Phát triển du lịch cộng đồng ở Bình Liêu

Những năm gần đây, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã mạnh dạn khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng dựa trên giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra các sản phẩm độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua du lịch và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Các trận bóng đá của các cô gái dân tộc Sán Chỉ ở huyện vùng cao Bình Liêu là nét văn hóa đặc sắc và duy nhất ở Quảng Ninh.
Các trận bóng đá của các cô gái dân tộc Sán Chỉ ở huyện vùng cao Bình Liêu là nét văn hóa đặc sắc và duy nhất ở Quảng Ninh.

Là huyện miền núi ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, cách TP Hạ Long hơn 100 km, Bình Liêu có địa hình chủ yếu là đồi núi cao với những thác nước tự nhiên đẹp hùng vĩ, như: thác Khe Vằn, thác Khe Tiền, thác Sông Moóc. Những thửa ruộng bậc thang khi vào mùa lúa chín được gọi là những “tấm thảm vàng”. Trải dài trên các dãy núi trập trùng xanh thẫm là những cánh rừng hồi, rừng quế thơm ngát…, tạo nên bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình. Đây cũng chính là thế mạnh của Bình Liêu trong phát triển du lịch cộng đồng, để thu hút du khách.
 
 Với 96% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Bình Liêu đang tập trung xây dựng các mô hình bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc như: Bản văn hóa người Tày ở Đồng Thanh (xã Hoành Mô), bản văn hóa người Dao ở Nà Nhái (xã Vô Ngại), Sông Moóc (xã Đồng Văn), hình thành các cơ sở lưu trú, điểm du lịch cộng đồng (homestay) đặc sắc.

Trong đó, bản Sông Moóc nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, là nơi tập trung sinh sống chủ yếu của người Dao Thanh Phán. Nơi đây cũng có homestay Sông Moóc House do tư nhân xây dựng và khai thác phục vụ du khách với quy mô tám phòng riêng khép kín và một khu nghỉ tập thể.
 
Cùng với đó, huyện Bình Liêu triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch gồm bảy nhóm sản phẩm theo chuyên đề nhằm mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Tại các địa điểm du lịch sẽ khôi phục, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm các nét sinh hoạt cộng đồng của bà con các dân tộc.

Một trong số đó là vườn hoa Bình Liêu - một sản phẩm du lịch lạ, hấp dẫn ở thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô, do Hợp tác xã hoa Bình Liêu đầu tư với quy mô 2 ha. Đến đây, du khách được hòa mình vào cuộc sống thanh bình, hiếu khách của người dân bản địa, thưởng ngoạn cảnh vật núi non, hít thở không khí trong lành, ngắm muôn mầu hoa lung linh khoe sắc.
 
Huyện Bình Liêu đã bước đầu tạo dấu ấn với du khách bốn phương bằng chính những giá trị văn hóa truyền thống của mình. Thông qua các hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch được tổ chức thường niên như: Ngày hội Kiêng gió, Hội hát Soóng Cọ, lễ hội đình Lục Nà, Hội hoa Sở, hội Mùa vàng... được tổ chức với rất nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, các trò chơi dân gian thú vị.

Đặc biệt phải kể đến phong trào đá bóng của phụ nữ Sán Chỉ tại huyện Bình Liêu đã diễn ra từ lâu, nhưng vài năm trở lại đây mới chính thức đưa vào các lễ hội, các chương trình tuần văn hóa - thể thao. Chị em dân tộc Sán Chỉ mặc váy, chân đi tất, đầu quấn khăn mấn truyền thống ra sân thi đấu như những cầu thủ bóng đá thực thụ đã tạo nên sự hấp dẫn cho du khách đến Bình Liêu.

Bên cạnh đó, tập quán sinh hoạt, canh tác của đồng bào DTTS và đặc trưng hoa sở nở vào mùa đông gắn với tục lệ cơm mới là những nét khác biệt để huyện Bình Liêu phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Có dịp đến Bình Liêu cách đây một năm, anh Vũ Đình Chung ở TP Hà Nội, chia sẻ: Đến Bình Liêu, tôi không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp mà còn được hòa mình vào các trò chơi dân gian, thưởng thức món ăn độc đáo của đồng bào và nhất là được cổ vũ cho chị em dân tộc Sán Chỉ đá bóng. Tôi thấy đây thật sự là một hoạt động mới mẻ, độc đáo.
 
Để kết nối các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong quá trình khám phá Bình Liêu, những năm qua, huyện đã chủ động đầu tư phát huy hiệu quả khi gắn kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội với phát triển du lịch, dịch vụ như: Tuyến đường tuần tra biên giới, đường lên cột mốc biên giới phía tây và cột mốc 1305; đường Lục Ngù - Khe Tiền, đường Nà Ếch - Khe Vằn... Tại Khe Vằn, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu du lịch, huyện đã xây dựng đề án di chuyển một số hộ dân hiện ở khu vực vùng lõi chân thác ra phía ngoài.

Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ đầu tư xây dựng đường mới dẫn từ trung tâm huyện vào Húc Động, trong khi tuyến đường từ trung tâm xã chạy vào thác Khe Vằn đã được bê-tông hóa giúp giao thông đi lại thuận tiện, hai bên trồng cây xanh tạo cảnh quan sạch, đẹp.
 
 Được biết, trong Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Quảng Ninh, Đề án về phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh; Đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025, hay Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc địa phương, huyện Bình Liêu là một trong những địa phương được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, Hoàng Huy Trọng cho biết: Với cách làm bài bản, du lịch Bình Liêu đang ngày càng khởi sắc. Đáng chú ý là không chỉ có chính quyền quyết tâm mà nhân dân và doanh nghiệp đều rất ủng hộ hướng đi này của huyện. Đây là nền tảng để du lịch phát triển bền vững, đưa hình ảnh Bình Liêu vươn xa hơn…