Ninh Thuận triển khai các giải pháp chống hạn

Từ đầu năm đến nay, nắng hạn ngày càng khốc liệt, gây ra nhiều thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân nhiều địa phương trong tỉnh Ninh Thuận, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước tình hình đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó tình trạng hạn hán kéo dài này.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Không quân 937 chở nước từ đồng bằng đến cấp phát cho đồng bào dân tộc Ra Glai, xã Phước Trung, huyện Bác Ái.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Không quân 937 chở nước từ đồng bằng đến cấp phát cho đồng bào dân tộc Ra Glai, xã Phước Trung, huyện Bác Ái.

Nắng hạn diễn ra khốc liệt

Nhiều tháng qua, mỗi ngày, 180 hộ dân với 700 người dân tộc Ra Glai ở thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn phải mang những chiếc can nhựa, men theo con suối trong thôn để múc nước về sinh hoạt. Nước suối ngày càng cạn kiệt, người dân phải lội băng rừng nửa ngày mới múc được chục lít nước. Ông Cà Mâu Hà, 58 tuổi, cho biết, đã sống nơi đây hơn 30 năm, nhưng năm nay là năm nắng hạn khốc liệt nhất, cả thôn phải ngừng sản xuất. Chủ tịch UBND xã Ma Nới Nghiêm Văn Vinh cho biết, toàn xã có 800 ha đất phải ngừng sản xuất vụ hè thu. Xã có sáu thôn với 1.147 hộ, 4.531 khẩu, trong đó, thôn Tà Nôi thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Không sản xuất được, người dân chắc chắn sẽ thiếu, đói lương thực trong năm nay. Mặc dù xã có giếng khoan, tuy nhiên nước bị phèn rất nặng, không sử dụng được.

Ðể giảm "cơn khát" cho người dân, mấy tháng nay, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phải chở nước từ đồng bằng lên miền núi để cấp phát. Tuy nhiên, nước đó chỉ dùng để ăn uống, còn nước tắm giặt thì người dân đi múc nước suối về dùng, nhưng cũng không lấy được nhiều. Theo Ðại tá Nguyễn Ðình Sơn, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Thuận, việc vận chuyển nước sạch phục vụ người dân thôn Tà Nôi sẽ kéo dài đến hết tháng 5 và tùy vào tình hình nắng hạn, đơn vị sẽ tính tiếp.

Tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái, nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính được lấy từ hệ thống đập Ô Căm. Tuy nhiên, hiện nay đập Ô Căm đã cạn kiệt, không còn nước để dẫn về nhà máy xử lý nước tại địa phương, cho nên toàn xã thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Trước tình hình này, từ ngày 17-5, UBND huyện Bác Ái phối hợp Trung đoàn Không quân 937 vận chuyển nước đến xã Phước Trung phục vụ nhu cầu sử dụng nước hằng ngày cho 635 hộ dân. Chủ tịch UBND xã Phước Trung Nguyễn Ngọc Tuân cho biết: Mỗi ngày, Trung đoàn Không quân 937 vận chuyển cho địa phương 25 m3 nước, tập kết tại bốn điểm trụ sở thôn và các điểm trường học để người dân đến lấy nước về sinh hoạt.

Tại huyện Thuận Bắc, lượng nước tại các hồ Sông Trâu, Bà Râu, Ba Chi, Ma Trai đều ở mực nước chết. UBND huyện tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó hạn trước mắt và lâu dài. Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc Lê Kim Hoàng cho biết, toàn huyện có chín hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý; 787 giếng khoan, giếng đào tại các xã Công Hải, Lợi Hải, Bắc Sơn, Phước Kháng, Phước Chiến. Tuy nhiên, hầu hết nguồn nước giếng trong dân đã cạn kiệt, huyện đã phối hợp Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường cùng trạm thủy nông đi khảo sát thực tế và có phương án điều tiết để nhân dân lấy nước sử dụng tiết kiệm.

Riêng khu dân cư giãn dân thôn Tập Lá, xã Phước Chiến có 20 hộ với 93 nhân khẩu đang tiến hành đấu nối, mở rộng tuyến đường ống cấp nước đến từng nhà. Ngoài ra, huyện đã có văn bản đề nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh hỗ trợ lắp đặt 20 cụm đồng hồ nước cho hộ dân, trước mắt người dân đi đến những khu vực có giếng đào để tự lấy nước sử dụng. Còn thôn Bình Tiên, xã Công Hải có 71 hộ với 256 nhân khẩu đang sử dụng bốn giếng khoan nhưng cũng đã cạn. Từ ngày 24-4 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chở nước cung cấp cho nhân dân với số lượng bảy chuyến/ngày.

Ứng phó kịp thời

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Quyết định số 701/QÐ-UBND về việc công bố cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh là cấp độ 3, trong đó, riêng hai huyện Thuận Nam, Thuận Bắc là cấp độ 4 toàn huyện. Với mục tiêu: "Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi", Ninh Thuận đã đưa ra nhiều biện pháp ứng phó với hạn, trong đó ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước sử dụng trong chăn nuôi và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nước tưới cho cây trồng lâu năm... Trong tháng 4 vừa qua, Ninh Thuận tiếp nhận 450 tấn lúa giống, 46 tấn hạt giống ngô, tám tấn hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh khắc phục hạn hán theo Quyết định số 564/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh cũng đã chủ động phân bổ 37 tỷ đồng từ nguồn dư ngân sách tỉnh năm 2018 để đầu tư xây dựng các công trình cấp bách và các công việc liên quan phục vụ chống hạn. Tuy nhiên, trước tình hình nắng hạn gay gắt, trong vụ đông xuân, toàn tỉnh có gần 8.000 ha đất và vụ hè thu có 15.360 ha phải ngừng sản xuất. Nếu trong tháng 6 tới vẫn không có nước, toàn tỉnh sẽ có khoảng 12.156 hộ với 49.475 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt. Theo dự báo của cơ quan dự báo Khí tượng - Thủy văn, nắng hạn sẽ tiếp tục kéo dài đến giữa tháng 9 mới có mưa. Trong thời gian này, người dân không sản xuất được, nguy cơ tái nghèo rất cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ kịp thời nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước bền vững. Mở rộng hệ thống kênh chính, kênh dẫn và cửa lấy nước để phục vụ công tác chống hạn, xâm nhập mặn và kinh phí mua nhiên liệu bơm nước chống hạn. Hỗ trợ giống cho diện tích dừng sản xuất vụ hè thu do hạn hán để tái sản xuất, gồm: 2.000 tấn giống lúa, 50 tấn giống bắp, 10 tấn giống rau màu các loại. Hỗ trợ vắc-xin và hóa chất để thực hiện phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Chỉ đạo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam ưu tiên xả nước qua Nhà máy Thủy điện Ða Nhim phục vụ dân sinh… Có như vậy, Ninh Thuận mới có điều kiện khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân vùng dân tộc thiểu số.