Thái Nguyên có 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nhờ làm tốt việc kiểm kê, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, đến nay tỉnh Thái Nguyên có 17 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó một số di sản đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch như múa Tắc Xình của đồng bào dân tộc Sán Chay, lễ hội Ðền Ðuổm của đồng bào các dân tộc huyệnPhú Lương.

Múa Tắc Xình của đồng bào dân tộc Sán Chay tỉnh Thái Nguyên.
Múa Tắc Xình của đồng bào dân tộc Sán Chay tỉnh Thái Nguyên.

Thông qua việc thực hiện Ðề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020" đã có 550 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn được lập danh mục. Ðây là nguồn tài liệu quý, làm cơ sở quan trọng nhằm nhận diện, xác định sức sống của từng di sản và làm cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị trong cộng đồng.

Tin, ảnh: Thế Bình

Quảng Bình xây dựng đề án bảo vệ và phát triển dân tộc Chứt

UBND tỉnh Quảng Bình vừa xây dựng đề án "Bảo vệ và phát triển dân tộc Chứt tỉnh Quảng Bình theo hướng bình đẳng, đồng đều giữa các dân tộc giai đoạn 2020 - 2030".

Theo đó, đề án sẽ được thực hiện ở 29 thôn, bản của ba huyện có đồng bào dân tộc Chứt sinh sống tập trung để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng dân số, trình độ dân trí, rút ngắn khoảng cách giữa đồng bào dân tộc Chứt với các dân tộc khác trên địa bàn. Ðể thực hiện mục tiêu nêu trên, tỉnh Quảng Bình sẽ tăng cường truyền thông thay đổi hành vi nhằm bảo vệ và phát triển dân tộc Chứt; nâng cao năng lực hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe cho đồng bào; hỗ trợ dinh dưỡng để nâng cao chất lượng dân số… Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 84 tỷ đồng. Ðược biết, dân tộc Chứt ở Quảng Bình gồm năm tộc người là Sách, Mày, Rục, A Rem và Mã Liềng, với 1.743 hộ và 6.935 nhân khẩu.

Hoàng Phúc