Ðội trưởng đội chiêng nữ Buôn Trấp

Ở Ðắk Lắk, phần lớn các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số đều có đội chiêng nam nhưng duy nhất ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana có đội chiêng nữ. Tâm huyết với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, bà H’Riu H’mốk, Ðội trưởng đội chiêng nữ Buôn Trấp năm nay gần 70 tuổi nhưng vẫn dành nhiều công sức bảo tồn, duy trì đội chiêng nữ, để nhịp chiêng Jhô luôn ngân cao và bay xa.

Bà H’Riu H’mốk (đứng thứ tư từ trái sang) trong buổi truyền dạy diễn tấu chiêng Jhô cho các thiếu nữ.
Bà H’Riu H’mốk (đứng thứ tư từ trái sang) trong buổi truyền dạy diễn tấu chiêng Jhô cho các thiếu nữ.

Bà H’Riu H’mốk đã đi nhiều buôn làng ở Tây Nguyên nhưng không có nơi nào có đội chiêng nữ như Buôn Trấp. Bà chia sẻ: "Ðây là nét văn hóa độc đáo riêng chỉ có đồng bào dân tộc nhóm Ê Ðê Bih nơi đây mới có. Theo ông bà kể lại, xưa kia đội chiêng nữ và dàn chiêng Jhô ở Buôn Trấp chỉ diễn tấu mỗi khi buôn làng có lễ hội hay gia đình nào có chuyện vui, buồn gì muốn thông báo cho cộng đồng, buôn làng biết". Phiên chế của bộ chiêng Jhô ở Buôn Trấp gồm sáu cái, được chia thành ba cặp. Thêm vào đó, dàn chiêng Jhô có một cái trống lớn nên khi diễn tấu, trống có vai trò giữ nhịp cho toàn bộ dàn chiêng theo bài bản, điệu chiêng hòa hợp với nhịp trống đánh làm nền khiến người nghe nhận ra cái độc đáo của dàn chiêng Jhô Buôn Trấp mà không lẫn lộn với một dàn chiêng nào của các dân tộc khác ở Tây Nguyên. Khi diễn tấu chiêng Jhô, các nghệ nhân nữ di chuyển theo vòng tròn từ phải qua trái theo hướng ngược chiều với thời gian có nghĩa ngược về nguồn cội và chỉ dùng những bàn tay mềm mại nắm lại rồi gõ lên những núm chiêng tạo nên những cung bậc âm thanh trầm bổng sâu lắng mà da diết. Một nét khác biệt nữa của đội chiêng nữ ở đây khi diễn tấu là các nghệ nhân mặc trang phục riêng với chiếc váy ngắn hơn, cao ngang đầu gối với hoa văn sặc sỡ, trong đó mầu đỏ là chủ đạo.

Trong nhiều năm qua, bà H’Riu H’mốk cùng các già làng, nghệ nhân nữ trong buôn đã mở được hơn 10 lớp truyền dạy diễn tấu chiêng Jhô cho nữ thiếu niên từ 12 đến 18 tuổi trong buôn. Mỗi khi mở lớp, bà đều trực tiếp truyền dạy tỉ mỉ từng động tác, nhịp chiêng cho các cháu. Em H’Wên Hmốk, một thành viên của đội chiêng nữ Buôn Trấp tâm sự: "Tiếng chiêng đã đi vào tâm thức và thấm vào máu thịt của em từ lúc còn nhỏ, cho nên chỉ sau một lớp luyện tập em đã đánh thành thục các bài chiêng của dàn chiêng Jhô. Hiện nay, ngoài công việc của gia đình, khi đội chiêng nữ trong buôn diễn tấu, biểu diễn ở đâu em cũng tham gia. Ðó vừa là niềm đam mê, vừa góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong cuộc sống đương đại".

Bên cạnh đó, bà H’Riu H’mốk còn sưu tầm và lưu giữ được những bài chiêng cổ của dân tộc mình, tiêu biểu là bài "Drôk katuôi" trong lễ đón khách, bài "Wăk wei" trong lễ mừng lúa mới và "Hahớh" trong lễ hội cúng sức khỏe… Các bài chiêng này thường xuyên được đội chiêng nữ Buôn Trấp diễn tấu, biểu diễn trong các lễ hội của buôn làng và nhiều lễ hội lớn quy mô cấp tỉnh, cấp quốc gia, thậm chí vinh dự được tham gia diễn tấu tại nhiều nước trên thế giới và được khách quốc tế đánh giá cao.

Với những đóng góp của mình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là duy trì đội chiêng nữ trong nhiều năm qua, bà H’Riu H’mốk, Ðội trưởng đội chiêng nữ Buôn Trấp đã nhận được nhiều giấy khen của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương. Bà là một trong số nghệ nhân cồng chiêng tiêu biểu tham dự Ðại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ hai năm 2020 diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 12 tới.

Bài và ảnh: Công Lý