Quảng Nam phát triển kinh tế lòng hồ thủy điện

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân tái định cư (TĐC) sau các dự án thủy điện. Trong đó, chủ trương phát triển kinh tế lòng hồ thủy điện được chính quyền, người dân và doanh nghiệp rất quan tâm.
Người dân nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Người dân nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.

Mở rộng quy mô nuôi cá lồng bè

Việc nuôi cá trên lòng hồ thủy điện ở Quảng Nam khởi nguồn từ huyện Bắc Trà My, nơi có Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Khi triển khai dự án Thủy điện Sông Tranh 2, đã có hơn 2.440 ha đất các loại bị ngập nước và chính quyền địa phương phải thực hiện di dời 1.046 hộ, với hơn 5.330 nhân khẩu đi đến nơi ở mới. Những ngày đầu di dời nhà đến các khu TĐC, cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn; tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt… khiến nhiều người lo lắng. Chị Tạ Thị Én ở xã Trà Đốc bồi hồi nhớ lại: “Hồi mới vào khu TĐC, tôi loay hoay tìm kế sinh nhai, nhưng thu nhập không ổn định. Mãi đến khi được tham gia lớp tập huấn về nuôi cá trên lòng hồ theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình tôi mới tìm được hướng đi phù hợp. Được Nhà nước hỗ trợ con giống và thuốc thú y, vụ đầu tiên, gia đình tôi đã đầu tư nuôi năm nghìn con cá giống trong lồng bè và sau năm tháng, thu được hơn 10 tấn cá, sau khi trừ chi phí đã lãi được hơn 60 triệu đồng”.

Anh Trần Văn Mạo, người dân xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My chia sẻ, gia đình anh bắt đầu nuôi cá trên lòng hồ Sông Tranh 2 từ năm 2013. Lúc đầu làm chưa có kinh nghiệm cho nên hiệu quả không cao, nhưng đến nay, việc nuôi cá lồng bè đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Bình quân mỗi tháng, anh Mạo bán ra thị trường khoảng 1,5 tấn cá các loại, mỗi năm doanh thu bán cá đạt từ 1,7 tỷ đến hai tỷ đồng. Trừ chi phí, gia đình anh thu được từ 300 triệu đến 400 triệu đồng tiền lãi từ nuôi cá. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Trà My Huỳnh Ngọc Thiệu cho biết, đến nay, trên địa bàn huyện có 16 hộ nuôi cá lồng bè trong hồ thủy điện Sông Tranh 2, với 210 lồng và mỗi lồng có thể tích 75 m3. Giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh Vũ Đức Toàn cho biết, để tái tạo nguồn cá tự nhiên trong lòng hồ thủy điện, góp phần tạo sinh kế cho người dân TĐC thủy điện, từ năm 2015, đến nay, đơn vị đã tổ chức bốn đợt thả cá xuống lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 với với hơn 200 nghìn con cá giống các loại. Để mô hình nuôi cá trong lồng bè trên lòng hồ thủy điện ổn định và bền vững, ngoài việc hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật, huyện còn cho người dân được vay vốn nuôi cá không tính lãi suất.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Lê Minh Hưng cho biết, việc nuôi cá lồng bè không chỉ ở Thủy điện Sông Tranh 2 mà đã được mở rộng ra tại nhiều hồ chứa nước thủy điện ở miền núi của tỉnh như: A Vương (huyện Đông Giang), Sông Bung 4 (huyện Nam Giang), Đắc Mi 4 (huyện Phước Sơn)… Theo tổng hợp từ các địa phương, hiện có 23 hộ dân đang thả nuôi cá lồng bè ở lòng hồ thủy điện, với hơn 240 lồng, chủ yếu là cá diêu hồng và các loại cá khác như: Cá lăng, cá trê, cá trắm, cá chình... Ước tính, mỗi năm sản lượng thu hoạch khoảng từ 450 tấn đến 550 tấn cá các loại. Bước đầu việc nuôi cá lồng bè đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân TĐC vùng lòng hồ thủy điện cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện

Cùng với việc mở rộng quy mô nuôi cá lồng bè, tỉnh Quảng Nam có nhiều cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế miền núi, nhất là phát triển du lịch. Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển kinh tế lòng hồ thủy điện và ổn định đời sống, sản xuất cho người dân TĐC các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, khí hậu ở khu vực miền núi Quảng Nam quanh năm mát mẻ, nhiều thung lũng bị chia cắt bởi các sông suối, ghềnh thác; lại có thêm chuỗi lòng hồ thủy điện đa dạng về sinh học, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS đang được gìn giữ, bảo tồn là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để du lịch phát triển đúng hướng và đạt hiệu quả, cần phải có quy hoạch bài bản và chiến lược lâu dài; không thể phát triển ồ ạt làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa miền núi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang Hồ Quang Minh cho rằng, chủ trương phát triển du lịch kết nối với lòng hồ các thủy điện được chính quyền địa phương đưa ra từ lâu, nhưng khi bước vào triển khai còn gặp nhiều rào cản. Nguyên nhân do chưa có sự gắn kết, phối hợp nhịp nhàng giữa đơn vị quản lý hồ thủy điện với chính quyền và người dân địa phương. Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển du lịch, huyện Đông Giang đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khai thác lòng hồ thủy điện Sông Bung 5. Hiện nay, Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp (thuộc Tập đoàn FVG) hiện đang triển khai các hồ sơ thủ tục để đầu tư Dự án khu du lịch sinh thái Trường Sơn - Sông Bung trên diện tích hơn 20 ha tại xã Mà Cooih (huyện Đông Giang) với tổng vốn đầu tư khoảng 190 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ khởi công xây dựng vào năm 2020 và chính thức đi vào hoạt động từ quý II năm 2022. Khi dự án du lịch này đi vào hoạt động không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mà còn tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn và tăng thu ngân sách nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định, chủ trương của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu vực miền núi, tạo ra chuyển dịch cơ cấu kinh tế; trong đó, việc đầu tư phát triển kinh tế lòng hồ như: Nuôi cá, du lịch là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo thêm việc làm, cải thiện cuộc sống người dân TĐC vùng lòng hồ thủy điện và cư dân địa phương. Để làm được điều này, tỉnh đã giao cho các ngành liên quan phối hợp các địa phương tiến hành quy hoạch, mở rộng quy mô nuôi cá và phát triển du lịch một cách bài bản trên khu vực lòng hồ thủy điện nhằm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, góp phần cải thiện cuộc sống người dân. Tỉnh sẽ tiếp tục có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hình thành và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp triển khai dự án trong lòng hồ thủy điện, nhằm tạo ra những vùng nuôi cá quy mô lớn và những sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ đập.