phần cốt phơi khô thành bột. Khi dùng, lấy bột này hòa với nước tro than củ chuối rừng để nhuộm. Mầu xanh dương thì ngâm với lá chàm be, hoặc pha loãng bột mầu xanh đen; mầu đỏ là cỏ họ dền, cây lốt, hạt cà ri; mầu vàng thì củ nghệ dại.

Trên thổ cẩm của đồng bào Cơ Ho là bức tranh của cuộc sống gắn với văn hóa rừng, thể hiện khả năng ứng xử, phương thức ứng xử giữa con người với nhau và với tự nhiên. Kỹ thuật tạo hoa văn chủ yếu dựa vào cách đan sợi, cũng có quy tắc truyền thống, nhưng đôi khi là sự sáng tạo thêm của người dệt. Chủ đề hoa văn trang trí trên thổ cẩm truyền thống của người Cơ Ho thường là các sự vật, hiện tượng tự nhiên, muông thú và các vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của họ, như cầu thang nhà sàn, răng cưa, lá đùng đình, cổ cườm chim cu, mắt chim… "Hoa văn truyền thống là vậy, nhưng không phải ai dệt cũng giống nhau. Mầu sắc, sự phối hợp và cách đan xen các họa tiết trên tấm thổ cẩm cũng tùy cảm xúc, cách nhìn và cả sở thích của mỗi người, nhưng không được rời khuôn phép", nghệ nhân K’Glòng chia sẻ.

Các sản phẩm dệt của người Cơ Ho vốn chủ yếu là khố, váy, áo, tấm đắp, tấm choàng, dây đeo tay và cột đầu… Ngày nay, do nhu cầu thị trường, cùng sự giao lưu hội nhập, cho nên xuất hiện thêm các sản phẩm mới như túi xách, ví và băng cài đầu. Nếu như dệt vải là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời, giữ vai trò quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ Tây Nguyên. Nghề đan lát cũng vậy, chỉ khác là dành cho đàn ông. Sau này mới phổ biến, không phân biệt già trẻ, trai gái, cứ vào mùa nông nhàn là đến mùa đan lát. Nguyên liệu chính dùng trong đan lát của người Cơ Ho chủ yếu là lồ ô, nứa, dây mây, cây cóc rừng, cây pơ rô, vỏ cây pết, lá cây sơ đoă… Sau khi lấy từ rừng, nguyên liệu được chọn lựa, xử lý trước khi bước vào các công đoạn chế tác.

Ông Ha Pall, xã Tu Tra, huyện Ðơn Dương (Lâm Ðồng), năm nay tuổi đã hơn 60 mùa rẫy. Từ nhỏ, ông đã được cha trao truyền nghề đan lát. Tiếp nối mạch nguồn, ông lại truyền dạy cho con cháu, bà con trong buôn làng để giữ nghề. Ðặc biệt là đan gùi hoa, vật dụng không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, dùng làm sính lễ, quà tặng và trong các dịp diễn xướng mùa hội. Ðể có một chiếc gùi hoàn thiện phải trải qua hai mùa mưa nắng. Mùa nắng chuẩn bị nguyên liệu; mùa mưa, mùa nông nhàn là vào mùa đan và trải qua các công đoạn làm nan, cài nan, tạo hoa văn, làm vành, dây ràng, quai và đế. Tất cả đều cần đôi tay tài hoa, sự khéo léo và tỉ mỉ. Ông Ha Pall cho biết: "Giống như dệt thổ cẩm, cách tạo hoa văn, phối mầu trên gùi hoa là sự sáng tạo nghệ thuật. Ngày trước, cha ông mình thường dùng chính mầu hai mặt của lồ ô để tạo mầu, hình thành hoa văn hoặc chế mầu từ cây rừng, giờ thì dùng sơn rồi". Hoa văn trên chiếc gùi của người Cơ Ho thường là bơ-lơ-mát (hình thoi), lơh-còn-mát (dạng bông lúa), băng-cha-kiang (chữ v)…

Ở tộc người Cơ Ho nói riêng và các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nghệ thuật tạo hình chưa tách biệt thành một lĩnh vực độc lập, mà nó được kết hợp đan xen, quyện hòa trong các vật dụng sinh hoạt hằng ngày do chính họ sáng tạo ra. Quan niệm thẩm mỹ, tình yêu với cái đẹp của các cư dân ở đây được thể hiện chủ yếu qua những sản phẩm thủ công trên những tấm thổ cẩm, sản phẩm đan lát, vật dụng sinh hoạt, trang sức và trên những vật thiêng. Ðó là mạch nguồn văn hóa kết nối tự nhiên từ đời này sang đời khác trên miền rừng xanh, núi đỏ.